Bài giảng Phân tích đoạn cuối bài thơ “Ánh trăng” (Nguyễn Duy)

Bài giảng Phân tích đoạn cuối bài thơ “Ánh trăng” (Nguyễn Duy)

“Ánh trăng” (Nguyễn Duy) đã đi vào lòng người đọc bao thế hệ như một lời nhắc nhở đối với mỗi người: Nếu ai đã lỡ quên đi, đã lỡ đánh mất những giá trị tinh thần qúy giá thì hãy thức tỉnh và tìm lại những giá trị đó, còn ai chưa biết coi trọng những giá trị ấy thì hãy nâng niu những kí ức quý giá của mình ngay từ bây giờ, đừng để quá muộn.

5276


Phân tích đoạn cuối bài thơ “Ánh trăng” (Nguyễn Duy)

Khổ thơ cuối cùng là nơi tập trung nhất ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh vầng trăng:

Trăng cứ tròn vành vạnh
Kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
Đủ cho ta giật mình.

- Vầng trăng nằm toả sáng, tròn đầy, đó là một hiện tượng bình thường của thiên nhiên: trăng khuyết rồi lại tròn. Hình ảnh trăng được Nguyễn Duy miêu tả tròn đầy, vành vạnh, toả sáng khắp nơi. Trong không gian buyn đinh tối om, đèn điện tắt, ánh trăng càng trở nên có giá trị.

- Mặc cho con người vô tình, “trăng cứ tròn vành vạnh”, đó là vẻ đẹp tự nó và mãi mãi vĩnh hằng. Đó còn là hình ảnh tượng trưng cho vẻ đẹp và những giá trị truyền thống.

- “Ánh trăng im phăng phắc”

=> Vầng trăng cứ lặng lẽ toả sáng, không lời, phép nhân hoá khiến hình ảnh vầng trăng hiện ra như một con người cụ thể, một người bạn, một nhân chứng, rất nghĩa tình nhưng cũng vô cùng nghiêm khắc đang nhắc nhở con người, một lời nhắc nhở thấm thía, độ lượng nhưng đủ làm để làm con người “giật mình” nhận ra sự vô tình lãng quên quá khứ tốt đẹp, tức là con người đang phản bội lại chính mình. Nó còn có ý nhắc nhở con người nên trân trọng, giữ gìn vẻ đẹp và những giá trị truyền thống.

Tham khảo bài viết của học sinh

Hình ảnh vầng trăng rằm toả sáng được Nguyễn Duy miêu tả là một hiện tượng bình thường của tự nhiên: vầng trăng vũ trụ khuyết rồi lại tròn. Nhưng trong không gian “phòng buyn đinh tối om”, ánh trăng hiện lên lại quý giá biết bao, vị tha nhân hậu biết chừng nào! Trăng cứ tròn vành vạnh hiện diện cho quá khứ đẹp đẽ chẳng thể phai mờ. Quá khứ ấy lúc này đang soi rọi vào người lính, vẫn vẹn nguyên, tình nghĩa, vẫn tròn đầy như thuở nào. Vầng trăng cứ lặng lẽ toả sáng, không lời - sự im lặng ấy có giá trị hơn mọi lời nói nghiêm khắc, một lời nhắc nhở thấm thía, độ lượng khiến cho tác giả giật mình”: con người có thể vô tình lãng quên nhưng thiên nhiên, nghĩa tình quá khứ thì luôn tròn đầy bất diệt. Bởi có quá khứ, có những thử thách, hi sinh tổn thất thời đánh Mĩ ác liệt mới có cuộc sống hoà bình hôm nay. “Giật mình” là cảm giác, 1 phản xạ tâm lí của một con người biết suy nghĩ, chợt nhận ra sự vô tình, bạc bẽo, sự nông nổi trong cách sống của mình. Đó là cái giật mình tự nhắc nhở bản thân, tự ăn năn, day dứt, hối hận, tự thấy mình phải đổi thay: con người không bao giờ được phản bội, lãng quên quá khứ, thiên nhiên mà sùng bái hiện tại. Bài thơ được sáng tác năm 1978, 3 năm sau khi đất nước thống nhất, khoảng thời gian không dài, nhưng những mục đích mới, cuộc sống mới với mưu toan hàng ngày làm con người ta như bị cuốn vào một vòng xoáy mới. Những bận rộn, lo toan khiến con người dễ dàng quay lưng, dửng dưng với những gì đã qua. Họ không hề biết rằng chính cái thờ ơ, dửng dưng ấy đã vô tình “bóp chết” quá khứ thiên nhiên nghĩa tình, biến nó thành kẻ xa lạ- “người dưng qua đường”. Khổ cuối bài thơ “Ánh trăng” chính là một lời nói kịp thời, là hình ảnh biểu tượng ẩn chứa triết lí sâu sắc: không được phép lãng quên quá khứ.
 
Từ khóa
ánh trăng khổ thơ cuối cùng nguyễn duy vang trang
1K
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.
Top