Chia Sẻ 5 hoạt động giúp con học ngôn ngữ trong mùa hè

Chia Sẻ 5 hoạt động giúp con học ngôn ngữ trong mùa hè

Goocki đã từng nói: “Ngôn ngữ là yếu tố đầu tiên của văn chương”. Muốn thâm nhập văn chương, người học không thể không vượt qua ngưỡng cửa của ngôn ngữ, thông qua việc tri giác hình tượng của ngôn ngữ. Ngôn ngữ được xem là mã lời nói là thông báo cụ thể, ngôn ngữ là cái tiềm tàng và qua giao tiếp, cái tiềm tàng đó sẽ được hiện thực hoá và phát triển. Giao tiếp ngôn ngữ như một hình thức ngôn ngữ tham gia vào cuộc sống sẽ là yếu tố trung gian để con người truyền đạt và tiếp thu kinh nghiệm cuộc sống. Khi được người giáo viên nâng cao năng lực ngôn ngữ, học sinh sẽ lấy đó làm nền tảng khi giao tiếp ngoài xã hội một cách trực tiếp (đối thoại, hội thoại,..) và gián tiếp (viết văn, viết đơn từ,…) và cũng từ đó năng lực ngôn ngữ của các em ngày càng được nâng cao và phát triển.

4641


5 hoạt động giúp con học ngôn ngữ trong mùa hè

Để giúp con có một mùa hè thú vị, bố mẹ cùng tham khảo các hoạt động dưới đây nhé:

1. Lọ từ vựng

Hoạt động này mình đã gợi ý và nhiều bạn nhỏ áp dụng thành công. Trong khi đọc một cuốn sách, nếu con chỉ đọc thì lướt qua rất nhanh. Bố mẹ khuyến khích con chuẩn bị một chiếc lọ và trang trí, khi đọc con sẽ viết những từ ngữ đặc biệt, độc đáo vào phiếu và thả vào lọ.

Tiêu chí lựa chọn từ ngữ, bố mẹ có thể dựa vào lớp con đang học. Ví dụ:

- Lớp 1 -3: từ con cảm thấy hay hoặc chưa hiểu nghĩa

- Lớp 4: từ láy, từ ghép

- Lớp 5: từ láy hoàn toàn/bộ phận, từ ghép tổng hợp/phân loại...

Cấp độ khó sẽ được nâng dần ở mỗi lớp, như vậy con vừa thích thú đọc, vừa tích lũy được một kho từ vựng khổng lồ, vừa ôn tập được các kiến thức luyện từ và câu.

Tuy nhiên, để lọ từ vựng được sống, các con cần có những trò chơi sau khi có đủ lượng từ vựng nhất định. Bố mẹ cùng đọc tiếp nhé!

2. Từ điển từ vựng

Sau khi con đã có một lượng từ vựng nhất định trong lọ, bố mẹ sẽ hướng dẫn con làm một cuốn từ điển trong mùa hè. Chắc chắn tụi nhỏ sẽ mê tít vì vừa được hiểu hơn từ ngữ vừa được sáng tạo và biến con chữ trở nên sinh động.

Mỗi ngày, con lựa chọn ngẫu nhiên 5 - 7 từ trong lọ từ vựng (hoặc nhiều hơn nếu con muốn). Con sẽ viết từ đó ra trên mẩu giấy nhỏ, khoảng 1/4 tờ giấy A4.

- Bước 1: phân loại từ ngữ đó ra thành danh từ, động từ hoặc tính từ.

- Bước 2: con giải thích cách hiểu từ ngữ đó bằng các từ đồng nghĩa hoặc trái nghĩa. Con có thể tham khảo thêm những cuốn từ điển khác để hiểu từ một cách rõ nhất.

- Bước 3: đặt câu với từ ngữ đó.

- Bước 4: minh hoạ bằng hình ảnh, màu sắc để cuốn từ điển dễ thương hơn.

Vậy là, sau mùa hè, con sẽ có một cuốn từ điển thật đáng yêu. Con có thể sử dụng nó trong quá trình học viết và bổ sung liên tục các từ ngữ để mình có cuốn từ điển hoàn thiện nhất.

3. Sổ tay thành ngữ, tục ngữ

Trong quá trình dạy học, mình phát hiện ra học sinh rất yếu về mảng này. Đa phần các em không hiểu hoặc hiểu sai các câu thành ngữ, tục ngữ. Tuy nhiên, khi thi vào các trường chất lượng, câu hỏi điền từ còn thiếu để hoàn thành câu thành ngữ, tục ngữ hoặc giải thích ý nghĩa là một dạng đề bắt buộc.

Và học thành ngữ, tục ngữ không chỉ học 1 - 2 ngày, đó là một quá trình tìm tòi, tích lũy. Các bố mẹ có thể giúp con học tập ngay từ bây giờ.

Bố mẹ lựa chọn những câu thành ngữ, tục ngữ quen thuộc, gần gũi trong đời sống hằng ngày. Sau đó, bố mẹ hướng dẫn con đọc tài liệu về nguồn gốc, ý nghĩa các câu. Cuối cùng đặt câu và minh họa cho câu thành ngữ, tục ngữ đó.

Việc này giúp các con hiểu được ý nghĩa của câu, biết sử dụng trong ngữ cảnh hợp lí. Khi nói và viết con có thể áp dụng được phù hợp, thuyết phục hơn.

4. Flashcard theo chủ đề

Con yêu thích về vũ trụ, con đam mê về địa lí, con mải miết với những câu chuyện lịch sử...vậy thì, rất phù hợp để bố mẹ hướng dẫn con làm bộ flashcard theo các chủ đề đó. Hoặc chỉ cần chủ đề theo con thích là được.

Bố mẹ có thể mua bộ flashcard trắng ở các nhà sách, chúng ta sử dụng bộ vừa tay với các con. Làm sao để con mang đi, để gọn vào trong túi hoặc Balô. Con có thể sử dụng để đang để đọc lại và đố em út, bạn bè.

Mặt trước, con sẽ thiết kế những câu hỏi, ví dụ:

- Hệ Mặt trời có mấy hành tinh? Đó là những hành tinh nào?

- Nơi nào được mệnh danh là “đất hai vua”?

- Quốc hoa của Lào là hoa gì?

- Vì sao lại có cầu vồng?

...

Mặt sau, con sẽ viết câu hỏi và thêm hình mình họa để bộ flashcard đẹp và hấp dẫn hơn.

Hồi bé, mình thường ngồi xem hết chương trình Ai là triệu phú, Rung chuông vàng, Đường lên đỉnh Olympia và ghi chép hết tất cả câu hỏi, câu trả lời. Sau này, mình có một lượng kiến thức khá khá và tạo kho để đố tụi nhỏ học sinh.

Việc ngồi viết các câu hỏi, câu trả lời và làm hình minh họa sẽ giúp con phát triển tư duy, biết cách đặt câu hỏi, sắp xếp trật tự từ ngữ hợp lí, đặc biệt con còn thu lượm được lượng kiến thức lí thú.

5. Nhật kí cảm xúc

Mỗi ngày, mỗi giờ, con sẽ có những cảm xúc rất khác nhau. Lúc tức giận hay vui vẻ con đều mong muốn được thổ lộ, chia sẻ với ai đó. Có một công cụ hữu ích giúp các con đó là Nhật kí cảm xúc.

Trong cuốn nhật kí này, con có thể thiết kế mỗi ngày một trang, trong đó:

- Vẽ biểu đồ cảm xúc, con sẽ vẽ một đường thẳng đo cảm xúc của mình với những thời điểm khác nhau trong ngày. Nếu con vui, đường kẻ sẽ đi lên, tuỳ theo mức độ vui nhiều hay ít mà đường kẻ sẽ lên cao như thế nào. Nếu con buồn chán, tức giận, đường kẻ sẽ đi xuống dưới mức trung bình. Như vậy, sau một ngày nhìn lại, con sẽ biết mình đã có những trạng thái cảm xúc ra sao.

- Sau khi có biểu đồ, con sẽ tự đánh giá lại các sự việc với các câu hỏi:

+ Nguyên nhân vì sao con tức giận/vui vẻ?

+ Nếu được quay lại thời điểm đó, con có tức giận nữa không?

+ Khi tức giận/vui vẻ con cảm thấy mình như thế nào? (Cơ thể, cảm xúc)

+ Con cần làm gì để mình không còn tức giận như thế nữa?

Cứ mỗi ngày một chút, nếu bố mẹ và con duy trì được hoạt động này, con sẽ dễ dàng hơn trong việc bộc lộ cảm xúc, sử dụng được ngôn ngữ phù hợp, rõ ràng, hiệu quả khi muốn đưa ra suy nghĩ, ý kiến của mình.
 
Từ khóa
hoạt động kinh nghiệm ngôn ngữ
  • Like
Reactions: Vanhoctre
1K
1
1

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.
Top