Hỏi Đáp Tại sao lại nói: Bản thân cái đẹp chính là đạo đức?

Hỏi Đáp Tại sao lại nói: Bản thân cái đẹp chính là đạo đức?

Phong Cầm
Phong Cầm
  • Thạc sĩ lang thang ^^ 33 đến từ Nam Định
Câu hỏi: Hồi trước em học lớp 12, khi em đọc truyện ngắn "Chiếc thuyền ngoài xa" của Nguyễn Minh Châu, cô giáo dạy Văn hỏi cả lớp câu này nhưng không ai trả lời được. Em cũng tra google trên mạng, nhưng cũng chỉ là những phân tích chung chung, chưa thực sự đào sâu và em cảm thấy chưa đặc sắc.

Đến tận bây giờ em sắp tốt nghiệp Đại học, đôi lúc vẫn nghĩ về tác phẩm đó của Nguyễn Minh Châu và thấy vẫn chưa trả lời được câu hỏi. Đó là một câu hỏi thực sự rất khó và hay, cho thấy một cái nhìn sâu sắc về cuộc đời mà Nguyễn Minh Châu có thể muốn gửi gắm, em muốn hiểu nó quá, mà không sao hiểu được.

Trong phần đầu đoạn trích “Chiếc thuyền ngoài xa”, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã miêu tả trạng thái cảm xúc của nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng. Khi nhìn thấy chiếc thuyền ở ngoài khơi xa, Phùng

“...một vẻ đẹp thực đơn giản và toàn bích khiến đứng trước nó tôi trở nên bối rối, trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào? Chẳng biết ai đó lần đầu đã phát hiện ra bản thân cái đẹp chính là đạo đức? Trong giây phút bối rối, tôi tưởng chính mình vừa khám phá thấy cái chân lý của sự toàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong gần tâm hồn."

Tại sao tác giả lại nói bản thân cái đẹp chính là đạo đức ? Tại sao khung cảnh thiên nhiên đó có tác dụng gột rửa sạch tâm hồn tác giả ?

P/s : Em thích đoạn này nhất trong tác phẩm vì nó gợi cho em một sự thắc mắc mà đến tận bây giờ em vẫn không hiểu. (có lẽ em là dân khối A).

Mong thầy cô, các bạn giải đáp giúp em ạ.

Em cảm ơn,
5014

Đáp

Là dân khối A, chắc bạn không muốn đọc một bài lòng vòng về văn chương mà chỉ muốn có một câu trả lời rõ ràng. Không biết ý kiến của tôi có khiến bạn hài lòng hay không nhưng hôm nay tôi vẫn muốn viết vì đây là câu hỏi rất hay. Chỉ một điểm nhỏ nhưng lại khiến chúng ta để tâm, không yên lòng. Nếu không trả lời thích đáng, nó sẽ khó lòng khiến bạn đả thông.

Đầu tiên, phải hiểu đạo đức là gì mà tác giả lại viết: “Bản thân cái đẹp chính là đạo đức”. Đạo đức là một từ Hán Việt trong đó : Đạo – tức con đường, Đức – tính tốt, ghép lại có ý nghĩa là: một con đường, một hệ thống của những phẩm chất tốt của con người như: chân thành, kiên trì, nhẫn nại, vị tha, bao dung…Điều đó đủ để thấy rằng một chữ “đức” đã thâu lại tất cả những phẩm chất tốt đẹp của con người.

Trong văn hóa truyền thống phương Đông, người ta vẫn cho rằng “đức” kia là nguồn gốc của phúc phận, là nguyên nhân của giàu sang, phú quý, công danh, địa vị, trí tuệ, tài năng, sức khỏe, hạnh phúc, vẻ đẹp… của con người. Người không có hoặc có ít phúc phận là vì họ không có hoặc có ít “đức”. Lão Tử cũng nói, “Trọng tích đức, không gì là không được” . Ở Việt Nam, Trung Quốc và các nước phương Đông, người xưa thường nhắc nhở con cái, hãy “tích đức”, đừng để “thất (mất) đức”. Người xưa cũng nói “Đức phối thiên địa, thiên tất hữu chi”, có nghĩa là đạo đức của người ta mà hài hòa với trời đất thì trời đất ắt sẽ phù trợ. Phong thủy lớn nhất của đời người chính là đức, chỉ khi nào có đạo đức tốt, nhân ái, lương thiện thì hạnh phúc thật sự mới tìm đến gõ cửa.

Nói về đạo đức nhiều như vậy để thấy được nghĩa của nó rộng tới mức nào, vừa là đức tính tốt đẹp của con người tạo thành một hệ thống, vừa là nguồn gốc đủ đầy, phú quý danh vọng, tựu chung lại đạo đức chính là căn cốt, nguồn cội của cái đẹp, là cái mà con người khao khát có được và luôn hướng tới.

Câu nói: Bản thân cái đẹp chính là đạo đức, như vậy, giống như một câu khẳng định hiển nhiên. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể thắc mắc cái đẹp mà bên trên nói tới là cái đẹp thuộc về tâm hồn, còn cái đẹp trong tác phẩm nhắc tới là cái đẹp thuộc về cảnh vật, ở bên ngoài con người. Hãy chú ý vào tác phẩm: “Toàn bộ khung cảnh từ đường nét đến ánh sáng đều hài hòa và đẹp, một vẻ đẹp thực đơn giản và toàn bích khiến đứng trước nó tôi trở nên bối rối, trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào? Chẳng biết ai đó lần đầu đã phát hiện ra bản thân cái đẹp chính là đạo đức? Trong giây phút bối rối, tôi tưởng chính mình vừa khám phá thấy cái chân lý của sự toàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong gần tâm hồn”.

Anh thợ Phùng chụp được cảnh đắt trời cho trong một phút chốc tình cờ hiếm gặp, cảnh đẹp đó thanh tẩy tâm hồn anh , trong giây phút đó mọi ý nghĩ trong đầu anh được gột rửa, chỉ toàn là cái đẹp, cái đẹp lây nhiễm vào trong bản thể con người khiến người ta hướng theo nó, chỉ nghĩ về nó.

Ở trong đời sống, khi bạn ở bên cạnh một người nào đó luôn bảo vệ môi trường, luôn nói với bạn về tác hại của việc sử dụng túi ni lông, vứt một túi rác ra môi trường cần mấy trăm năm để có thể biến mất hoàn toàn, nói về ảnh hưởng tới thế hệ sau này. Có thể lúc đầu không thay đổi được bạn nhưng về lâu dài, dù bạn không hoàn toàn vứt bỏ được thói quen dùng túi nilong, xả rác, nhưng tôi chắc chắn bạn sẽ hạn chế đi rất nhiều, cũng tự cảm thấy sử dụng túi nilong không đúng mục đích là điều xấu xa. Điều này được gọi là cảm nhiễm cái đẹp. Hoặc bạn là một người yêu động vật, một ngày bạn gặp được một chú mèo bị bỏ rơi, hơn nữa con mèo này còn có lớp lông trắng xù bông, đôi mắt xanh lơ luôn ngơ ngác, lúc đó bạn chỉ muốn đem những điều kiện tốt nhất của bản thân để nuôi nấng chú mèo này. Đó cũng là cái đẹp đạo đức được đánh thức. Mỗi người sẽ có một điểm yêu thích riêng, và khi gặp được đúng điểm yêu thích ấy, cộng thêm đó còn là thứ hiếm gặp, có vẻ đẹp bên ngoài khiến bạn sửng sốt, thì chắc chắn bạn lúc đó sẽ chỉ còn lại trong đầu niềm say mê, cái đẹp chiếm trọn tâm trí, không còn nghĩ tới chuyện xấu xa, không nghĩ tới tiêu cực, chỉ muốn lưu giữ vẻ đẹp ấy trọn đời, cống hiến mọi sức lực, thời gian, tâm huyết cho nó. Phùng là một nghệ sĩ nhiếp ảnh. Do vậy, cảnh đẹp thiên nhiên, cảnh đẹp con người chính là điểm yêu thích của anh ta. Vậy nên khi gặp cảnh con thuyền trong sáng sớm đã làm anh ta kích động, vui mừng, gột rửa. Những thứ dẫn dắt con người hướng tới cái thiện, cái đẹp, khiến người ta không còn suy nghĩ tới điều ác, chẳng phải là đạo đức hay sao?

Giống như những người yêu du lịch, khi tới một địa điểm đẹp, tràn đầy sức sống. Người ta chỉ muốn đắm vào đó, thả lỏng bản thân, hoặc yêu thích tận hưởng vẻ đẹp mà thiên nhiên mang lại. Chắc chắn những người đó, vào khoảnh khắc ấy, đã được cái đẹp từ thiên nhiên dẫn dắt tới những điều tích cực trong suy nghĩ và hành động. Cảm nhiễm hướng tới điều thiện điều tích cực, khiến con người khao khát, bảo vệ, giống như ban đầu tôi đã nhắc tới, chính là đạo đức.

Trong bài này, cá nhân tôi chỉ phân tích riêng biệt khía cạnh cái đẹp của thiên nhiên trong mối liên hệ với đạo đức. Cái đẹp là đạo đức kể cả cái đẹp phẩm chất, cái đẹp hành động hay cái đẹp bên ngoài. Ít ra, trong giây phút gặp gỡ cái đẹp, dù không dám nói tới lâu dài, chúng đã cảm hóa được con người, mê hoặc, cảm nhiễm con người rơi vào trong cái vẻ đẹp ấy. Còn vẻ đẹp của người đàn bà hàng chài, cái chính trong tác phẩm "Chiếc thuyền ngoài xa", không phải là cái bạn đọc thắc mắc nên tôi cũng sẽ không nhắc tới.

Nếu tác giả của câu hỏi có đọc được bài tôi viết, hãy để lại bình luận của bạn nhé. Ngoài ra, tác phẩm này cũng có rất nhiều điều "hay" như: Tên tác phẩm: tại sao lại để tên tác phẩm là Chiếc thuyền ngoài xa, cái tên đầy hàm nghĩa, nhất là khi đọc xong toàn bộ tác phẩm. Tại sao người phụ nữ lại nhất quyết không li dị chồng? Câu trả lời còn khiến những con người "có học vấn" phải suy nghĩ trăn trở.
 
Từ khóa
bản thân cái đẹp chiec thuyen ngoai xa nguyen minh chau đạo đức
12K
2
1

Phong Cầm

Thạc sĩ lang thang ^^
17/5/21
890
911
363,000
33
Nam Định
forum.vanhoctre.com
Xu
7,469,529
- Bài dài dài nhưng ý chốt lại chính là: Đạo đức là hệ thống phẩm chất tốt đẹp của con người, nó là cái đẹp, là thứ mà con người hướng tới, có khả năng lây nhiễm khiến con người tốt đẹp theo.
Vẻ đẹp từ thiên nhiên (bao gồm cả vẻ bên ngoài của con người, vẻ đẹp của động vật, của cảnh quan) tuy chính bản thân nó không thể chủ quan tạo ra việc thiện nhưng lại có thể lây nhiễm cảm hóa tấm lòng con người, giúp con người hướng thiện. Do vậy mới khẳng định: bản thân cái đẹp chính là đạo đức.

- Vấn đề "tích đức" mà xưa nay chúng ta hay nói tới thường đồng hóa với làm từ thiện. Nhưng từ giải thích về chữ đức bên trên đã nói, thì ta có thể hiểu tích đức còn có nghĩa chuẩn là hoàn thiện con người về phẩm chất, từ bỏ thói xấu hướng bản thân về cái đẹp. Khi chúng ta có "đức" có phẩm hạnh đẹp, chúng ta có thể lây nhiễm cảm hóa người xung quanh, nhất là con cháu - những người bên chúng ta hàng ngày, khiến họ cũng có được những phẩm chất tốt đẹp ấy, khiến cho phần hậu thế phát triển theo hướng tốt. Ấy là cái tích đức cho con cho cháu mà người ta hay nhắc tới nhưng lại thường hiểu nhầm thành làm việc thiện. Thực ra làm việc thiện cũng chứng tỏ phần nào chân tâm tốt đẹp của một con người, thế nhưng nhiều người làm việc thiện chỉ hời hợt kiểu góp tiền để nghĩ là mình tốt đẹp, tự an lòng mình thì vẫn chưa làm tới.
 
  • Like
Reactions: baivanhay

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top