“Thánh Gióng” – Ngữ văn 6 – Cánh diều

“Thánh Gióng” – Ngữ văn 6 – Cánh diều

Nhân dân ta xây dựng hình ảnh Gióng lặng lẽ vào cõi vĩnh hằng, Gióng trở về nơi gốc gác đã sinh ra Gióng, để muôn đời trở thành bất tử trong lòng người dân Việt. Qua truyện “Thánh Gióng”, người kể còn gửi gắm: niềm tin, khát vọng về một hình tượng anh hùng đẹp đẽ, hoàn hảo, là niềm mơ ước của nhân dân về một cuộc sống yên bình, dưới sự bảo vệ của thánh thần, được nhân dân tôn là vị thần đứng đầu trong “Tứ bất tử”.

Thánh Gióng.png


I. Tìm hiểu chung

1. Thể loại truyền thuyết

a. Định nghĩa


Truyện truyền thuyết là loại truyện dân gian, có yếu tố hoang đường, kì ảo, kể về các sự việc và nhân vật liên quan đến lịch sử hoặc giải thích nguồn gốc phong tục, cảnh vật địa phương theo quan niệm của nhân dân.

b. Các yếu tố của truyện truyền thuyết

- Chi tiết là những sự việc nhỏ trong văn bản, tạo nên sự sinh động của tác phẩm.

- Cốt truyện là một hệ thống sự kiện đuợc sắp xếp theo một ý đồ nhất định nhằm thể hiện nội dung, ý nghĩa cùa tác phẩm.

- Nhân vật là người, con vật, đồ vật.... được miêu tả, thể hiện trong tác phẩm văn học. Đặc điểm của nhân vật thường được bộc lộ qua hình dáng, cử chỉ, hoạt động, lời nói, ý nghĩ,...

2. Tóm tắt truyện “Thánh Gióng” với những sự kiện tiêu biểu

Các sự kiện chính
Chi tiết kì ảo
Thánh Gióng ra đời
- Người mẹ ướm thử vết chân to, về nhà có thai
- Mười hai tháng sau, sinh ra Gióng, lên ba không biết nói cười
Thánh Gióng lớn lên
- Sứ giả đi tìm người tài, Gióng cất tiếng nói đòi đi đánh giặc
- Ăn bao nhiêu cũng không đủ no, cả làng góp gạo nuôi Gióng
Thánh Gióng ra trận và chiến thắng
- Gióng vươn vai trở thành tráng sĩ
- Roi sắt gãy, Gióng nhổ tre bụi tre đánh giặc
Thánh Gióng bay về trời
- Sau khi đánh giặc, cả người cả ngựa bay về trời.
3. Bố cục:

- Phần 1: từ đầu… nằm đấy: Sự ra đời kỳ lạ của Gióng

- Phần 2: Tiếp… cứu nước: Sự trưởng thành của Gióng

- Phần 3: Tiếp… lên trời: Gióng đánh tan giặc và bay về trời

- Phần 4: Còn lại: Những vết tích còn lại của Gióng.

4. Ngôi kể và phương thức biểu đạt

- Ngôi kể: ngôi thứ ba
- Phương thức biểu đạt: tự sự

II. Tìm hiểu chi tiết

1. Sự ra đời của Gióng

- Thời gian, địa điểm: vua Hùng thứ 6, tại làng Gióng.

- Vợ chồng ông lão phúc đức, hiếm muộn

- Bà mẹ ướm vào vết chân lạ

-> thụ thai

- Mang thai 12 tháng mới sinh

- Gióng lên ba: không biết nói, cười, không biết đi.

=> Sự ra đời kì lạ, báo hiệu một con người phi thường

2. Sự trưởng thành của Gióng

- Hoàn cảnh: Giặc Ân xâm lược.

- Gióng cất tiếng nói muốn đi đánh giặc cứu nước.

=> Tinh thần yêu nước của nhân dân ta.

- Sau khi gặp sứ giả, Gióng lớn nhanh như thổi à sự trưởng thành để đáp ứng nhiệm vụ cao cả.

- Bà con góp gạo nuôi chú bé.

=> Thể hiện tinh thần đoàn kết của nhân dân. Gióng là người anh hùng của nhân dân, được dân nuôi lớn, mang theo sức mạnh của toàn dân.

3. Gióng đáng giặc và bay về trời

- Tư thế, hành động:

+ phi thẳng đến nơi có giặc

+ Đón đầu, giết hết lớp này đến lớp khác

=> Sự oai phong, lẫm liệt, sức mạnh không thể địch nổi của tráng sĩ

- Khi roi sắt gẫy, tráng sĩ nhổi bụi tre quật vào giặc

- Giặc tan, Gióng cưỡi ngựa bay về trời.

4. Những dấu tích còn lại

- Lời kể chứng tỏ câu chuyện đã thực sự xảy ra trong quá khứ: “Hiện nay, vẫn còn đền thờ ở làng Phù Đồng, tục gọi là làng Gióng. Mỗi năm đến tháng Tư, làng mở hội to lắm. Người ta kể rằng những bụi tre đằng ngà ở huyện Gia Bình vì ngựa phun lửa bị cháy, nên mới ngả màu vàng óng như thế. Còn những vết chân ngựa nay thành những hồ ao liên tiếp. Và khi ngựa thét ra lửa có cháy mất cả một làng. Làng đó nay gọi làng Cháy”.

- Ý nghĩa lời kể đó: Lời kể về những dấu tích còn lại của người anh hùng làng Gióng trong quá trình đánh giặc cho thấy nhân dân ta luôn tin rằng Thánh Gióng là người anh hùng có thật và tự hào, nhớ ơn về sức mạnh thần kì của dân tộc trong đấu tranh chống ngoại xâm.

III. Tổng kết

1. Nội dung – Ý nghĩa:

* Nội dung: Truyện kể về công lao đánh đuổi giặc ngoại xâm của người anh hùng Thánh Gióng, qua đó thể hiện ý thức tự cường của dân tộc ta.

* Ý nghĩa: Truyện ca ngợi người anh hùng đánh giặc tiêu biểu cho sự trỗi dậy của truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, anh dũng kiên cường của dân tộc ta.

b. Nghệ thuật

- Chi tiết tưởng tượng kì ảo

- Khéo kết hợp huyền thoại và thực tế (cốt lõi sự thực lịch sử với những yếu tố hoang đường)

IV. Luyện tập

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

… Bấy giờ có giặc Ân đến xâm phạm bờ cõi nước ta. Thế giặc mạnh, nhà vua lo sợ, bèn sai sứ giả đi khắp nơi rao tìm người tài giỏi cứu nước. Đứa bé nghe tiếng rao, bỗng dưng cất tiếng nói: “Mẹ ra mời sứ giả vào đây”. Sứ giả vào, đứa bé bảo: “Ông về tâu với vua sắm cho ta một con ngựa sắt, một cái rôi sắt và một tấm áo giáp sắt, ta sẽ phá tan lũ giặc này”. Sứ giả vừa kinh ngạc, vừa mừng rỡ, vội vàng về tâu vua. Nhà vua truyền cho thợ ngày đêm làm gấp những vật chú bé dặn.

Càng lạ hơn nữa, từ sau hôm gặp sứ giả, chú bé lớn nhanh như thổi. Cơm ăn mấy cũng không no, áo vừa mặc xong đã căng đứt chỉ. Hai vợ chồng làm ra bao nhiêu cũng không đủ nuôi con, đành phải chạy nhờ bà con, làng xóm. Bà con đều vui lòng gom góp gạo nuôi chú bé, vì ai cũng mong chú giết giặc, cứu nước.


(Trích Thánh Gióng)

Câu 1. Đoạn trích trên kể về việc gì?

A. Nhà vua sai sứ giả đi khắp nơi tìm người tài giỏi để đánh giặc Ân, cứu nước.

B. Cuộc sống của Gióng từ khi gặp sứ giả của nhà vua

C. Cách thức dân làng nuôi Gióng để Gióng lớn nhanh mà đánh giặc

D. Gióng đòi đánh giặc và lớn nhanh như thổi.

Câu 2. Chi tiết cậu bé Gióng cất tiếng nói đầu tiên khi nghe sứ giả truyền tìm người and giặc, cứu nước thể hiện điều gì sau đây?

A. Gióng là một cậu bé thông minh và có nhiều năng lực phi thường.

B. Gióng đã tìm được cơ hội để thực hiện sự nghiệp cứu nước, cứu dân.

C. Truyền thống tốt đẹp yêu nước, chống ngoại xâm đã thấm sâu vào mọi người dân đất Việt, không phân biệt tuổi tác lớn bé.

D. Nhân dân ta luôn đề phòng và sẵn sàng chiến đấu chống trả mọi kẻ thù xâm lược, bảo vệ Tổ quốc.

Câu 3. Gióng đã yêu cầu nhà vua sắm sửa cho mình những vật dụng gì để đi đánh giặc?

A. Một áo giáp sắt, một đội quân tinh nhuệ và một chiếc roi sắt.

B. Một con ngựa sắt, một cái roi sắt và một áo giáp sắt.

C. Một con ngựa sắt, một áo giáp sắt cùng một đội quân tinh nhuệ.

D. Một áo giáp sắt, một đội quân tinh nhuệ, một cái roi sắt.

Câu 4. Chi tiết nào thể hiện rằng Gióng lớn nhanh như thổi?

A. Càng lạ hơn nữa, từ sau hôm gặp sứ giả, chú bé lớn nhanh như thổi.

B. Cơm ăn mấy cũng không no, áo vừa mặc xong đã căng đứt chỉ.

C. Hai vợ chồng làm ra bao nhiêu cũng không đủ nuôi con, đành phải chạy nhờ bà con, làng xóm.

D. Bà con đều vui lòng gom góp gạo nuôi chú bé, vì ai cũng mong chú giết giặc, cứu nước.

Câu 5. Chi tiết Gióng lớn nhanh như thổi, vươn vai biến thành một tráng sĩ thể hiện điều gì?

A. Sức vươn dậy mãnh liệt của dân tộc trước hoạ xâm lăng.

B. Cuộc kháng chiến của nhân dân ta được thần linh phù hộ.

C. Khả năng siêu phàm của Thánh Gióng.

D. Cuộc kháng chiến của nhân dân ta là chính nghĩa và tất thắng.

Câu 6. Từ “sứ giả” trong câu “Thế giặc mạnh, nhà vua lo sợ, bèn sai sứ giả đi khắp nơi rao tìm người tài giỏi cứu nước.”có nghĩa là gì?

A. Người truyền đạt thông tin

B. Người tài giỏi, có đóng góp công lao cho đất nước

C. Người làm công việc ngoại giao, đại diện cho một quốc gia

D. Người vâng mệnh trên đi làm một việc gì ở các địa phương trong nước hoặc nước ngoài

Câu 7. Chi tiết nào không phải là chi tiết hoang đường, kì ảo?

A. Bấy giờ có giặc Ân đến xâm phạm bờ cõi nước ta.

B. Đứa bé nghe tiếng rao, bỗng dưng cất tiếng nói: “Mẹ ra mời sứ giả vào đây”.

C. Sứ giả vào, đứa bé bảo: “Ông về tâu với vua sắm cho ta một con ngựa sắt, một cái rôi sắt và một tấm áo giáp sắt, ta sẽ phá tan lũ giặc này”.

D. Càng lạ hơn nữa, từ sau hôm gặp sứ giả, chú bé lớn nhanh như thổi. Cơm ăn mấy cũng không no, áo vừa mặc xong đã căng đứt chỉ.

Câu 8. Các chi tiết hoang đường, kì ảo trong đoạn trích có nhiều tác dụng, ngoại trừ điều gì?

A. Thể hiện khả năng tưởng tượng phong phú của nhân dân

B. Phản ánh ước mơ, khát vọng của nhân dân

C. Làm tăng sức hấp dẫn cho truyện kể

D. Làm tăng kịch tính cho câu chuyện được kể

Câu 9. Trong đoạn trích, người kể chuyện – nhân dân ta – thể hiện tình cảm gì đối với Thánh Gióng?

A. Yêu quý, ngợi ca

B. Chế giễu, mỉa mai

C. Châm biếm, đả kích

D. Ngưỡng mộ, tự hào

Câu 10. Những hành động của nhân vật Thánh Gióng trong đoạn trích khơi gợi ở em tình cảm cao đẹp nào?

A. Tình yêu gia đình

B. Tình cảm láng giềng

C. Tình yêu Tổ quốc

D. Tình yêu con người
 
Sửa lần cuối:
Từ khóa
thánh gióng tóm tắt truyện thánh gióng truyện thánh gióng
  • Like
Reactions: Tiến 2021
477
1
1

BBT đề xuất

Đang có mặt

Bình luận mới

Top