Baivanhay Bức thông điệp của Nguyễn Dữ về cuộc đời qua Người con gái Nam Xương

Baivanhay Bức thông điệp của Nguyễn Dữ về cuộc đời qua Người con gái Nam Xương

Phong Cầm
Phong Cầm
  • Thạc sĩ lang thang ^^ 33 đến từ Nam Định
Nguyễn Dữ chỉ để lại một tác phẩm Truyền kì mạn lục. Và cũng chỉ với một tác phẩm này, ông đã trở thành tác gia có vị trí đặc biệt trong văn học nước nhà. “Ông là cha đẻ của loại hình truyền kì Việt Nam”, là người “phóng thành công con tàu văn xuôi tự sự vào quỹ đạo văn chương nghệ thuật”. Ra đời trong thời trung đại, Truyền kỳ mạn lục đương nhiên mang dấu ấn của thời kì này. Tuy nhiên, điều khiến cho Truyền kỳ mạn lục trở thành “thiên cổ kì bút” chính là ở chỗ tác phẩm đã chuyển tải, khái quát được những quy luật muôn đời. Người con gái Nam Xương là một trong những truyện tiêu biểu của Truyền kỳ mạn lục khẳng định điều đó. Từ một câu chuyện có thật trong dân gian, Nguyễn Dữ đã thể hiện sâu sắc, thấm thía cái nhìn về sự phức tạp, nghiệt ngã của cuộc sống.

NỘI DUNG

1. Người con gái Nam Xương - những nhân vật đời thường lương thiện

Nhân vật trong truyện Người con gái Nam Xương chỉ gói gọn ở một gia đình đời thường. Lâu nay, nhiều người đọc dành tình cảm cho Vũ nương, thương cô ấy tội nghiệp vì đẹp người, đẹp nết mà bị oan khiên đến nỗi phải tự sát! Còn nhân vật Trương sinh thì thường bị lên án.Trước Nguyễn Dữ, vua Lê Thánh Tông đi qua miếu Vũ nương cũng đã lên tiếng:

Qua đây bàn bạc mà chơi vậy,
Khá trách chàng Trương khéo phũ phàng.


Khi viết thành truyện, đến phần lời bình, Nguyễn Dữ khá gay gắt với Trương sinh: “Làm người đàn ông, tưởng đừng nên để cho giai nhân oan uổng thế này”! Về sau, nhiều nhà nghiên cứu cũng coi Trương sinh là sản phẩm tiêu biểu của chế độ phong kiến với thói ghen tuông, gia trưởng, vũ phu, ngu phu: “Cái chết của Vũ nương là sự đầu hàng số phận nhưng cũng là lời tố cáo thói ghen tuông ích kỉ, sự hồ đồ, vũ phu của đàn ông và luật lệ phong kiến hà khắc dung túng cho sự độc ác, tối tăm”, “Sự đối lập Trương sinh - Vũ nương là sự đối lập nam - nữ trong một xã hội trọng nam khinh nữ (…). Không thể nào khác được, vì bản chất Trương sinh là như thế. Và anh ta biết mình có quyền như thế, cái quyền của kẻ được làm chủ, vì được làm chồng”, “Bi kịch của Vũ nương là một lời tố cáo xã hội phong kiến xem trọng quyền uy của kẻ giàu và của người đàn ông trong gia đình”… Từ việc đánh giá Trương sinh như vậy, nhiều nhà nghiên cứu xem Người con gái Nam Xương là truyện tố cáo chế độ phong kiến.

Chúng tôi thấy rằng cần nhận thức đúng về các nhân vật của truyện. Người con gái Nam Xương được viết ở thế kỉ XVI từ một câu chuyện có thật xảy ra trong dân gian trước đó. Vì vậy, các nhân vật trong truyện đều mang theo đặc điểm của con người, lối sống đương thời. Nhìn từ tiêu chí của người hiện đại, Trương sinh có tội vì “thường mắng mỏ nhiếc móc và đánh đuổi” khiến Vũ nương uất ức phải tự sát (Theo khoản 1 Điều 100 Bộ luật hình sự: Người nào đối xử tàn ác, thường xuyên ức hiếp, ngược đãi hoặc làm nhục người lệ thuộc mình làm người đó tự sát, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm). Song bấy giờ, người đàn ông trong gia đình có lối gia trưởng, ức hiếp, nhục mạ vợ con cũng không phạm pháp luật.Đó là nhược điểm của gia đình phong kiến so với thời hiện đại. Tuy nhiên, tiếp nhận Người con gái Nam Xương, người đọc cần đặt tác phẩm vào thời điểm nó ra đời. Theo hệ quy chiếu đương thời, Nguyễn Dữ đã thể hiện phẩm chất của các nhân vật từ cả hai điểm nhìn: chuẩn mực của Nho giáo và tiêu chí đạo đức trong dân gian.

Từ chuẩn mực của Nho giáo có thể thấy Trương sinh có đặc điểm của một con nhà hào phú nề nếp gia phong, đủ nhân, nghĩa, lễ, trí, tín... Trước lúc lên đường đi lính, nghe lời mẹ dặn dò, Trương sinh đã “quỳ xuống đất vâng lời dạy”, về đến nhà, chàng đã hỏi mồ mẹ rồi bế đứa con nhỏ đi thăm”- đó là lễ. Chàng bế con, đứa bé quấy khóc thì chàng dỗ dành: “Con nín đi, đừng khóc. Cha về, bà đã mất, lòng cha đã buồn khổ lắm rồi”.Lời nói ấy bộc lộ nỗi đau của Trương sinh và tình cảm yêu mến của chàng dành cho mẹ, cho con.Đó là nhân vàcũng là hiếu với mẹ, từ với con.Khi vợ gieo mình xuống sông tự vẫn, “chàng tuy giận là thất tiết, nhưng thấy nàng tự tận, cũng động lòng thương tìm vớt thây nàng”; rồi khi nhận được hoa vàng và yêu cầu của vợ, “chàng bèn theo lời, lập một đàn tràng ba ngày đêm ở bến Hoàng giang”. Đó là nghĩa.Từ điểm nhìn bàn dân thiên hạ, Trương sinh là một chàng trai biết chọn vợ đẹp người, đẹp nết.Thế là khôn khéo, yêu cái đẹp và khát khao hạnh phúc.Còn thói đa nghi, ghen tuông của Trương sinh thì cần được nhìn nhận thấu đáo hơn.Lẽ thườngở đời ai cũng ghen.Nam ghen, nữ cũng “ớt nào là ớt chẳng cay, gái nào là gái chẳng hay ghen chồng”, “vôi nào là vôi chẳng nồng/ gái nào là gái có chồng chẳng ghen” (ca dao). Do đó, “ghen tuông thì cũng người ta thường tình”(Nguyễn Du). Chỉ có mức độ ghen tuông thì được coi là tính tình riêng của mỗi người.Giữa nhân gian với lẽ “thường tình” ấy, Trương sinh là một người tốt, nhưng có nhược điểm đa nghi, ghen tuông quá mức.

Từ điểm nhìn Nho giáo, Vũ nương “người đã thùy mị nết na, lại thêm có tư dung tốt đẹp”. Nết hạnh của Vũ nương được nhấn mạnh qua nhiều chi tiết trong tác phẩm.Vì hạnh nên nàng mới được Trương sinh “mến vì dung hạnh, xin đem trăm lạng vàng cưới về”.Cô luôn nói năng ngọt ngào, thiết tha.Trong truyện, có 10 lượt thoại của Vũ nương, lượt thoại nào nàng cũng đằm thắm, dịu hiền. Chẳng hạn: “Thiếp vốn nhà nghèo, được vào cửa tía. Sum họp chưa thỏa tình chăn gối, chia phôi vì động việc lửa binh.Cách biệt ba năm giữ gìn một tiết. Tô son điểm phấn từng đã nguội lòng, ngõ liễu đường hoa chưa hề bén gót…”. Xa chồng, Vũ nương “cách biệt ba năm giữ gìn một tiết” sắt son, chung thủy! Dung, ngôn, hạnh của Vũ nương đã chứng tỏ nàng thực là một người đàn bà theo đúng chuẩn mực của Nho gia.

Từ điểm nhìn dân gian soi chiếu, nàng cũng là lí tưởng.Nguyễn Dữ đã đặt Vũ nương vào mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu để làm nổi bật phẩm giá của nàng.Thời phong kiến, mẹ chồng với nàng dâu thường như nước với lửa. Ca dao có nhiều câu nói về chuyện này:

- Đói lòng ăn nắm lá sung,
Trông thấy mẹ chồng thì nuốt chẳng trôi.

- Thương chồng nên khóc tỉ ti,
Chứ tôi với mụ, bà con gì với nhau!


Ấy vậy mà Vũ nương: khi mẹ chồng ốm, “nàng hết sức thuốc thang, lễ bái và lấy lời ngọt ngào khôn khéo khuyên lơn”, mẹ chồng mất, “nàng hết lời thương xót, phàm việc ma chay tế lễ, lo liệu như đối với cha mẹ sinh ra”. Cư xử với mẹ chồng như vậy, hẳn có một không hai trong thiên hạ? Vì thế, lúc sắp trút hơi thở cuối cùng, mẹ chồng của Vũ nương đã vừa ghi nhận nhân cách, đánh giá cao công lao của nàng đối với gia đình nhà chồng vừa bày tỏ mong muốn của một bà mẹ chồng yêu con dâu hết mực: “Sau này trời giúp người lành, ban cho phúc trạch, giống dòng tươi tốt, con cháu đông đàn, xanh kia quyết chẳng phụ con cũng như con đã chẳng nỡ phụ mẹ”. Được mẹ chồng yêu quý như Vũ nương hẳn cũng là rất hiếm. Với quan hệ mẹ chồng - nàng dâu như vậy, Vũ nương thực là một nàng dâu hiền thảo.Thêm nữa, Vũ nương cũng không phải là loại đàn bà tham vọng. Ước mong của nàng rất đỗi giản dị: “chàng ra đi chuyến này, thiếp chẳng dám mong đeo ấn công hầu, chỉ xin ngày về được hai chữ bình yên”. Thế chẳng đáng quý lắm sao giữa rừng người đời tham danh, hám lợi? Đặt Vũ nương từ cả hai điểm nhìn: chuẩn mực Nho giáo và so với dân gian, Nguyễn Dữ đã xây dựng một Vũ nương thực sự lí tưởng về chữ “hiền”. Nàng là “con người của gia đình. Đức hạnh của Vũ nương là đức hạnh của một người vợ hiền, dâu thảo, một người yêu mến cảnh gia đình và làm tất cả để giữ gìn, vun vén cho hạnh phúc gia đình”.

Bé Đản trong tác phẩm là nhân vật không phải bàn về phẩm cách. Vì lẽ bé mới 3 tuổi - cái tuổi của sự thật thà, ngây thơ, trong sáng.

Như vậy, tất cả các thành viên gia đình Trương sinh đều là những lương dân.Trong đó, Vũ nương là người đàn bà lí tưởng. Còn Trương sinh cũng là một nhân vật sáng giá song có tính cách ghen tuông quá độ. Họ là những nhân vật nằm trong hệ thống nhân vật chung của Truyền kỳ mạn lục - nhân vật bình phàm giữa cuộc sống hàng ngày (khác với kiểu nhân vật đấng bậc, quân vương, thánh thần…).

2. Người con gái Nam Xương - sự khắc nghiệt, trớ trêu của cuộc đời

Như trên đã nói, tất cả các thành viên trong gia đình Trương sinh đều có đạo đức.Nhưng kết cục, gia đình đó lại đổ vỡ hạnh phúc. Vì đâu nên nông nỗi ấy? Đó là do nhân vật nào trong truyện cũng có tội. Nhưng ác nghiệt thay, tội của họ đều không chủ ý, lại không thể tránh và cũng không thể kết án.Nó cứ như tự nhiên đến từ những trạng huống cụ thể, éo le của cuộc đời.

Trương sinh mắc tội mất trí, ghen tuông mù quáng, khiến vợ oan ức đến nỗi nhảy xuống sông tự vẫn. “Đúng là không ai không oán giận Trương sinh nhưng từ đó mà qui về chế độ nam nữ bất bình đẳng thì về cơ bản là chưa đúng ý tác phẩm”. Bởi lẽ phần lớn là tại hoàn cảnh. Bấy giờ, Trương sinh vừa trải qua trận mạc.Chàng khổ sở, sợ hãi, mệt mỏi. Vì con nhà hào phú mà phải đi lính, phải đối mặt với ranh giới giữa cái sống và cái chết, phải trải qua muôn vàn khổ ải. Từ nơi ấy trở về, chắc chắn Trương sinh mong được bù đắp bởi mái ấm gia đình. Nào ngờ, về đến nhà chàng đã chịu ngay một nỗi khổ lớn: mẹ mất. Điều đó khiến chàng đau xót vì tội bất hiếu - không chăm sóc được mẹ khi mẹ ốm đau, không tang ma cho mẹ được khi mẹ mất. Đúng lúc khổ đau lớn như vậy, Trương sinh cần được an ủi từ vợ con, thì bế con, nó lại khóc, không theo. Đứa trẻ còn nói: "Ông cũng là cha tôi ư? Ông lại biết nói, chứ không giống cha tôi trước kia chỉ nín thin thít", "có một người đàn ông đêm nào cũng đến...". Những lời ấy khác nào sét đánh bên tai, dao găm vào tim Trương sinh? Trẻ con vốn thật thà nhất thế gian, dân gian bảo: “Ra đường hỏi già, về nhà hỏi trẻ”, làm sao Trương sinh có thể không tin? Chàng lập tức tưởng mình phải chịu thêm một mất mát lớn nữa: mất tình cha con và bị "cắm sừng". Với chàng, đó không chỉ là nỗi đau, mà còn là nỗi nhục. Vì đàn ông trung đại phải “tu thân, tề gia” rồi mới “trị quốc, bình thiên hạ”. Để vợ “cắm sừng” nghĩa là không tề được gia, cũng có nghĩa là bị xác nhận như đinh đóng cột rằng bất tài, vô dụng khi ra ngoài xã hội.Đúng là đau khổ chồng đau khổ. Trong hoàn cảnh của Trương sinh, bất kỳ người đàn ông nào cũng không thể giữ nổi bình tĩnh, huống hồ Trương sinh vốn có tính đa nghi lại hay ghen! Vậy nên, cơn ghen tuông, tức tối của Trương sinh bùng lên là tất yếu, không thể khác đi được.Vì vậy, chàng cũng cần được người đời thông cảm, thấu hiểu.

Đến lượt Vũ nương. Như trên đã nói, Vũ nương là người đàn bà lí tưởng, đẹp người lại đẹp nết. “Tuy nhiên, công bằng mà xét, cái bi kịch của Vũ Thị Thiết một phần là do nàng”. Nàng đã nói dối con. Nhưng nàng đâu biết sự câu nói đùa của mình đã tạo nên hậu quả nghiêm trọng ở chỗ: nàng đã vô tình lừa con - lừa đối tượng là con trẻ cực kỳ ngây thơ, lại lừa vào chính một trong những điều thiêng liêng nhất của cuộc đời mỗi con người - đó là cha của nó. Do đó, tác hại lớn đã xảy ra. Trẻ con thơ ngây tin lời mẹ. Nó tưởng cái bóng mẹ nó chỉ cho nó hàng đêm là cha nó thật. Cho nên, nó yêu người cha giả - cái bóng mà không có tình cảm với người cha thật - chàng Trương. Song, kết tội, trách móc nàng sao đây? Vì nàng chỉ đùa vui trong lúc chăm con, nhớ chồng. Hành động của Vũ nương lại bắt nguồn từ nỗi nhớ thương chồng da diết và tình yêu con thiết tha. Vì nhớ chồng nên nhìn đâu cũng thấy bóng dáng chồng - đây là quy luật tâm lí của tình yêu lứa đôi, khi đã nhớ thương thì “hương gây mùi nhớ, trà khan giọng tình” (Nguyễn Du). Do đó, nhìn bóng, hẳn Vũ nương cũng nghĩ đó là chồng thật. Vì thương con thiếu thốn tình cha nên Vũ nương mới “bù đắp” bằng cái bóng? “Chỉ bóng, dỗ con, bảo đấy là cha - hành vi ấy thoạt như chuyện bông đùa hời hợt, nhưng thực ra lại ẩn sâu bên dưới nó những tầng tâm thức phức tạp. Chiếc bóng ở đây vừa là phân thân, vừa là phản thân, hay nói đơn giản hơn như câu hát từng quen: mình với ta tuy hai mà một, ta với mình tuy một mà hai”. Vậy thì làm sao kết tội được cô ấy? Chưa kết tội, người đọc đã cảm thương, thông cảm với nàng!

Cuối cùng là nhân vật bé Đản. Cậu bé ba tuổi này đã chẳng thể ngờ mình mắc tội “vu oan giá họa”. “Bố Đản đêm nào cũng tới”- đó là thường xuyên, “mẹ Đản đi cũng đi, mẹ Đản ngồi cũng ngồi” - đó là quấn quýt, thắm nồng! Bằng lời nói của mình, cậu đã vô hình trung đặt điều, vu khống, dựng đứng lên trong nhà một ông nhân tình cho mẹ! Nhưng kết án cậu làm sao? Cậu lên ba, thơ ngây, trong sáng. Cậu tin lời mẹ. Cậu có biết đâu lời nói của cậu đã trở thành tác nhân gây ra họa tan vỡ gia đình!

Như thế, cả ba thành viên trong gia đình Trương sinh đều “mắc tội” dẫn đến hậu quả làm tan nát hạnh phúc. Nhưng những tội lỗi của họ không thể “kết án” bằng luật lệ triều đình - vì các bộ luật thời xưa không có những điều lệ, hình phạt cho những chuyện thường ngày của mỗi cá nhân như vậy. Người đọc cũng không thể trách móc.Vì tất cả đều như tự trên trời rơi xuống, không ai cố ý và cũng không ai mong muốn.Đó là sự trớ trêu, khắc nghiệt của cuộc đời. Như thế, với Người con gái Nam Xương người ta thấy cuộc sống thật đáng sợ vì những cái ác vô hình đe doạ con người ở khắp nơi. Sự ghen tuông, lời nói đùa, niềm tin ngây thơ của con trẻ, cả cái bóng vô hình trên bức tường trắng… tất cả đều có thể chứa những hiểm họa khôn lường, dồn ép, phá hoại cuộc sống, khiến cho con người trở nên đáng thương, tội nghiệp. Do những cái ác vô hình ấy, hạnh phúc của con người rất đỗi mỏng mảnh! “Đó là cái mong manh vô cùng mong manh, mong manh tới độ với tư duy thông thường, trên thế gian này, chẳng ai có thể nghĩ tới”.Sự khắc nghiệt của cuộc đời là ở đó.

Với phần kết của truyện Người con gái Nam Xương, Nguyễn Dữ có thêm một lời cảnh tỉnh nữa.Người con gái Nam Xương thực ra kết thúc không có hậu. Nguyễn Dữ đã sử dụng bút pháp truyền kỳ để Vũ nương một lần tái ngộ với chồng con ở kết tác phẩm. Nhưng cảnh sum họp ấy không phải là hạnh phúc mà là bi kịch. Vì sự trở về của Vũ nương rất lộng lẫy nhưng lại ở rất xa và “lúc ẩn, lúc hiện”, “chỉ trong phút chốc”. Cảnh đoàn tụ chỉ là ảo ảnh nhanh chóng tan biến. Không còn nữa cái kết thúc đầy chất thơ của cổ tích: đoàn tụ; trở thành vua - hoàng hậu, trạng nguyên - phu nhân… quyền quý cao sang; phu phụ mãi mãi yên ấm bên nhau… Chỉ còn lại một sự thật nghiệt ngã: Vũ nương “chẳng thể trở về nhân gian được nữa”. Hạnh phúc gia đình vĩnh viễn đổ vỡ, lứa đôi mãi mãi chia lìa hai ngả âm - dương. Sự tái ngộ của Vũ nương thực chất là sự vĩnh biệt.Cảnh hạnh phúc chỉ là ảo ảnh.Còn khổ đau li biệt cho cả gia đình Vũ nương là sự thật, là mãi mãi. Với lối kết thúc không có hậu giống như phần lớn kết thúc của truyện truyền kì, Nguyễn Dữ cho thấy thêm một sự trớ trêu khắc nghiệt nữa của cuộc đời: hạnh phúc khó có, khó giữ; mà đánh mất đi rồi thì không thể lấy lại, như bát nước đã đổ thì không thể vớt lại cho đầy!

Thêm nữa, truyện còn gửi đến thông điệp: cuộc đời không có chữ “giá như”. “Giá như Vũ nương biết tâm lí chồng, tránh đi những gì có thể khiến Trương sinh ghen tuông, ngờ vực thì đâu đến nỗi.Vợ chồng mà chẳng biết tính của nhau, dù có thương yêu nhau, chẳng trước thì sau, bi kịch ắt xảy đến. Đấy cũng là một khía cạnh Nguyễn Dữ muốn nói với người đời”. Còn nữa, cái án ngoại tình sẽ được giải quyết ngay lập tức chỉ cần một một điều kiện giản đơn: Trương sinh cho biết ai là người cung cấp nguồn tin kia. Nhưng chàng không nói. Giá như chàng Trương cung cấp thông tin? Giá như chàng bình tĩnh suy xét? Không. Cuộc đời là vậy, người ta chẳng thể có lại cơ hội sửa chữa cho những “giá như” đã qua. Điều khắc nghiệt nữa của cuộc đời cũng là ở đó!

Như vậy, từ một chuyện tưởng như rất giản đơn của một gia đình nhỏ, Nguyễn Dữ cho thấy sự nghiệt ngã của cuộc đời. Con người ta thật khó tránh khỏi những nghi ngờ, những oan trái, những hành động sai lầm. Do đó, con người sống đã khó, có hạnh phúc còn khó khăn hơn nhiều.

3. Người con gái Nam Xương - những đối thoại của Nguyễn Dữ với tư tưởng Nho giáo và dân gian về cuộc sống

Thời trung đại, Nho giáo là hệ tư tưởng chính.Nó ảnh hưởng ra cả dân gian.Nguyễn Dữ đã từ Nho giáo mà nhìn vào cuộc sống đời thường. Vậy nên, cả Trương sinh và Vũ nương đều được xây dựng theo mẫu người của Nho giáo. Từ đó ông đối thoại với những yêu cầu của Nho giáo đối với con người.

Với nam nhi, Nho giáo đòi hỏi phải giữ ngũ thường: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Trương sinh là con nhà dòng nên hành xử theo ngũ thường. Tuy nhiên, Trương sinh thiếu chữ trí (giới thiệu về nhân vật này, Nguyễn Dữ đã viết: “Trương tuy con nhà dòng, nhưng không có học”). Bi kịch của nhân vật và bi kịch nhân vật này gây ra cho vợ con không chỉ có nguyên nhân từ hoàn cảnh khách quan (trải qua trận mạc, mẹ mất, lời nói của con trẻ gây nên sự hiểu lầm,...) mà còn từ sự thiếu hụt về trí lực, dẫn tới hàng loạt những sai lầm trong cách ứng xử, giải quyết tình huống. Chàng Trương không có "trí" cần thiết để phán đoán đúng sai, để có cách hỏi cho ra lẽ.Thiếu "trí", chàng Trương đã rơi vào thiếu "nhân", thiếu "nghĩa" (lòng thông cảm, tha thứ, tình nghĩa vợ chồng). Giới hạn nhận thức của con người cũng có thể xem là một nguồn căn của tai ương, một sự thật khắc nghiệt của cuộc đời. Thêm nữa, qua nhân vật Trương sinh, Nguyễn Dữ đã cho thấy yêu cầu “quân tử cố cùng” không phải lúc nào cũng thỏa đáng. Trong tình huống đó, Trường sinh nếu có học thì cũng có thể đủ bình tĩnh, sáng suốt hay không? Tội lỗi của anh ta cơ bản là do tình huống trớ trêu của hoàn cảnh đưa đến. Do đó, nam nhi phải sống trong muôn mặt đời thường, gắn với những tình huống của cuộc sống, chẳng thể thể nào dễ dàng “cố cùng” với “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”. Đó là điều Nguyễn Dữ đã thể hiện qua tác phẩm.

Qua nhân vật Vũ nương, có lẽ Nguyễn Dữ cũng ngầm tranh luận: đàn bà, trẻ con có cần "tín"? Đối với Nho giáo, ngũ thường chỉ có ở bậc quân tử. Song với nhân vật Vũ nương, Nguyễn Dữ đã cho thấy chuyện nói không đúng sự thật của đàn bà, trẻ con cũng có hậu quả lớn.Trẻ con thơ ngây tin lời mẹ. Bé Đản tưởng cái bóng mẹ nó chỉ cho nó hàng đêm là cha nó thật nên không nhận cha. Vậy nên, nhân nghĩa lễ trí tín đâu phải chỉ thuộc đối tượng quân tử đấng bậc, bề trên?Dân thường cũng rất cần những yêu cầu đó cho cuộc sống.

Truyện Người con gái Nam Xương còn có sự trao đổi với quan niệm “ở hiền gặp lành” của dân gian. Tất cả các thành viên của gia đình Trương sinh đều tốt. Nhưng họ chịu chung chữ “khổ”. Đầu tiên, họ chịu nỗi khổ li biệt do chiến tranh. Trương Sinh khổ sở vì phải đi lính.Vũ nương khổ vì một thân một mình nuôi già, dạy trẻ. Bé Đản khổ vì thiếu vắng người cha. Hết chiến tranh, lúc sum họp, cả ba lại vô tình làm khổ lẫn nhau, rồi làm khổ chính mình. Tác phẩm kết lại, người đọc vẫn không nguôi trăn trở. Vũ nương đáng thương.Vì phẩm hạnh, tiết trinh là vậy mà cuối cùng lại bị nghi ngờ oan uổng - bị nghi thất tiết - điều bị coi là ghê tởm nhất đối với đàn bà thời trung đại. Mắc tội thất tiết, đàn bà xưa bị gọt gáy bôi vôi, bị thả bè trôi sông, thậm chí thả rọ trôi sông. Cho nên nàng đã uất ức tự vẫn. Người ở lại dương thế hẳn sẽ dằn vặt cả đời trong hối hận. Thêm nữa, Trương sinh sẽ phải cay đắng nếm trải cảnh "gà trống nuôi con", cô đơn buồn tẻ. Còn bé Đản bị mồ côi mẹ. Như thế, nỗi thống khổ trở thành cái kết cho tất cả các thành viên của gia đình Trương sinh. Người “hiền” nhất trong tác phẩm là bé Đản cũng là người khốn khổ nhất. Dân gian đã nói:

“Mồ côi cha ăn cơm với cá,
Mồ côi mẹ liếm lá đầu đường”.


Vậy ở hiền đâu có gặp lành?

Thêm nữa, con người khổ vì đâu? Có phải căn nguyên từ kiếp trước như nhà Phật đã nói? Đọc Người con gái Nam Xương thì không phải vậy. Nỗi khổ của mỗi con người là do hoàn cảnh và do chính con người gây nên. Do đó, đúng là: “Bằng tài năng của mình, Nguyễn Dữ đã thổi vào nhân vật một sức sống lạ kỳ; mỗi nhân vật là một số phận, một vận mệnh riêng với tư cách là “một con người cá nhân chịu trách nhiệm trước những việc mình làm””.

KẾT LUẬN

Lấy tích từ một câu chuyện có thật trong dân gian để sáng tác Người con gái Nam Xương, Nguyễn Dữ đã đối thoại với Nho giáo và các quan niệm sống đương thời để nói đến việc con người phải đối mặt với muôn hình vạn trạng những khắc nghiệt của cuộc đời. Hạnh phúc của con người quá ư mỏng mảnh. Nhiều khi chỉ vô tình, không kiềm chế nổi bản tính của mình cũng đủ đánh mất nó.Có khi chỉ một câu đùa, một lần trót tin con trẻ đã nên hậu hoạ vô cùng. Rồi có được hạnh phúc đã khó, mất hạnh phúc không thể lấy lại... Với ý nghĩa ấy, truyện Người con gái Nam Xương đã “chạm vào sự ma quái có thực trong sự sống vốn là nghiệt ngã của con người muôn nơi muôn thuở”, góp phần khiến cho Nguyễn Dữ trở thành người “mở đầu cho chủ nghĩa nhân văn trong văn học trung đại Việt Nam”

- Nguyễn Thị Tính
 
Từ khóa
cái bóng trên tường chuyện người con gái nam xương nguyen du nhân vật vũ nương truyền kì mạn lục tư tưởng dân gian tư tưởng nho giáo
1K
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top