Baivanhay Phân tích nhân vật Mị sau khi bị bắt về làm vợ A Sử

Baivanhay Phân tích nhân vật Mị sau khi bị bắt về làm vợ A Sử

Phong Cầm
Phong Cầm
  • Thạc sĩ lang thang ^^ 33 đến từ Nam Định
Lần lần, mấy năm qua, mấy năm sau, bố Mị chết. Nhưng Mị cũng không còn nghĩ đến Mị có thể ăn lá ngón tự tử. ở lâu trong cái khổ, Mị cũng quen khổ rồi. Bây giờ Mị tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa. Con ngựa chỉ biết ăn cỏ, biết đi làm mà thôi.
Mị cúi mặt, không nghĩ ngợi nữa, lúc nào cũng nhớ lại những việc giống nhau, mỗi năm một mùa, mỗi tháng lại làm đi làm lại: Tết xong lên núi hái thuốc phiện; giữa năm thì giặt đay; đến mùa đi nương bẻ bắp. Và dù đi hái củi, bung ngô, lúc nào cũng gài một bó đay trong cánh tay để tước sợi. Bao giờ cũng thế, suốt năm, suốt đời thế. Con ngựa, con trâu làm có lúc, đêm còn được đứng gãi chân, nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này vùi vào việc cả đêm cả ngày.
Mỗi ngày Mị càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa. ở buồng Mị nằm, kín mít, có một chiếc cửa sổ một lỗ vuông ấy mà trông ra. Đến bao giờ chết thì thôi.

(Trích “Vợ chồng A Phủ”, Truyện Tây Bắc, Tô Hoài)

Phân tích sự tê liệt sức sống của nhân vật Mị trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét ngòi bút hiện thực của nhà văn Tô Hoài.

BÀI VIẾT

Thạch Lam từng nói: “Văn chương không phải là cách đem đến cho người đọc sự thoát li hay sự quên; trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có để vùa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối, tàn ác, vừa làm cho lòng người đọc thêm trong sạch và phong phú hơn”. Nhìn ngẫm lại câu nói ấy, con người ta như càng đến gần hơn với các nhân vật trong các tác phẩm để rồi chiêm nghiệm giá trị mà nó mang lại. Đến với tác phẩm "Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài, người đọc càng thêm trân quý tinh thần và khâm phục sức sống tiềm tàng mạnh mẽ của cô Mị. Và trước khi dành một sự ngưỡng mộ ấy cho Mị, có lẽ ai cũng cảm thấy thương cảm cho số phận của cô khi làm dâu nhà thống lí Bá Tra, đặc biệt là khi sức sống của Mị như bị tê liệt nỗi bật qua ngòi bút hiện thực của nhà văn Tô Hoài được thể hiện qua đoạn trích: “Lần lần, mấy năm sau bố Mị chết … Đến bao giờ chết thì thôi…”

Tô Hoài là một trong số những nhà văn có sức sáng tạo dồi dào bậc nhất của văn học Việt Nam hiện đại. Với bút lực dồi dào ấy, lại thêm sự am hiểu sâu sắc phong tục tập quán nhiều vùng miền, tinh tế và hóm hỉnh của mình, ông sở hữu cho mình nhiều tác phẩm thành công. Và đặc biệt, ngòi bút của ông luôn hướng về sự quan tâm đến số phận của người lao động.

Vốn thành công với mảng viết truyện dành cho thiếu nhi, nơi đòi hỏi với một lối viết dung dị đầy chất thơ, Tô Hoài lại viết rất xuất sắc tập truyện “Truyện Tây Bắc”, trong đó “Vợ chồng A Phủ” là một thiên tuyệt bút. Vào năm 1952, tác giả đã có chuyến đi thực tế đến vùng núi Tây Bắc, ở đây tác giả được sống hoà nhập với bản làng và người dân. Một năm sau đó, ông đã viết nên “Truyện Tây Bắc” như ông đã tâm sự “Tây Bắc đã để nhớ để thương trong tôi nhiều quá”. Tác phẩm này ra đời như một sự đáp lại ân tình mà ông đã nhận được và “Vợ chồng A Phủ” là một phần trong đó. “Vợ chồng A Phủ” gồm có hai phần: phần đầu là cuộc sống của Mị và A Phủ ở Hồng Ngài, phần sau là cuộc sống của họ ở Phiềng Sa. Cả hai phần cùa truyện đều làm nỗi bật lên chủ để chung của tác phẩm là tố cáo tội ác của giai cấp thống trị, đồng thời ca ngợi phẩm chất tốt đẹp cảu người lao động và khả năng đổi đời của người lao động. Đoạn trích trên thể hiện sự tê liệt sức sống của Mị nằm trong phần đầu của tập truyện.

Ngay từ đầu tác phẩm, Tô Hoài đã cho người đọc thấy được hình ảnh của một người phụ nữ “ngồi lầm lụi bên tảng đá, cạnh tàu ngựa”. Giữa không khí kẻ ra người vào của nhà thống lí Pá Tra, tưởng là tôi tớ hoá ra lại là con dâu của nhà này. Chỉ bằng chi tiết ấy thôi nhà văn cũng đã dần hé mở cho chúng ta về số phận của người phụ nữ này. Thật ra, Mị vốn là cô gái xinh đẹp, lại có tài thổi sáo, thổi lá cũng hay như thổi sáo. Những tưởng đây là “tiền đề” thuận lợi để cô có được cuộc sống hạnh phúc như nhiều cô gái khác, nhưng mà cái tội lớn nhất của Mị là nghèo. Sinh ra và lớn lên trong gia đình lao động vất vả, lại thêm món nợ truyền kiếp đeo đuổi. Cái ngày bố lấy mẹ Mị không có tiền phải đi vay của nhà thống lí và đến lúc con gái họ khôn lớn vẫn không thể trả được bởi lãi mẹ đãi lãi con. Cuộc sống của họ chìm trong bóng tối với lắm lo toan.

Vốn là một nhà văn có tấm lòng nhân hậu, "nhà văn phải là nhân đâọ từ trong cốt tủy", Tô Hoài luôn đứng cạnh nỗi đau của những người khốn khó. Ông đã dõi theo bước đường đời của Mị, ngòi bút ấy đã đi sâu vào ngóc ngách tâm hồn để nhận ra bao nỗi niềm. Trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, nghèo sẽ dẫn đến khổ và nhục, Mị đã bước vào nhà chúa đất bằng trò lừa gạt qua tập tục cướp vợ. Dù rất gay gắt phản đối nhưng Mị vẫn ngang nhiên bị gắt về cúng trình ma, làm vợ A Sử. Mị đã là con dâu nhà thống lí Pá Tra từ thời khắc ấy - con dâu gạt nợ. Những ngày tháng tăm tối nặng nề đã bắt đầu. Cô phải làm việc quần quật vì bọn chúng muốn vắt kiệt sức lao động của kẻ ăn người ở. Và đã rất nhiều lần Mị muốn tự tử bằng nắm lá ngón trong tay, nhưng vì lòng hiếu thảo với cha, cô đã ngậm ngùi chịu đựng, quay trở lại nhà thống lý.

Con người, nếu sống lâu trong cái khổ, người ta sẽ muốn bứt phá, thay đổi để thoát li khỏi sự nghèo khổ. Tuy nhiên đối với Mị, cô dường như đã “quen với khổ rồi”. Và chính suy nghĩ ấy đã nắm giữ lấy tâm hồn cô, chôn vùi đi tuổi trẻ của cô và cũng vì thế mà cô dần bị tê liệt sức sống. Sau khi bố mất, Mị cũng không nghĩ đến việc tìm cái chết nữa. Cũng có thể thấy được rằng, cô sống mà như đã chết. Thường thì khi khổ quá người ta thường kêu trời than thân trách phận. Đằng này, sống lâu trong nhà thống lí, Mị chịu lắm gian truân nhọc nhằn đến nỗi “Mị tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa” so sánh mình với lũ súc nô kia. Theo thời gian, cô cũng không còn nghĩ ngợi gì đến điều này nữa. Cuộc sống cứ lặp đi lặp lại một cách nhàm chán: "Tết xong lên núi hái thuốc phiện; giữa năm thì giặt đay; đến mùa đi nương bẻ bắp”. Thậm chí, “Con ngựa, con trâu làm có lúc, đêm còn được đứng gãi chân, nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này vùi vào việc cả đêm cả ngày”. Đọc những dòng văn này, ta càng thêm phẩn nộ trước sự bóc lột trắng trợn, giam cầm cả thể xác lẫn tâm hồn của con người nói chúng và ở đây là người phụ nữ nói riêng. Và chính những cái áp bức này đã làm biến dạng cả tâm hồn của Mị, cô dần mất đi ý niệm về không gian và thời gian, đầu óc lúc nào cũng nghĩ đến việc làm lụng, càng ngày càng ít nói hay nói cách khác cô đã mất đi khả năng giao tiếp của con người. Đến nỗi, nhà văn đã liên tưởng đến hình ảnh cô “ lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”. Đúng thế, Mị cứ lầm lũi câm nín với cái ách hữu hình lẫn vô hình đang đè nặng trên đôi vai gầy guộc khác gì cái mai mà con rùa đã mang.

Không những thế, đời Mị nó không chỉ khổ về thể xác, mà nó còn là cả những đớn đau về một tâm hồn trong hoạt cảnh tù đày. Mị mang danh là vợ A Sử thế nhưng giữa họ không hề có tình yêu, Mị cũng từng có một người yêu, nhưng món nợ của cha mà đứt gánh. Khi về nhà này làm dâu, dường như cuộc đời của Mị chuyển sang hẳn kiếp nô lệ, bị bóc lột không chỉ sức lao động mà con là tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc. Không gian sống của Mị là một căn buồng có một cái lỗ vuông bằng bàn tay, thật chẳng khác gì cái nhà tù, mà từ đó trông ra “lúc nào cũng thấy trăng trắng không biết là sương hay là nắng”, đời Mị cứ ngồi ở cái lỗ vuông ấy mà trông ra đến bao giờ chết thì thôi. Phải chăng đây là nhà ngục và chính cô Mị là tù nhân chung thân. Người tù ấy chẳng biết khi nào mưới có thể thoát ra được, hẳn mòn mỏi cho đến lúc chết. Thế nên để chống chọi với đau đớn đang tàn phá tâm hồn và thể xác, Mị bị buộc phải trở nên chai lì một cách bất lực, sống cuộc đời của một con rùa lầm lũi trong xó cửa, cam chịu và bế tắc.

Có thể nói, tài năng của Tô Hoài càng trở nên nỗi bật qua bút pháp hiện thực được ông sủ dụng trong bài. Trong văn học, bút pháp hiện thực là cách thức hành văn, dùng chữ, bố cục, cách sử dụng các phương tiện biểu hiện chân thật nhất cái sự thật tàn khốc trước mắt và đưa vào trong các tác phẩm để tạo thành một hình thức nghệ thuật nào đó. Qua ngòi bút hiện thực của mình, tất cả cuộc sống của con người nơi vùng núi Tây Bắc nói chung hay của Mị nói riêng như hiện lên trước mắt người đọc. Tất cả cái khổ, cái cực, cái tù đày ấy, người dân lao động phải chịu đựng trong một thời gian dài được tác giả miêu tả quá đổi chân thực đến nỗi bi thương. Bằng sự quan sát tinh tế và ngòi bút hiện thực của mình, Tô Hoài đã đi sâu vào tận cùng ý thức và trong đáy sâu tìm thức nhân vật để rồi khắc hoạ nên một cô Mị thật đáng thương nhưng cũng rất đáng phục. Có thể thấy được, bằng tấm lòng, sự am hiểu sâu sắc về cuộc sống của người phụ nữ miền núi và tài năng khắc hoạ tính cách nhân vật của nhà văn, chỉ qua một đoạn văn nhỏ đã đủ khiến người đọc thấu hiểu được nội tâm của Mị. Hơn nữa, cách giới thiệu nhân vật của ông cũng rất gây chú ý, cách kể ngắn gọn cung với lối dẫn tình tiết khéo léo làm cho mạch truyện càng cuốn hút.

Vợ chồng A Phủ là một tác phẩm thành công không chỉ của Tô Hoài mà còn của cả nền văn học Việt Nam hiện đại viết về đề tài miền núi. Mị là nhân vật đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc bởi cuộc đời đầy giống bão và con người ta như nhận ra thêm một bài học sâu sắc qua những cái tù đày làm tê liệt sức sống của Mị trong đoạn trích trên. Số phận của nhân vật đã gợi được sự thương cảm trong lòng người đọc và cũng gợi lên sự trân trọng đối với những gì họ đang có ở thời điểm hiện tại để biết nâng niu, trân quý giá trị của cuộc sống này hơn.

Xem thêm:
Tổng hợp các bài viết hay nhất về tác phẩm Vợ chồng A Phủ
Phân tích nhât vật thống lí pá tra
 
Từ khóa
dien bien tam trang mi mi sau khi lam vo thong li patra ngoi but hien thuc cua to hoai phân tích nhân vật mị tô hoài vợ chồng a phủ
3K
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top