Vợ chồng A Phủ- Dạng đề nghị luận về chi tiết, hành động trong tác phẩm, đoạn trích văn xuôi

Vợ chồng A Phủ- Dạng đề nghị luận về chi tiết, hành động trong tác phẩm, đoạn trích văn xuôi

1. Đề 1: Cảm nhận về hành động nhân vật Mị chạy theo A Phủ (Vợ chồng A Phủ– Tô Hoài) và hành động theo Tràng của nhân vật người vợ nhặt (Vợ nhặt– Kim Lân) trong hai đoạn văn sau:

Mị đuổi kịp A Phủ, đã lăn, chạy, chạy xuống tới lưng dốc, Mị nói, thở trong hơi gió thốc lạnh buốt:

– A Phủ cho tôi đi.

A Phủ chưa kịp nói, Mị lại nói:

– Ở đây thì chết mất.

(Trích Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài)

Ăn xong thị cầm dọc đôi đũa quệt ngang miệng, thở:

– Hà, ngon ! Về chị ấy thấy hụt tiền thì bỏ bố.

Hắn cười:

– Làm đếch gì có vợ. Này nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về.

Nói thế Tràng cũng tưởng là nói đùa, ai ngờ thị về thật.

(Trích Vợ nhặt của Kim Lân)


* Hướng dẫn:

a.Mở bài

- Tô Hoài là cây đại thụ lớn của nền văn học hiện đại Việt Nam. Ông đã để lại cho đời một sự nghiệp văn chương đạt kỉ lục về số lượng tác phẩm; phong phú, hấp dẫn về nội dung; đặc sắc về nghệ thuật. "Vợ chồng A Phủ" là một truyện ngắn xuất sắc trong đời văn Tô Hoài nói riêng và văn học hiện đại của ta nói chung.

- Kim Lân là một trong những nhà văn tiêu biểu của văn xuôi hiện đại Việt Nam. Ông là một cây bút viết truyện ngắn tài hoa. Thế giới nghệ thuật của Kim Lân chủ yếu tập trung ở khung cảnh nông thôn và hình tượng người nông dân. “Vợ nhặt” là một trong những tác phẩm xuất sắc của Kim Lân, in trong tập “Con chó xấu xí”.

b. Thân bài

b.1: Vị trí đoạn văn:

– Đoạn văn miêu tả hành động của Mị xuất hiện khi Mị cởi trói cho A Phủ trong một đêm đông giá rét.

– Đoạn văn miêu tả hành động của người vợ nhặt xuất hiện khi Tràng gặp thị lần thứ hai trong nạn đói 1945.

B2:. Cảm nhận đoạn văn.

* Đoạn văn miêu tả hành động của nhân vật Mị:

-Nội dung:

+Bối cảnh khi Mị cởi trói cho A phủ và dẫn đến hành động chạy theo A Phủ: Đêm đông giá rét, A Phủ bị trói gần chết ở nhà thống lí Pá Tra. Tâm trạng Mị lúc này hoàn toàn vô cảm, thế gới xung quanh chỉ tồn tại như những vật vô tri vô giác. Dòng nước mắt A Phủ tác động đến suy nghĩ của Mị, thương mình đến thương người, Mị cởi trói cho A Phủ. Nhưng khi A Phủ vừa chạy thì Mị cũng chạy theo.

+ Hành động của Mị nhanh chóng tức tốc như đuổi theo sự sống ở phía trước khi Mị chợt hiểu A Phủ đang thoát khỏi sự thật độc ác của chúng nó mà trước đó Mị đã nghĩ tới. Cũng có thể lúc đó cái sợ chết bất ngờ xuất hiện trong tâm trí Mị phải chết trên cái cọc ấy.

+ Lời nói của Mị khi chạy theo A Phủ cũng vội vã, liên tiếp không cần chờ sự phản ứng của A Phủ. Lời nói bộc lộ rõ tâm trạng sợ hãi về cái chết. Lúc này với Mị, A Phủ là chỗ dựa duy nhất, tin tưởng nhất. Thời gian với Mị lúc này là vô cùng quý giá, Mị như không kịp nghĩ khi nói với A Phủ. Chỉ biết rằng, ngay lúc này phải thoát khỏi nơi đây cùng A Phủ.

–Nghệ thuật: Nhà văn đã thể hiện khá sâu sắc trạng thái tâm lí cũng như hành động đặc biệt của Mị lúc này khi đặt nhân vật vào tình huống của sự lựa chọn. Không cần những lời bình luận, chỉ miêu tả bằng những câu văn ngăn, nhịp gấp gáp, những lời thoại khẩn khoản ngắn ngủi như chính tính cách và suy nghĩ của những người dân tộc thiểu số. Vậy mà nhân vật hiện lên đã thể hiện chiều sâu tư tưởng của tác phẩm, nói được tiếng nói của con người sinh ra để viết của Tô Hoài.

* Đoạn văn miêu tả hành động của người vợ nhặt:

– Nội dung

+Bối cảnh dẫn đến hành động của người đàn bà: Nạn đói 1945 đã đưa đẩy những con người nghèo khổ sắp chết đến với nhau. Lần gặp lại này Tràng đã mời một cách rất chân thành, tự nhiên pha chút vui đùa. Thị ngồi ăn thật và ăn cũng rất tự nhiên để thỏa cái đói khát của mình, sau đó theo Tràng về làm vợ cũng một cách dễ dàng.

+ Hành động ngồi ăn của thị sà xuống ăn một chặp không buồn ngẩng mặt, nói năng gì, ăn xong cầm dọc đôi đũa quệt ngang miệng đúng là những cái đẹp, cái duyên vốn cần có ở người phụ nữ đã mất hết vì cái đói. Ăn đến không kịp thở thì đúng là ăn nhanh hơn thở, trong cái đói bản năng lấn át hết mọi thứ. Đến cả việc hạ thấp nhân phẩm của mình, thị theo Tràng về thật khi mà anh ta chỉ nói đùa.

+ Những lời thoại của thị cũng chẳng còn kịp nghĩ như chính hành động của mình.

–Nghệ thuật: Nhà văn Kim Lân đã đặt nhân vật vào tình huống oái oăm, éo le: được mời ăn trong lúc đói, được rủ về nhà trong khi đang lang thang kiếm sống. Từ đó nhân vật bộc lộ hết bản chất, tính cách của mình. Cũng nhờ vậy mà ta hiểu hết những thay đổi của một con người trong hoàn cảnh như người vợ nhặt. Đặc biệt nhà văn chú ý tới hành động của nhân vật, hành động đó đúng với tâm lí con người khi đói người ta nghĩ đến cái ăn và được sống.

* Nhận xét sự tương đồng và khác biệt:

– Tương đồng:

+ Hai nhân vật là những nạn nhân của thời đại xã hội đầy rẫy những bất công và bạo tàn. Mị là nạn nhân của xã hội phong kiến tay sai ở miền núi, thời điểm mà bọn Pháp đã cấu kết với tay sai miền núi để đàn áp bóc lột nhân dân. Người vợ nhặt rơi vào cái hoàn cảnh cái đói cái chết đầy đường do Pháp và phát xít Nhật gây ra không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người của những người từ vùng Nam Định, Thái Bình.

+ Cả hai nhân vật đều cùng một mục đích là đi theo và dựa vào người đàn ông mà mình tin tưởng (tuy chưa thật chắc chắn, chưa biết viễn cảnh tương lai sẽ như thế nào, mà cũng không có thời gian để nghĩ đến điều đó), trước mắt là nhằm thoát khỏi cảnh ngộ khốn cùng bởi cái chết đang đe dọa để cứu lấy mạng sống cho chính mình. Đó cũng chính là khát vọng sống trổi dậy của con người mang tính quy luật tất yếu.

+ Cả hai cách giải quyết tình huống của hai tác giả tuy khác nhau về cảnh ngộ nhưng đều giống nhau là hướng về sự sống, về tình người, nên có giá trị nhân văn sâu sắc.

+ Tình thương đồng loại giai cấp.

– Khác nhau:

+ Hành động Mị chạy theo A Phủ với thái độ dứt khoát, quyết liệt, cấp thời, không tính toán, trước tiên là do sự thức tỉnh tự phát về bản thân, ý thức về sự sống, nếu ở lại nhà Pá Tra thì tất yếu sẽ nhận lấy cái chết. Thứ đến, việc Mị chạy theo A Phủ mang ý nghĩa tự giải thoát cảnh đọa đày nô lệ lầm than khủng khiếp về thể xác lẫn tinh thần, thoát khỏi cuộc sống tù ngục trần gian nơi gia đình thống lí Pá Tra. Hành động gắn liền với quá trình tâm lí trước đó. Cách kể chuyện thể hiện những hiểu biết sâu sắc suy nghĩ, tính cách, lối sống của người dân tộc thiểu số.

+ Cô vợ nhặt theo Tràng là do cái đói đang đe dọa lên mạng sống. Hành động của cô vợ nhặt là sự bám víu để nương tựa trước ranh giới giữa sự sống và cái chết hết sức mong manh. Việc cô nhận theo Tràng về làm vợ là một quyết định khá liều lĩnh, nhưng không còn cách nào khác. Cho thấy trong nạn đói ấy, thân phận của con người trở nên vô cùng rẻ rúng, đáng thương. Cách kể chuyện pha chút dí dỏm hài hước mà hấp dẫn thuyết phục.

c. Kết bài

Là những chi tiết đặc sắc, không chỉ thể hiện tài năng mà còn cả tấm lòng của hai tác giả. Tô Hoài và Kim Lân xứng đáng là những cây bút tài hoa của nền văn học Việt Nam



2. Đề 2:Trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”, nhà văn Tô Hoài đã miêu tả hành động trỗi dậy của nhân vật Mị qua hai đoạn văn sau:

-“Bây giờ Mị cũng không nói. Mị đến góc nhà, lấy ống mỡ, xắn một miếng bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng. Trong đầu Mị đang rập rờn tiếng sáo.Mị muốn đi chơi, Mị cũng sắp đi chơi. Mị quấn lại tóc, với lấy cái váy hoa vắt ở phía trong vách…”.


-“Lúc ấy trong nhà đã tối bưng, Mị rón rén bước lại, A Phủ vẫn nhắm mắt, nhưng Mị tưởng như A Phủ đương biết có người bước lại… Mị rút con dao nhỏ cắt lúa, cắt nút dây mây. A Phủ cứ thở phè từng hơi, không biết mê hay tỉnh. Lần lần, đến lúc gỡ được hết dây trói ở người A Phủ thì Mị cũng hốt hoảng, Mị chỉ thì thào được một tiếng “Đi ngay…”…”

Cảm nhận tâm trạng của nhân vật Mị qua hai đoạn văn trên, từ đó nhận xét về sức sống tiềm tàng của nhân vật này.


* Hướng dẫn:

a. Mở bài

– Tô Hoài là một trong những gương mặt tiêu biểu của văn xuôi Việt Nam hiện đại.

– “Vợ chồng A Phủ”trích trong tập “Truyện tây Bắc”. Tác phẩm phản ánh bức tranh bi thảm của người dân nghèo miền núi dưới ách áp bức, bóc lột của bọn phong kiến, thực dân và là bài ca về phẩm chất, vẻ đẹp, về sức sống mãnh liệt của người lao động.

b. Thân bài

b.1. Giới thiệu nhân vật Mị

Mị là cô gái xinh đẹp, có tài thổi sáo, có nhiều chàng trai theo đuổi. Vì món nợ truyền kiếp, Mị đã bị bắt về cúng ma và làm con dâu gạt nợ nhà thống lí, trở thành nô lệ, dần dần tê liệt về tinh thần. Thế nhưng với phẩm chất tốt đẹp của người lao động, sức sống cứ tiềm tàng, âm ỉ rồi bùng cháy mãnh liệt khiến Mị có thể trỗi dậy giải thoát cho A Phủ và cho chính mình.

b.2 Cảm nhận về hai đoạn văn

* Đoạn văn thứ nhất:

- Hoàn cảnh: Sau khi uống rượu, lắng nghe tiếng sáo trong không khí mùa xuân đang về, tâm trạng Mị có sự thay đổi. Từ kiếp sống nô lệ, cam chịu, tâm hồn Mị đã có sự hồi sinh. Mị muốn đi chơi và sửa soạn để đi chơi.


-Tâm trạng Mị:

. Bây giờ Mị cũng không nói. Mị đến góc nhà, lấy ống mỡ, xắn một miếng bỏ vào đĩa đèn cho sáng”

.Sống trong thân phận làm dâu gạt nợ, tinh thần Mị tưởng như đã bị tê liệt hoàn toàn. Nhưng khi đêm tình mùa xuân đến đã đánh thức khát khao trong Mị sống lại. Bây giờ Mị không nói, nhưng tâm hồn Mị đã hồi sinh và ý thức được cuộc sống vô nghĩa ở hiện tại.

. Mị đến góc nhà, lấy ống mỡ xắn một miếng bỏ vào đĩa đèn cho sáng. Hành động ấy cho thấy Mị đang muốn thắp sáng lại căn phòng cũng là thắp sáng cho tâm hồn và cuộc đời đầy đau khổ, tăm tối của mình.

+ Trong đầu Mị đang rập rờn tiếng sáo

. Tiếng sáo là biểu tượng cho tình yêu, Hạnh phúc, khát vọng tuổi trẻ và là biểu tượng cho cuộc sống tự do

. Tiếng sáo từ ngoại cảnh trở thành tiếng sáo trong tâm tưởng, vẫn rập rờn trong đầu Mị như thúc giục Mị đi theo tiếng gọi của tình yêu, hạnh phúc.

+ Mị muốn đi chơi, Mị cũng sắp đi chơi. Mị quấn lại tóc, Mị với lấy cái váy hoa vắt ở phía trong vách.

. Những khát khao ấy cho thấy Mị đã thực sự sống lại với quá khứ tươi đẹp ngày trước. Trong những đêm tình mùa xuân, Mị đã từng hẹn hò đi chơi với người yêu qua âm thanh tiếng sáo.

. Mị dường như quên đi sự có mặt của A Sử. Những câu văn ngắn, nhịp điệu nhanh, nêu ra ước muốn và các hành động liên tiếp của Mị thể hiện sự thôi thúc như một sự chuẩn bị tất yếu cho một sự trỗi dậy mạnh mẽ hơn.

– Nghệ thuật: Nghệ thuật miêu tả diễn biến tâm lý tinh tế.

b. Đoạn văn thứ hai

- Hoàn cảnh

+ Sau đêm tình mùa xuân, Mị càng trở nên vô hồn, vô cảm. Trong những đêm làm bạn với bếp lửa, Mị đã bắt gặp A Phủ bị trói đứng.

+ Ban đầu Mị thản nhiên, lạnh lùng nhưng khi nhìn thấy một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại của A Phủ, từ thương cho mình Mị thương cho A Phủ.

+ Mị quyết định cắt dây cởi trói và chết thay cho A Phủ.

-Tâm trạng của Mị

+“Lúc ấy trong nhà tối bưng, Mị rón rén bước lại, A Phủ vẫn nhắm mắt, nhưng Mị tưởng như A Phủ đương biết có người bước lại…

.Nếu Mị là thân phận con dâu gạt nợ thì A Phủ là kẻ ở không công. Chỉ vì để hổ ăn mất một con bò mà A Phủ bị thống lí Pá Tra trói đứng. Sự gặp gỡ của Mị và A Phủ là sự gặp gỡ của những con người cùng cảnh ngộ.

. Nhà văn đã tạo ra thời điểm thuận lợi cho sự trỗi dậy của Mị. Đó là lúc trong nhà “tối bưng” với không gian yên tĩnh, vắng vẻ.

+ Mị rút con dao nhỏ cắt lúa, cắt nút dây mây.

. Đây là hành động táo bạo, là sự phản kháng tất yếu của một con người đã bị áp bức, bóc lột tàn nhẫn.

. Hành động thể hiện sự đồng cảm, tình yêu thương của những con người cùng cảnh ngộ. Tình yêu thương giữa những con người cùng khổ đã tạo nên sức mạnh để Mị vượt qua nỗi sợ hãi trước cường quyền giải thoát cho A Phủ.

. Hành động này cũng là kết quả tất yếu của quá trình hồi sinh trong hồn Mị, thể hiện cho một sức sống tiềm tàng, mãnh liệt.

. Thể hiện ngòi bút hiện thực và nhân đạo của Tô Hoài.

+Lần lần, đến lúc gỡ được hết dây trói ở người A Phủ thì Mị cũng hốt hoảng, Mị chỉ thì thào được một tiếng “Đi ngay…”…”

. Mị ý thức được việc làm của mình, cô hốt hoảng bởi lo cho A Phủ và chính mình. Chính Mị cũng không thể nghĩ mình lại có thể làm được như vậy.

. Dẫu đã vượt qua sự sợ hãi cường quyền nhưng Mị vẫn bị ám ảnh bởi thế lực thần quyền. Mị luôn cho rằng, đã bị cúng ma rồi thì “chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi”.

– Nghệ thuật: miêu tả nhân vật qua diễn biến tâm lý, ngôn ngữ và hành động.

* Nhận xét sự tương đồng và khác biệt:

–Giống nhau: Cả hai đoạn văn đề tập trung làm nổi bật sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị qua những hành động trỗi dậy thật quyết liệt. Sức sống của Mị chỉ tạm thời bị che lấp chứ không bị dập tắt và khi có cơ hội là sẽ bùng lên mạnh mẽ.

– Khác nhau:

+ Nếu đoạn văn thứ nhất thể hiện sức sống tiềm tàng của Mị trong đêm tình mùa xuân với khát vọng vượt thoát khỏi hiện thực, khao khát tự do, được hưởng tình yêu và hạnh phúc thì đoạn văn thứ hai lại tập trung thể hiện sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư tưởng và hành động của Mị trong đêm cởi trói cho A Phủ với vẻ đẹp đầy nội lực, lòng dũng cảm và sự quyết đoán của nhân vật.

+ Nếu khát vọng đó ở trong đoạn 1 mới chỉ dừng lại ở những diễn biến trong tâm trạng, ở sự hồi sinh trong tâm hồn nhưng rồi nhanh chóng bị dập tắt bởi nghịch cảnh. Còn sức sống tiềm tàng của Mị ở đoạn văn thứ hai đã chuyển hóa thành hành động cụ thể, cắt dây cởi trói cho A Phủ và sau đó là tự giải thoát cho cuộc đời mình.

*Sức sống tiềm tàng của nhân vật

– Vẻ đẹp của nhân vật Mị: là người có sức sống tiềm tàng, khát vọng tự do mãnh liệt…

– Tư tưởng của nhà văn: Thể hiện tiếng nói nhân đạo sâu sắc, tiến bộ của nhà văn: khẳng định, trân trọng vẻ đẹp và khát vọng chính đáng của người lao động, tìm ra con đường đấu tranh để giải phóng cho nhân vật…

c. kết bài:

– Giọng trần thuật của tác giả hòa vào những độc thoại nội tâm của nhân vật tạo nên ngôn ngữ nửa trực tiếp đặc sắc ở hai đoạn văn.

-Tô Hoài đã miêu tả sâu sắc và cảm động sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị. Sức sống ấy như ngọn lửa âm ỉ cháy không dễ gì có thế dập tắt được. Miêu tả ngọn lửa của lòng ham sống vẫn nồng nàn và mãnh liệt nơi một tâm hồn tưởng đã tê liệt vì những đọa đầy về thể xác cũng như tinh thần cho thấy một niềm tin mãnh liệt vào con người của nhà văn. Thắp sáng ngọn lửa của khát vọng sống ấy, Tô Hoài cũng làm bừng sáng giá trị nhân văn cao cả của tác phẩm.
 
689
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.
Top