Baivanhay Sau mỗi cách kết thúc, tác giả phải gieo vào lòng người đọc những nhận thức sâu sắc về quy luật đời sống và những dự cảm về tương lai

Baivanhay Sau mỗi cách kết thúc, tác giả phải gieo vào lòng người đọc những nhận thức sâu sắc về quy luật đời sống và những dự cảm về tương lai

Phong Cầm
Phong Cầm
  • Thạc sĩ lang thang ^^ 33 đến từ Nam Định

Nhận xét về kết thúc của truyện ngắn, tác giả Bùi Việt Thắng cho rằng:​

“Điều quan trọng hơn cả là sau mỗi cách kết thúc, tác giả phải gieo vào lòng người đọc những nhận thức sâu sắc về quy luật đời sống và những dự cảm về tương lai, về cái đẹp tất yếu sẽ chiến thắng”.​

Bình luận về ý kiến trên.​

Điều quan trọng hơn cả là sau mỗi cách kết thúc.png

Xem thêm các bài NLVH hay khác:
Văn học chân chính ngay cả khi nói về cái xấu, cái ác cũng chỉ để nhằm thể hiện khát vọng về cái đẹp, cái thiện
Tác phẩm nghệ thuật đích thực bao giờ cũng là một phát minh về hình thức và khám phá nội dung
Văn học có khả năng giúp con người hóa giải những áp lực trong cuộc sống
Sáng tạo ngôn từ tạo nên căn cước văn chương của nhà văn
Trong văn học, thế giới được tạo lập không phải một lần

Câu thơ hay là câu thơ giàu sức gợi

Hướng dẫn làm bài​

I. Giải thích​

Nhận định của tác giả Bùi Việt Thắng khẳng định vai trò quan trọng của phần kết thúc trong truyện ngắn:
+ Phần kết thúc của truyện ngắn phải “gieo vào lòng người đọc những nhận thức sâu sắc vầ quy luật của đời sống”: Thực hiện chức năng nhận thức của văn chương, giúp con người hiểu được sự vận động của cuộc đời, của con người, của xã hội, hướng con người tới bề sâu của đời sống.
+ Phần kết thúc truyện ngắn phải khiến con người có những “dự cảm về tương lai, về cái đẹp tất yếu sẽ chiến thắng”: thực hiện chức năng dự báo, đồng thời tiếp thêm cho người đọc niềm tin vào chiến thắng cuối cùng của cái đẹp, cái thiện trước cái xấu xa, giả dối.

II. Bàn luận​

- Nhận định của Bùi Việt Thắng là đúng đắn.

1. Vì sao phần kết thúc của truyện ngắn lại quan trọng?​

- “Truyện ngắn là một giọt nước” (Edga Poe). Truyện ngắn là hình thức tự sự cỡ nhỏ có tính hàm súc cao độ. Đặc trưng của truyện ngắn là có truyện và ngắn. “Ngắn” ở đây không đơn thuần chỉ là vấn đề dung lượng, mà chính xác hơn là cách thức phản ánh hiện thực của truyện ngắn. Truyện ngắn phản ánh hiện thực thông qua những lát cắt. Nói như Nguyễn Minh Châu, “truyện ngắn là cách cưa lấy một khúc của đời sống”. Không thể dông dài bao quát chiều kích không – thời gian mênh mông rộng lớn như tiểu thuyết, truyện ngắn phải chọn lọc những lát cắt mà qua đó cho thấy “trăm năm đời thảo mộc”. Nếu là một đời người, truyện ngắn chỉ chọn những khoảnh khắc đáng giá nhất. Nếu là một sự kiện, truyện ngắn chỉ cắt lấy những cột mốc giàu ý nghĩa. Nếu là bức tranh hiện thực rộng lớn, truyện ngắn chỉ chọn lấy những cảnh, những gam màu gợi lên bản chất của hiện thực.

- Do vậy, truyện ngắn biểu hiện tư tưởng thông qua các chi tiết, các hình ảnh, các cách diễn đạt giàu ẩn ý, và đặc biệt là kết thúc truyện. Trong truyện ngắn, phần kết thúc truyện luôn là phần gây ấn tượng mạnh với người đọc, không đơn giản bởi ở đó số phận nhân vật và các xung đột truyện được định đoạt, mà quan trọng hơn là qua kết thúc truyện, truyện ngắn mở ra vô vàn dư âm trong tâm trí người đọc, mở ra những chiều sâu chưa nói hết thôi thúc người đọc khám phá đến tận cùng tầng tầng lớp lớp y nghĩ của tác phẩm. Chính những kết thúc truyện như vậy là cho tác phẩm “không kết thúc ở trang cuối cùng, không bao giờ hết khả năng kể chuyện” (Aimatov).

2. Vì sao kết thúc của truyện ngắn phải “gieo vào lòng người đọc những nhận thức sâu sắc về quy luật của đời sống”​

Văn học là tấm gương phản ánh của hiện thực. “Cuộc đời là điểm xuất phát và là điểm đi tới của văn chương” (Tố Hữu). Văn học nói chung và truyện ngắn nói riêng, sáng tác ra không ngoài mục đích giúp người đọc hiểu sâu sắc bề sâu của hiện thực cuộc sống. Thông qua kết thúc truyện, các nhà văn thức tỉnh người đọc, giúp họ thức ngộ về những quy luật bất biến của xã hội và của đời sống, giúp họ nhận ra những vấn đề cấp thiết của xã hội đường thời cũng như những vấn đề triết học mang tính nhân loại. Để từ đó, con người tác động cải tạo hiện thực cuộc sống, khiến cuộc sống tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn.

3. Vì sao kết thúc của truyện ngắn phải tạo ra ở người đọc “dự cảm về tương lai, về cái đẹp tất yếu sẽ chiến thắng”?​

- Bên cạnh chức năng nhận thức, văn học còn có chức năng dự đoán. Văn học dự đoán sự phát triển đi lên của hiện thực trên cơ sở quan sát sự vận động biện chứng đang diễn ra trước mắt. Chính nhờ nắm bắt được thực tại mà truyện ngắn giúp người đọc “dự cảm về tương lai”.

- Trong những dự cảm về tương lai, dự cảm quan trọng nhất, theo tác giả Bùi Việt Thắng đó là: cái đẹp tất yếu sẽ chiến thắng. Văn học phải hướng con người đến cái đẹp, đến ánh sáng và làm tâm hồn con người trong sạch hơn. Tương lai là cái chưa tới, tương lai do chính hiện tại tạo lập mà thành, điều quan trọng là từ kết thúc của những truyện ngắn, văn chương phải giúp cho người đọc ý thức về cái đẹp, cái thiện để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Bởi bản tính của con người chính là ngưỡng vọng về các giá trị Chân – Thiện – Mỹ, cho nên văn học nói chung và truyện ngắn nói riêng cũng phải hướng về những điều tốt đẹp, cao cả. Nói như nhà văn Nguyễn Khải: “Văn chương có quyền nhưng không chỉ miêu tả cái xấu xa, cái ghê tởm, cái hèn nhát. Thanh nam châm thu hút mọi thế hệ vẫn là cái cao thượng, cái tốt đẹp, cái thủy chung”.

III. Chứng minh​

YÊU CẦU VỀ DẪN CHỨNG
- Học sinh phải chọn phân tích kết thúc của truyện ngắn.
- Học sinh phải chọn được tác phẩm truyện ngắn trong chương trình lớp 11.
- Khi phân tích kết thúc truyện ngắn, học sinh phải có ý thức bám đề và làm rõ những nội dung sau:
  • Kết thúc truyện ngắn đó giúp người đọc hiểu được quy luật đời sống như thế nào? (Cần nêu rõ quy luật gì)
  • Kết thúc truyện ngắn đó giúp người đọc dự cảm điều gì về tương lai?
  • Từ sự thấu hiểu quy luật đời sống và những dự cảm về tương lai đó, kết thúc truyện ngắn ấy gieo vào người đọc niềm tin về chiến thắng tất yếu của cái đẹp như thế nào?

IV. Tổng kết – Liên hệ​

- Khẳng định lại vấn đề.
- Để đạt được những yêu cầu trên, kết thúc của truyện ngắn cần được xây dựng bằng những thủ pháp nghệ thuật độc đáo, đặc sắc, phù hợp.

Hướng dẫn giải: THẦY TRẦN LÊ DUY​

Bài mẫu - Sau mỗi cách kết thúc, tác giả phải gieo vào lòng người đọc những nhận thức sâu sắc về quy luật đời sống và những dự cảm về tương lai

Nhà văn Aimatov đã từng nhận định rằng: “Một tác phẩm chân chính không bao giờ kết thúc ở trang cuối cùng”. Bởi lẽ khi trang sách đóng lại, tác phẩm mới thực sự đang sống, sống với những trăn trở và tình cảm của người đọc. Ở họ phải xuất hiện những cảm xúc mới mẻ, tâm hồn của họ phải được neo đậu những nhận thức sâu sắc về hiện thực và trái tim phải được rung lên, hướng họ về một khát khao cháy bỏng về cái đẹp, như tác giả Bùi Việt Thắng đã nhận xét về kết thúc của truyện ngắn: “Điền quan trọng hơn cả là sau mỗi cách kết thúc, tác giả phải gieo vào lòng người đọc những nhận thức sâu sắc về quy luật đời sống và những dự cảm về tương lai, về cái đẹp tất yếu sẽ chiến thắng”.

Bielinxky khi viết về tác phẩm văn học đã nói rằng: “Một tác phẩm nghệ thuật là kết quả của tình yêu con người, một ước mơ cháy bỏng về một xã hội công bằng bình đẳng bác ái luôn thôi thúc nhà văn sống và viết, vắt cạn kiệt những dòng suy nghĩ và hiến dâng bầu máu nóng của mình cho nhân loại”. Tác phẩm nghệ thuật đều xuất phát từ chính trái tim người nghệ sĩ, nơi những tâm tư tình cảm đã được gửi vào “đứa con tinh thần”. Các nhà văn phải biết nắm bắt những hiện thực của cuộc sống để truyền tải vào tác phẩm qua những hình thức sáng tạo độc đáo. Từ đó mới có thể khiến người đọc cảm nhận rõ nét nhất những giá trị tư tưởng cũng như giá trị thẩm mỹ trong tác phẩm. Và khi nhà văn làm được điều đó, trang sách cuối cùng dù có khép lại thì những ấn tượng về tác phẩm vẫn in sâu trong tâm trí người đọc. Vì tác phẩm không chỉ chứa những con chữ thẳng đơ trên trang giấy mà là những con chữ có hồn, nó bay ra khỏi trang giấy, sống dậy cùng cảm xúc người dọc và gieo ở họ những nhận thức về hiện thực cuộc sống, những cảm xúc chưa bao giờ có. Hơn nữa, nó còn mở ra một lối thoát, gieo ở họ sự hy vọng, những ước mơ khao khát về cái đẹp sẽ chiến thắng cái xấu xa, hướng họ đến những chân lý cuộc sống. Sau mỗi kết thúc của tác phẩm văn học, họ sẽ nhận những giá trị của cuộc sống, khiến họ nhìn thấy chính mình và sẽ đóng góp cải tạo hiện thực cuộc sống để thế giới ngày một tươi đẹp, sẽ không còn bóng tối mà chỉ có ánh sáng, sẽ không tồn tại những những điều xấu xa mà sẽ có những điều tốt đẹp. Chính lời nhận xét của Bùi Việt Thắng đã cho ta thấy được chứng năng văn học trong đời sống con người.

Một nhà phê bình văn học đã từng viết rằng: “Khi một tác phẩm nâng cao tinh thần ta lên và gợi cho ta những tình cảm cao quý và can đảm, không cần tìm một nguyên tắc nào để đánh giá nó nữa. Đó là một cuốn sách hay và do một nghệ sĩ viết ra”. Tác phẩm nghệ thuật chân chính sẽ truyền cho ta những tình cảm ta chưa có, và làm nảy nở thêm ở ta nhiều tình cảm hơn nữa. No đã được sáng tác bằng chính cả trái tim của nhà văn, được truyền tải biết bao là tư tưởng, những tâm tư, suy nghĩ, tình cảm. Đó còn là một quá trình “lửa thử vàng, gian nan thử sức” của nhà văn. Nhà văn phải thật tinh tế để nắm bắt được hiện thực cuộc đời để đem vào “đứa con tinh thần” của mình, truyền vào đó tất cả những tâm huyết, những tình cảm của mình. Chính vì thế mà sau một kết thúc, nhà văn đã dùng tất cả cái tâm cái tài của mình để viết nên những dòng chữ tinh hoa cuối cùng, những dòng chữ đó đã sống dậy và đi sâu vào trong lòng người, làm dấy lên ở họ những cảm xúc, suy nghĩ về cuộc đời, sự tò mò, dự cảm về tương lai, hy vọng về cái dẹp sẽ chiếm lĩnh và tồn tại vĩnh cửu kể cả khi tác phẩm đã kết thúc. Thậm chí, Umberto Eco từng nói: “Nhà văn có lẽ nên chết đi sau khi hoàn thành văn bản để tác phẩm có thể tự do sống cuộc đời của nó”. Để tác phẩm có thể sống với những tình cảm của người đọc, với những ước mơ khát vọng về tương lai, về những chân lý cuộc đời. Ở kết thúc của mỗi tác phẩm. người đọc sẽ càng trăn trở, đắn đo về những tình tiết, về nhân vật, về những quy luật cuộc sống được tác giả góp nhặt từ hiện thực. Và từ đó, họ càng thêm quý mến và bày tỏ thái độ, tình cảm của mình. Những giá trị đích thực khiến họ thức tỉnh, làm lay động trái tim của họ để rồi họ có thể hướng về ánh sáng, hướng về cái chân – thiện – mỹ. Và đó chính là điều một tác phẩm chân chính cần. Để tác phẩm có thể trường tồn với thời gian, nó phải đem những giá trị đích thực, mang hơi thở thời đại thổi vào tâm hồn người đọc những ấn tượng khó phai, như cách mà tác giả Bùi Việt Thắng đã nhận định.

“Nhà văn sáng tạo nhân vật để gửi gắm tư tưởng, tình cảm và quan niệm của mình về cuộc đời” (Sê-khốp). Nhà văn truyền tải tất cả những cảm xúc của mình cho nhân vật để nhân vật có thể sống mãi trong lòng người đọc sau khi tác phẩm kết thúc. Và Nguyễn Tuân, “một người dành cả cuộc đời để đi tìm cái đẹp và cái thật” (Nguyễn Đình Thi) đã thật tài năng khi xây dựng thành công nhân vật Huấn Cao trong truyện ngắn “Chữ người tử tù”. Một con người được xây dựng dựa trên hình mẫu Cao Bá Quát, tài năng và có vẻ đẹp thiên lương, khí phách hiên ngang. Truyện ngắn bắt đầu với cuộc gặp gỡ oan trái giữa Huấn Cao và viên quản ngục. Cả hai đều có những phẩm chất và vẻ đẹp khác nhau. Nếu Huấn Cao là người có vẻ đẹp thiên lương, có tài viết chữ và ý thức được cái tài của mình, thì viên quản ngục là người biết quý trọng cái đẹp, có tấm lòng biệt nhỡn liên tài, với mong muốn xin được nét chữ của Huấn Cao. Và rồi kết thúc chuyện là cảnh tượng chưa từng có – đó là cảnh cho chữ. Cảnh tượng cho chữ đáng lẽ nên diễn ra ở nơi thanh thiên bạch nhất chứ không phải là cảnh trong bóng tối ngục tù. Không gian và thời gian đều kì lạ. Trong “buồng ngục tối, ấm ướt, tường đầy mạng nhện, phân chuột phân gián”, hình ảnh Huấn Cao hiện lên vô cùng điềm nhiên “ung dung tô từng nét chữ trên mảnh lụa trắng”, “cổ đeo gông, chân vướng xiềng” nhưng tư thế vẫn ung dung và thoải mái. Giữa bóng tối u ám, hình ảnh nhân vật Huấn Cao hiện lên làm tỏa sáng cả ngục tù. Viên quản ngục trong chính thời khắc đó vô cùng hạnh phúc. Nếu với Huấn Cao, giây phút cho chữ ấy là giây phút thiêng liêng truyền lại cái đẹp cho đời sau, thì với viên quản ngục, đó là lúc ông tìm lại chính mình. Chính khoảnh khắc ấy, ông đã được mở ra một lối thoát, và con chữ cũng vậy. Dù cho Huấn Cao chết đi nhưng vẻ đẹp của con chữ vẫn còn hiện diện trên cõi đời này, mở ra một tương lai mới cho viên quan ngục. Giữa giây phút sinh tử, Huấn Cao không hề sợ hãi mà lại hiên ngang ngồi viết chữ. Thường lúc lâm chung, người ta thường hoài niệm về mọi thứ đã qua nhưng Huấn Cao lại bình tĩnh viết chữ. Bởi lẽ đây là giây phút đẹp nhất đời ông, ông đã được thỏa sức viết chữ, đã sống trọn vẹn với niềm đêm mê về cái đẹp trước khi chết. Và khi Huấn Cao chết đi là kết thúc của một truyện ngắn, thân thể dẫu có bị hủy diệt thì cái đẹp của con chữ vẫn trường tồn và thực hiện sự mệnh cứu rỗi con người như Dostoyevsky nhận định “Cái đẹp cứu chuộc thế giới”. Cái đẹp của con chữ do Huấn Cao viết đã vút bay lên phá vỡ mọi vòng cươn tỏa của bóng tối, của cái xấu xa đê hền để có thể di vào vĩnh cửu, có thể trường tồn mãi mãi. Vì đó chính là thứ ánh sáng. Là thứ hy vọng mà tác giả muốn gửi gắm vào tâm hồn người đọc để họ có niềm tin rằng cái đẹp, cái cao thượng đã chiến thắng cái xấu xa, mở ra cho họ con đường hướng tới chân – thiện – mỹ. Nhưng cũng để họ nhận thức được quy luật của cuộc sống trong cái kết thúc của tác phẩm, là cái đẹp có thể sinh ra từ cái xấu, cái cao thượng có thể bắt nguồn từ cái thấp hèn, nhưng cái đẹp và cái xấu xa không thể cùng tồn tại song song. Cái đẹp đánh bại cái xấu xa để có thể vươn lên khỏi bóng tối.

Cái kết thúc của Chữ người tử tù có khép lại thì cảnh tượng cho chữ vẫn sống dậy trong lòng người đọc vì những cảm xúc khó phai dành cho nhân vật Huấn Cao cũng như viên quản ngục, và cũng vì những dự cảm về tương lai của viên quản ngục. Liệu ông có trở về quê sống ẩn dật để có thể bảo vệ được cái đẹp, hay tiếp tục nghề làm viên quan ngục trong lo sợ, tự do về nhân thân nhưng bị cầm tù về tâm hồn? Tất cả sẽ là những trăn trở, suy nghĩ, tình cảm của người đọc. Tác phẩm sẽ có những giá trị lâu dài và chạm đến trái tim người đọc, khiến cho họ có cảm giác như đang sống cùng nhận vật trong tác phẩm, cùng cảm nhận, thấu hiểu. Không chỉ gieo vào lòng người đọc những nhận thức, suy nghĩ, tình cảm, niềm tin, khát vọng mà còn thúc đẩy, mở ra một lối thoát cho họ hướng về chân lý. Chính vì vậy, tác phẩm phải có cái kết thúc ấn tượng sâu sắc, là sự kết hợp hài hòa của nội dung và hình thức nghệ thuật độc đáo, tạo cảm hứng cho người đọc. Giá trị tư tưởng và giá trị thẩm mỹ phải cùng nhau kết tinh để tạo nên một sự sống cho người đọc sau khi tác phẩm kết thúc.

Lời nhận định của tác giả Bùi Việt Thắng là vô cùng đúng dắn khi bàn về kết thúc của truyện ngắn. Khi trang sách của truyện ngắn kết thúc thì những âm hưởng của nó vẫn còn vang vọng, in sâu trong trái tim và khối óc của người đọc. Vì cái kết thúc ấy đã cho họ một cái nhìn về thế giới, cho họ những cảm xúc mới mẻ và độc đáo nhất.
NGÔ THỊ MINH GIANG - LỚP 11 CHUYÊN VĂN
TRƯỜNG TRUNG HỌC THỰC HÀNH ĐHSP TP. HCM
NĂM HỌC 2018 – 2019​
 
Từ khóa
cái kết thúc của chữ người tử tù dự cảm về tương lai một tác phẩm chân chính không bao giờ kết thúc nhận thức sâu sắc về quy luật đời sống nhận định của tác giả bùi việt thắng ở trang cuối cùng điều quan trọng hơn cả là sau mỗi cách kết thúc
6K
2
2

Triều Anh

Người yêu của văn chương ❤️
Thành viên BQT
3/12/22
606
440
63,000
Sóc Trăng
Xu
6,078,826
Đề rất hay. Nhưng nếu giống yêu cầu của đề bài đã chia sẻ thì học sinh có thể lấy các kết thúc truyện ngoài chương trình lớp 11 ( vì đề không có giới hạn) thì phần chứng minh càng thuyết phục hơn ạ.
 

Phong Cầm

Thạc sĩ lang thang ^^
17/5/21
890
911
363,000
33
Nam Định
forum.vanhoctre.com
Xu
7,469,529

Nhận xét về kết thúc của truyện ngắn, tác giả Bùi Việt Thắng cho rằng: “Điều quan trọng hơn cả là sau mỗi cách kết thúc, tác giả phải gieo vào lòng người đọc những nhận thức sâu sắc về quy luật đời sống và những dự cảm về tương lai, về cái đẹp tất yếu sẽ chiến thắng”.

Qua một số tác phẩm truyện ngắn đã học trong chương trình Ngữ văn 11, anh (chị) hãy bình luận ý kiến trên.

HƯỚNG DẪN​

I. Mở bài:

– Đối với nghệ thuật viết truyện ngắn phần mở đầu và kết thúc bao giờ cũng được các nhà văn đặc biệt lưu ý, trong đó một kết thúc ám ảnh, giàu ý nghĩa luôn luôn được xem trọng.

– Bàn về phần kết thúc của truyện ngắn, tác giả Bùi Việt Thắng cho rằng: Điều quan trọng hơn cả là sau mỗi cách kết thúc, tác giả phải gieo vào lòng người đọc những nhận thức sâu sắc về quy luật đời sống và những dự cảm về tương lai, về cái đẹp tất yếu sẽ chiến thắng.

Chuyện người con gái Nam Xương (Nguyễn Dữ), Bến quê (Nguyễn Minh Châu) là hai trong số các tác phẩm thành công trong việc xây dựng phần kết thúc.

II. Thân bài:

1. Giải thích ý kiến​

Ý kiến đã khẳng định vai trò, ý nghĩa của phần kết thúc trong truyện ngắn: Kết thúc nào cũng nhằm tái hiện dòng chảy nghệ thuật phức tạp của đời sống. Sau mỗi một kết thúc, người đọc có thể thấu hiểu được chân lý đời sống, nhận thức được những quy luật đời sống, những dự cảm về tương lai và khẳng định sự tất thắng của cái đẹp.

2. Bàn luận:​

Khẳng định tính đúng đắn của ý kiến xuất phát từ đặc trưng của truyện ngắn:

– Truyện ngắn là một thể loại tự sự cỡ nhỏ, có lối hành văn mang đầy ẩn ý, tạo cho tác phẩm những chiều sâu chưa nói hết. Để thể hiện nổi bật tư tưởng chủ đề tác phẩm, đòi hỏi nhà văn phải có khả năng dồn nén, sáng tạo chi tiết, lời văn nghệ thuật. Trong đó, đoạn kết đóng vai trò có ý nghĩa quan trọng. Viết truyện ngắn, cốt nhất là phải tô đậm phần mở đầu và kết luận (Chekhov), Sức mạnh của cú đấm nghệ thuật là thuộc về đoạn cuối.

– Nếu như phần mở có ý nghĩa như một khúc dạo đầu thì phần kết thúc có vai trò như một khúc vĩ thanh, nó giải quyết những mâu thuẫn đặt ra trong tác phẩm. Vì thế, phần kết chứa đựng thông điệp của nhà văn, chiều sâu tư tưởng của tác phẩm. Kết thúc là khép lại, nhưng mở ra cánh cửa cuối cùng để khám phá tác phẩm, đồng thời mở ra trong lòng bạn đọc những suy nghĩ, liên tưởng mới mẻ, đánh thức, khơi gợi ở người đọc khả năng đồng sáng tạo.

3. Chứng minh:​

* Phần kết của tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương (Nguyễn Dữ):

Bên cạnh giá trị nội dung sâu sắc, tác phẩm còn đạt được nhiều thành công về mặt nghệ thuật. Nguyễn Dữ đã tạo nên một thiên truyện giàu kịch tính, hấp dẫn từ đầu đến cuối qua các mâu thuẫn.

Xung đột được đẩy đến mức căng thẳng khi Trương Sinh nghe lời con trẻ, trút bỏ mọi oán trách lên đầu Vũ Nương, khi Vũ Nương không thể thanh minh cho mình và phải tìm đến cái chết, sự vỡ lẽ của Trương Sinh đã mở nút cho mâu thuẫn. Việc mở nút cho kịch tính bằng cái chết của nhân vật chính đã tạo nên âm hưởng bi kịch của số phận con người. Và lẽ ra câu chuyện có thể kết thúc ở đó, nhưng tác giả đã sáng tạo thêm đoạn kết

– Một cái kết có hậu: Vũ Nương không chết, nàng được sống một cuộc sống khác bình yên và tốt đẹp dưới thủy cung, nỗi oan tình của Vũ Nương được hóa giải, chàng Trương lập đàn giải oan và gặp nàng. Vậy cái kết như vậy có ý nghĩa như thế nào, sáng tạo ra kết thúc đó Nguyễn Dữ muốn gửi gắm đến bạn đọc thông điệp gì? Trước hết, phần kết thúc với nhiều chi tiết kì ảo sẽ thể hiện được đặc trưng của thể loại truyện truyền kì, hấp dẫn người đọc bởi những yếu tố hoang đường.

– Hơn nữa, phần kết thúc có hậu giống như nhiều truyện cổ tích đã thể hiện triết lí ở hiền gặp lành của nhân dân lao động. Bản thân Nguyễn Dữ luôn đứng về phía nhân dân, đặc biệt là những người phụ nữ có số phận éo le, bất hạnh. Tuy nhiên, nếu như Tấm sau nhiều lần hóa thân, chết đi sống lại đã được trở về vị trí hoàng hậu, sống hạnh phúc trọn đời thì Vũ Nương chỉ thoáng hiện về rồi vĩnh viễn biến mất. Điều đó đã làm tăng ý nghĩa phê phán hiện thực, cảnh tỉnh đối với những kẻ như Trương Sinh: Hạnh phúc rất mong manh, nếu để mất đi sẽ không bao giờ lấy lại được, để có được hạnh phúc con người phải sống với nhau bằng niềm tin, bằng sự nhân hậu bao dung.

– Ngoài ra, chi tiết Phan Lang trở thành ân nhân của con rùa, sau lại được rùa đền ơn, cứu thoát trên đường chạy giặc đã thể hiện đạo lí đền ơn đáp nghĩa, một truyền thống tốt đẹp ngàn đời của dân tộc. Việc Vũ Nương trở về gặp chồng, nhưng không đồng ý ở lại chốn nhân gian, nàng nguyện ở lại thủy cung để báo đáp ơn nghĩa với Linh Phi. Vì thế kết thúc này còn góp phần vẻ đẹp phẩm chất của nhân vật, thể hiện thái độ ngưỡng mộ, ngợi ca của tác giả trước phẩm hạnh của người phụ nữ trong xã hội xưa.

* Phần kết thúc truyện ngắn Bến quê (Nguyễn Minh Châu):

– Thành công của truyện ngắn được thể hiện ở chỗ Nguyễn Minh Châu đã xây dựng được nhiều hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng xuyên suốt tác phẩm. Ở phần đầu truyện là hình ảnh những bông hoa bằng lăng còn sót lại, là màu vàng thau xen lẫn màu xanh non của bãi bồi bên kia sông Hồng, là những tảng đất đổ òa vào giấc ngủ…

– Truyện được khép lại bằng hình ảnh chiếc đò ngang mỗi ngày một chuyến… vừa chạm vào cái bờ đất lở dốc đứng phía bên này, Nhĩ đã làm một cử chỉ có vẻ kì quặc, nhưng với anh dường như là một điều vô cùng hệ trọng và khẩn cấp: Anh đang cố thu nhặt hết mọi chút sức lực cuối cùng còn sót lại để đu mình nhô người ra ngoài, giơ một cánh tay gầy guộc ra phía ngoài cửa sổ khoát khoát y như đang khẩn thiết ra hiệu cho một người nào đó.

– Hành động cuối cùng này của Nhĩ có thể hiểu là anh đang nôn nóng thúc giục cậu con trai hãy mau để khỏi lỡ chuyến đò duy nhất trong ngày. Bên kia chông chênh xói lở, bên này vững vàng bồi đắp. Sự tương phản này như một lời cảnh tỉnh về nhận thức, ý thức giữ gìn những giá trị bình dị, vẻ đẹp của những cái thân tình gần gũi , để người ta không phải thảng thốt về những giá trị đang dần dần tuột khỏi tầm tay.

4. Đánh giá mở rộng.​

– Phần kết thúc có vai trò quan trọng nhưng không phải là yếu tố duy nhất làm nên thành công của tác phẩm. Ngoài phần kết, cần chú ý đến vai trò của các phần khác như: mở đầu, cốt truyện, xây dựng tình huống, nhân vật…

– Quá trình viết truyện ngắn là một quá trình lao động sáng tạo công phu đầy vất vả, gian nan của người nghệ sĩ. Một truyện ngắn hay cũng đồng thời phải là một truyện ngắn có cách kết thúc hay, ấn tượng, sáng tạo. Từ đó, người đọc có khả năng liên tưởng, khái quát, khám phá được những vấn đề lớn lao, sâu sắc của hiện thực đời sống, con người, vượt ra khỏi khuôn khổ ít ỏi của truyện ngắn.

– Điều này đặt ra yêu cầu đối với người nghệ sĩ sáng tác trong việc trau dồi tài năng, phong cách nghệ thuật. Và người đọc cũng phải sống hết mình với tác phẩm để hiểu được thông điệp thẩm mỹ của tác giả gửi gắm ở phần kết qua đó có thể sẻ chia, cảm thông, tri âm với tác giả.

III. Kết luận:

– Thực tế đã chứng minh những tác phẩm có giá trị, trường tồn với thời gian là những tác phẩm có kết thúc để lại nhiều dư ba trong lòng bạn đọc.

– Chuyện người con gái Nam Xương, Bến quê là những tác phẩm mãi còn xanh, những tác phẩm đi cùng năm tháng.

Suy nghĩ về cách kết thúc truyện ngắn “Vợ nhặt” của Kim Lân

I. Mở bài:

Giới thiệu tác giả Kim Lân và truyện ngắn Vợ nhặt. Dẫn dắt giới thiệu hai ý kiến bàn về tác phẩm Vợ nhặt

Khái quát về tác giả, tác phẩm .

II. Thân bài:

Kim Lân
là nhà văn được coi là “con đẻ của đồng ruộng”.Ông “một lòng đi về với đất, với người với thuần hậu nguyên thủy của cuộc sống nông thôn” (Nguyên Hồng). Kim Lân có những trang việt chân thực về đời sống làng quê với những thú vui tao nhã của người nông dân quê mình mà ông gọi đó là “thú đồng quê” hay “phong lưu đồng ruộng”.Ông cũng viết chân thực về những người nông dân quê mình chất phác, hóm hỉnh mà rất tài hoa.

Truyện ngắn Vợ nhặt có tiền thân là tiểu thuyết “Xóm ngụ cư” được viết ngay sau khi cách mạng Tháng Tám thành công nhưng còn dang dở và bị mất bản thảo. Sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc (1954), Kim Lân dựa vào một phần của cốt truyện cũ để viết tác phẩm “Vợ nhặt”. Tác phẩm được đưa vào tập “Con chó xấu xí” (Xuất bản 1962).

Tác phẩm phản ánh chân thực cuộc sống của người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ trong nạn đói kinh hoàng năm 1945. Nhưng trong hoàn cảnh đó người nông dân vẫn đùm bọc yêu thương, vẫn khao khát mái ấm gia đình và luôn có một niềm hi vọng vào tương lai.

Truyện viết về cuộc sống của những người dân ở xóm ngụ cư trong nạn đói mà tiêu biểu là cuộc sống của gia đình Tràng. Vì cái đói cái nghèo nên Tràng không thể có một đám cưới đàng hoàng và bữa cơm đón nàng dâu mới của nhà Tràng cũng rất thảm hại“Giữa cái mẹt rách chỉ có độc một lùm rau chuối thái rối và một đĩa muối ăn với cháo”. Trong bữa ăn họ nghe thấy tiếng trống thúc thuế, qua lời của người vợ, Tràng đã nhớ lại có lần mình gặp Việt Minh và “Trong óc Tràng bỗng hiện lên đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới”,

Truyện ngắn Vợ nhặt có kết mở, tự nhiên và sáng:

– Đó là cách kết truyện tự nhiên phù hợp.

+ Kết thúc ấy có cơ sở từ thực tiễn đời sống. Câu chuyện có bối cảnh là nạn đói năm 1945- một thời điểm lịch sử có thật trong đất nước ta vào những năm tháng chuẩn bị cho cuộc cách mạng và đó là những ngày tiền khởi nghĩa với phong trào phá kho thóc Nhật chia cho dân nghèo. Vậy nên trong hoàn cảnh đói khát cùng cực ấy người nông dân nhận ra kẻ thù gây đau khổ cho mình là bọn Pháp và Nhật. Thực dân Pháp thi hành những “luật pháp dã man’, vơ vét của cải còn phát xít Nhật thì bắt nhân dân ta nhổ lúa trồng đay, trồng thầu dầu rồi cùng với thiên tai, lũ lụt…Tất cả đều là căn nguyên dẫn đến thảm cảnh nạn đói năm 1945. Những người dân sống trong hoàn cảnh đó họ sẽ ý thức được mình phải đứng lên đấu tranh tìm con đường cho mình. Họ sẽ tìm đến với cách mạng như một điều tất yếu.

+ Sự hợp lí ở đây là họ chỉ mới bắt đầu nhận thức về cách mạng, đó mới chỉ là ánh sáng le lói ở cuối đường hầm. Nhà văn không kết thúc câu chuyện ở việc Tràng đi làm cách mạng rồi kêu gọi quần chúng nhân dân cùng đứng lên đấu tranh. Nếu như vậy e rằng có phần gượng ép và ảo tưởng. Ở đây mới dừng lại ở việc qua lời người vợ mà Tràng đã nhớ lại có lần anh đã nhìn thấy đoàn người đi phá kho thóc và được nghe nói họ là Việt Minh. Quá trình nhận thức ấy được diễn tiến từ từ. Cách kết truyện như thế là phù hợp.

– Đó còn là cách kết truyện mở và sáng.

+ Truyện kết thúc nhưng đã mở ra cho người đọc nhiều suy ngẫm. Truyện không nói cụ thể rõ ràng là cuộc sống của Tràng, bà cụ Tứ, người vợ nhặt sẽ đi đến đâu, cuộc sống của họ tiếp theo sẽ như thế nào để gượng ép trói buộc suy nghĩ của bạn đọc thiên về một hướng và nhiều khi chỉ suy nghĩ theo chiều hướng ấy. Và thật khéo léo khi Kim Lân để “lửng”.Kết thúc “lửng” ấy chứa đựng bao suy nghĩ của tác giả. Phải chăng nhà văn Kim Lân đang thầm kín bày tỏ sự trân trọng với cách tiếp cận, nhận thức của độc giả đồng thời cũng hướng họ rằng nên phải suy nghĩ, chiêm nghiệm để viết tiếp câu chuyện ấy với sự phù hợp và đúng đắn nhất theo quan điểm nhận thức của mỗi người.

+ Việc tạo ra kết thúc mở cũng khơi sâu sự tìm tòi khám phá một góc độ của cuộc sống, của xã hội thay vì chỉ là đọc trên giấy và hiểu tác phẩm một cách đơn thuần. Rõ ràng với ánh sáng “le lói ở cuối đường hầm” kia người đọc có quyền hiểu và ngẫm theo nhiều cách. Theo quan điểm của bản thân có thể suy ngẫm Tràng sẽ được theo cách mạng, theo ánh sáng của Đảng cùng với quần chúng khởi nghĩa và rồi cuộc sống của anh và gia đình cùng những người nông dân Việt Nam sẽ ấm no hơn, hạnh phúc hơn khi cách mạng giành thắng lợi.

+ Một điểm nữa trong cách kết truyện của Kim Lân là có kết truyện “sáng” không giống như văn học hiện thực phê phán trước cách mạng.Trước đây, nhà văn Nam Cao đã để cho nhân vật Chí Phèo cảm nhận hương vị của cuộc sống, để cho hắn cảm nhận tình yêu thương…nhưng rồi Chí Phèo lại rơi vào bi kịch bế tắc. Nhà văn Ngô Tất Tố cũng để nhân vật của mình- Chị Dậu vùng lên chống lại ách áp bức của bọn địa chủ nhưng rồi cuối cùng trước mắt chị là “trời tối đen như mực giống như cái tiền đồ của chị”…Họ đều rơi vào luẩn quẩn, bế tắc không lối thoát.

+ Ở “Vợ nhặt”, Kim Lân đã để cho những người nông dân hướng về tương lai. Liệu tác phẩm có thể kết thúc trong cảnh “bữa cơm ngày đói” với khung cảnh trông thật thảm hại “Giữa cái mẹt rách chỉ có độc một lùm rau chuối thái rối và một đĩa muối ăn với cháo” và “không ai nói câu gì. Họ cắm đầu ăn cho xong lần. Họ tránh nhìn mặt nhau. Một nỗi tủi hờn len vào tâm trí mỗi người”. Nếu kết thúc như thế thì cái đói, cái nghèo vẫn bao trùm, cuộc sống của nhân dân vẫn rơi vào bế tắc…

+ Nhưng Kim Lân không dừng lại ở đó. Ông đã hướng họ vào ánh sáng của tương lai, của cách mạng “Trong óc Tràng bỗng hiện lên đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới”. Thật là ông đã để những con người trong hoàn cảnh khốn cùng cận kề cái chết nhưng họ không nghĩ đến cái chết mà vẫn hướng đến sự sống, vẫn hi vọng tin tưởng ở tương lai. Những người đói ấy vẫn khao khát về cuộc sống ấm no, đầy đủ hơn. Nhà văn đã để người dân nhận thức đúng về cách mạng khơi lên tinh thần đấu tranh . Thực tiễn lịch sử cách mạng Tháng tám 1945 đã thắng lợi thì con người và đặc biệt là người nông dân càng có thêm động lực niềm tin vào tương lai tươi sáng ấm no. Thật là một cách kết truyện sáng mở ra cuộc sống tươi sáng cho con người.

Đánh giá:

– Còn có ý kiến cho rằng “Đó chưa phải là một cái kết thực sự tự nhiên”, còn gượng ép về mặt nghệ thuật.Có thể lí giải điều này bởi có người cho rằng không khí truyện còn ngập tràn trong cảnh đói khát, thiếu sinh khí và hiện thực về cái chết là điều khó tránh khỏi. Những người nông dân ở đây chỉ là những con người nhỏ bé chưa hiểu gì về cách mạng và họ chưa đủ khả năng để làm thay đổi cuộc sống của mình. Vì thế cho rằng âm thanh của tiếng trống thúc thuế và hình ảnh lá cờ có phần gượng ép. Tuy nhiên như đã phân tích ở trên, tất cả sự nhận thức về cách mạng của người nông dân có thể đến bởi họ đang sống trong những ngày sôi sục trong những ngày tiền khởi nghĩa của cuộc cách mạng tháng Tám.

– Dù có thể còn nhiều ý kiến khác nhau, đó là quyền của mỗi người trong việc cảm nhận văn chương nhưng với bản thân có thể thấy mạch truyện vẫn logic về nội dung tư tưởng. Tác phẩm đã phản ánh rõ hiện thực cuộc sống của người nông dân lúc bấy giờ, nó mang dấu ấn của thi pháp thời đại, lối kết thúc có hậu đã phản ánh đúng những đặc điểm của văn học cách mạng lúc bấy giờ.

Bàn luận mở rộng vấn đề : So sánh với các tác phẩm trước đó và cùng thời

– So sánh với các tác phẩm trước như “Tắt đèn”- Ngô Tất Tố, “Chí Phèo”
– Nam Cao…để thấy sự khác nhau trong cách kết thúc của văn học hiện thực phê phán trước năm 1945 và văn học cách mạng sau 1945.
– So sánh với tác phẩm cùng thời như “Vợ chồng A Phủ”-Tô Hoài để thấy điểm tương đồng trong các tác phẩm sau 1945 đồng thời cũng thấy rõ đặc điểm thi pháp của văn học sau 1945.

III. Kết bài :
Đánh giá chung về cách kết thúc truyện ngắn Vợ nhặt, khẳng định ý kiến cá nhân về các kết truyện,
 

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top