Dự thi Trấn biên thuỳ

Dự thi Trấn biên thuỳ

Tham gia cuộc thi viết văn tháng 12: “Người lính trong tim tôi”


TRẤN BIÊN THÙY

- Già Sinh đấy à? Già làm gì đấy? Có nước chè ngon không cho cháu xin chén.

- Bộ đội Khang à, tao đang rào lại cái vườn cái kẻo đám gà nó phá hết chẳng có rau mà ăn!

- Cụ già rồi lọ mọ chi cho nó vất vả ra, con cháu đâu mà cụ phải làm thế?

- Ối giời, trông ngong gì chúng nó, chúng nó còn lo việc nhà nước, mình còn sức mình cứ phải làm cho người nó khỏe ra bộ đội à. Nằm mãi một mình chán lắm! Vào uống nước cái đã, tao mới có mẻ chè ngon đấy!

Già Sinh dừng tay, nhưng Khang lại lao vào làm giúp.

- Già để đấy cháu làm nốt cho.

- Ừ, mày làm xong rồi lên nhà uống nước, để tao lên pha cái đã.

Một loáng sau Khang đã rào dậu lại mảnh vườn nhỏ giúp già Sinh, bên trong những luống rau đang lên xanh mơn mởn, một số cây non thỏ thẻ nhú mầm vươn lên đón chút ánh nắng ấm áp đang trườn mình khắp núi rừng mang đến sức sống và sinh khí cho vạn vật. Rải rác bên trong vườn là những cây chè sống lâu hơn một đời người, thân lớn nhuộm màu trắng mốc, uốn lượn nhiều cành, sau những cơn mưa ngọn non xoã toả rườm rà. Những cơn mưa rừng làm xói mòn những vệt đường nhỏ dẫn lên các nóc nhà trong bản, kể cả những con đường ruột dê chênh vênh trên các sườn núi. Không khí phảng phất mùi ngải cứu và mùi nhựa thông khô.
Bước chân qua chín bậc cầu thang, Khang đã thấy giữa nhà ánh lửa bập bùng trong bếp, cái ấm đen sỉn sụt sịt sôi phì phì thở ra hơi nước qua chiếc lỗ nhỏ bên trên trên. Trong cái tranh tối tranh sáng của ánh nắng chiều chênh chếch, ánh lửa và bóng tối bên trong ngôi nhà, già Sinh hiện ra như một tiên ông quắc thước. Những sợi râu phất phơ, mái tóc dài búi tó phía sau ánh lên như cước. Ánh mắt lấp lánh như nhìn thấu mọi sự việc ở đời trên khuôn mặt hồng hào nhưng đã đầy những nếp nhăn. Cả thân người già Sinh săn chắc như cây lim, cây sến trên rừng. Nhìn già Sinh, Khang ao ước mai này đến tầm tuổi ấy mình cũng được như thế thì chẳng còn gì bằng.

Già Sinh chậm rãi pha trà. Già lấy chiếc thìa gỗ múc từng thìa chè nhỏ trong lọ cho vào chiếc ấm sứ nung già, chậm rãi tráng chè, rồi châm nước đầy ấm cho bọt tràn ra ngoài và đợi một lúc già mới rót chè ra hai chiếc chén nhỏ, từng chút một, lần lượt từng chén, rồi lại rót tiếp. Khang thấy một mùi thơm ngào ngạt. Đưa chén chè lên miệng Khang nhấm nháp từng chút một, cảm giác như chút nhựa chè thơm chan chát ở đầu lưỡi, quyến rũ như như đang đi trong hương mùa vụ của một vườn chè bát ngát, những ngụm chè trôi qua cuống họng lại thấy vị chan chát, ngầy ngậy. Một thứ chè rất được nước, rất nịnh hương, Khang uống xong rồi mà như vẫn thấy dư âm của hương sắc núi rừng đại ngàn vẫn còn lưu giữ mãi nơi đầu lưỡi.

- Chè ngon quá già ạ! Già mua được ở đâu đấy?

- Tao tự làm đấy. Bộ đội thấy mấy cây chè trong vườn nhà tao không? Tao bắt mấy đứa cháu nó trèo lên hái từng búp non vào những sáng sớm khi sương mù chưa tan để những lá chè còn ngậm những hạt sương. Rồi tự tay tao sao thật kỹ lưỡng khi búp chè săn lại bằng hạt đỗ xanh, mang đượm hương thơm của núi rừng, mang cả tâm huyết của người người làm ra nó đấy. Lâu lắm mới có được một mẻ, bộ đội Khang may mắn hôm nay được thưởng thức, chứ bữa khác là không có đâu!

- Úi, cháu thích quá, hẳn nào chè có vị riêng rất ngon. Khi nào già có cháu lại xuống uống ké với nhé!

- Sao mày khôn thế…Già Sinh cười khà khà trêu Khang, Khang cũng bật cười theo.

Già Sinh vừa nhấp chén chè vừa với tay lấy cái ống điếu dựa ở góc nhà, châm đóm, nhồi thuốc rồi rít một hơi thật sâu, tiếng nõ điếu rít lên ro ro nghe sướng hết cả tai. Già Sinh phà ra một hơi khói đậm đặc luẩn quẩn quanh chỗ ngồi rồi theo gió tan dần ra hướng cửa sổ.

- Tình hình trong bản dạo này có gì lạ không hả già? Có người lạ nào vào bản mình không? Sau khi thấy già Sinh hút xong điếu thuốc Khang mới hỏi.

- Bộ đội chúng mày không phải lo, có chuyện gì tao sẽ cho người thông báo cho. Ở cái bản này không cái gì qua nổi mắt tao đâu. Đừng nói người lạ, một con muỗi bay qua cũng không lọt đâu. Tao cũng đã thông báo cho mọi người thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh mà y tá của đồn và ti vi hướng dẫn rồi. Chúng mày dạo này thế nào, có bận không?

- Bọn cháu bận tối mặt luôn đấy già ạ! Từ ngày dịch bệnh trở lại bọn cháu lại phải phân tán lập chốt ngăn chặn những người nhập cảnh trái phép, vừa thực hiện nhiệm vụ tuần tra giữ gìn an ninh biên giới, vừa thực hiện chốt chặn kiểm soát dịch bệnh trên các đường mòn. Phải tăng cường thêm cả dân quân các làng bản nữa may ra mới đủ lực lượng. Đội vận động quần chúng bọn cháu sau khi đi các bản nắm tình hình thế này xong là lại lên tăng cường cho các chốt. Đường biên Pha Long mình thì già còn lạ gì nữa, đồi núi, đèo cao, lội suối… vô cùng khó khăn, có những chốt chúng cháu phải tự trồng rau, nuôi gà tại chỗ chứ chờ tiếp phẩm thì lâu lắm. Ấy thế mà thật đắng lòng khi ngoài kia còn bao người chả hiểu cuộc sống của bọn cháu lại còn trách chúng cháu nữa. Lý lẽ họ đưa ra thế này: "Bộ đội biên phòng phụ trách canh gác biên giới, ngăn cản người nhập cảnh trái phép, chặn các đường mòn lối mở, thì việc để lọt người vào Việt Nam phải là trách nhiệm của bộ đội biên phòng!". Họ có biết đâu những đêm lạnh buốt, bốn bề mưa rừng trút xuống ầm ầm, họ nằm chăn ấm nệm êm, đầy đủ tiện nghi, vẫn có hàng nghìn chiến sỹ biên phòng đang ứng trực, cắm chốt ở biên giới 24/24… - Vừa cời cời cho đám lửa trong bếp bùng lên Khang vừa buồn buồn tâm sự cùng già Sinh.

- Vùng đất này là nơi cằn cỗi mà hoang sơ, nó cũng đã có những giai đoạn lịch sử hào hùng, tao đã từng theo nó suốt một chặng đường dài tao còn lạ gì. Nhưng mà thôi, gánh trọng trách trên vai thì cố mà hoàn thành, muốn tiến lên được thì phải bỏ qua những điều tiếng không hay họ nói về mình. Thời chúng mày bây giờ nó không như thời bọn tao ngày xưa. Vất vả nhưng cũng chưa bằng một phần mười hồi ấy. Kêu là khổ nhưng mà vẫn sướng chán. Nếu không có cách mạng về chắc gì tao đã được ngồi đây với bộ đội Khang mà uống chè ngon, hút điếu thuốc nó sảng khoái như thế này. Chắc bộ đội Khang mới về chưa tìm hiểu sâu về lịch sử, con người nơi đây đâu nhỉ? Khi nào rảnh lên đây chơi tao kể cho mà nghe.

- Chả mấy khi có ấm chè ngon, nay cháu cũng không bận lắm, hay là già kể đi!

- Để tao đi lấy mấy gói bánh con cháu nó mang về ra cho mà ăn chứ uống nước chè suông sót ruột lắm.

Già Sinh lấy ra mấy gói bánh ở chiếc tủ cuối nhà ra mời Khang, vừa uống nước chè vừa nhâm nhi những miếng bánh, già Sinh hút thêm một điếu thuốc lào, rồi ký ức về những tháng ngày đã qua bồng bềnh trôi nổi như làn khói thuốc, ẩn hiện, mập mờ rồi rõ nét, những ký ức đã hằn sâu trong trí não của già Sinh vẫn chưa bao giờ phai.

Già Sinh không phải người gốc ở đây, nhưng sau bao năm sống ở mảnh đất này hầu như giờ ai cũng nghĩ già là người bản địa, thậm chí còn cho rằng già là người H’Mông chứ không phải người Kinh.

262f73e9d0aa39f460bb.jpg

Năm 1945, mới 15 tuổi, trong trận đói lịch sử, cậu bé Sinh còi cọc theo chân mẹ rời vùng trung du đất Tổ phiêu bạt kiếm miếng ăn qua ngày. Từ lúc phải ăn rau dại, củ chuối, vỏ cây, bán dần tài sản trong gia đình để mua lương thực cầm hơi đến lúc không còn gì để bán và không thể mua, rất nhiều người đã ngồi chờ chết. Dân chúng bỏ làng lũ lượt kéo nhau đi mà không biết đi đâu, kiếm được gì, xin được gì ăn nấy. Họ đi thành rặng dài bất tuyệt gồm cả gia đình, già lão có, trẻ con có, đàn ông có, đàn bà có, người nào người nấy rúm người dưới sự nghèo khổ, toàn thân lõa lồ, gầy guộc, giơ xương ra và run rẩy. Vì đông người xin quá nên cũng không có nhiều người có để cho và thế là cứ lả dần đi và chết.

Sinh và mẹ cứ lê lết từng chặng đường, qua đất Yên Bái lên tận vùng Mường Khương, Lao Kay, cái xứ miền ngược dữ dằn với nhiều sự hấp dẫn cho cả kẻ giàu lẫn người nghèo. Trên đường đi mẹ con Sinh gặp rất nhiều cảnh thương tâm khi người mẹ đã chết đói nhưng con nhỏ vẫn cố sờ tìm núm vú đã teo đét và cứng đờ, lạnh ngắt của người mẹ để ngậm. Có đứa trẻ còn thoi thóp đã bị vứt lên xe bò chở xác cùng với người mẹ đã chết để đem hắt ra bãi tha ma. Thỉnh thoảng 2 mẹ con dừng lại để vuốt mắt cho một người nào đó đã ngã xuống ven đường và không bao giờ dậy được nữa, hay để lột miếng giẻ rách không biết gọi là gì cho đúng hãy còn che thân người đã chết. Những điều đó đã đã để lại trong cậu bé Sinh một ấn tượng khó phai mờ về sự tàn ác của đế quốc, thực dân, phát xít (điều mà sau mãi sau này cậu mới hiểu được thực chất của vấn đề). Để rồi khi dừng chân được ở mảnh đất biên cương thì mẹ của Sinh cũng theo chân những người ấy ra đi một kịp để lại một lời chăng trối, sau một đêm ngủ ở gốc cây ven đường, sáng ngủ dậy Sinh đã thấy mẹ mình lạnh ngắt.

Không họ hàng thân thích, Sinh lấy góc chợ Mường Khương làm nhà, không có gì chỉ có một đống vải rách nhầu nhĩ cũ nát nhặt nhạnh ven đường chả khác gì ổ chuột. Ngày lang thang đi khắp nơi kiếm ăn, kiếm được cái gì thì ăn cái nấy từ gốc rễ cây đến các loại củ quả trong rừng… tối về chui mình vào đống vải nhầy nhụa ngủ.

Chính những ngày lang thang kiếm cái ăn để tồn tại, cậu bé Sinh đã cảm nhận thấy một dòng chảy ngầm của cách mạng ở miền biên viễn này khi mà những dòng tin rỉ tai nhau về việc nhân dân Võ Lao (Văn Bàn) đã nổi dậy phá kho thóc của Nhật để cứu đói, rồi nhân dân ở thị trấn Sa Pa, Phố Mới, Phố Lu, Thái Niên phối hợp cùng anh em binh lính, bảo an binh yêu nước nổi dậy công khai đấu tranh với Nhật đòi độc lập, đòi thành lập chính quyền nhân dân mặc cho bọn Nhật bưng bít thông tin, khống chế nhân dân. Những từ “cách mạng”, “Việt Minh” cậu bé Sinh đã nghe loáng thoáng trong những ngày bước chân phiêu dạt khắp nơi, nhưng bây giờ cậu mới để tâm, và khi lờ mờ hiểu biết cậu lại càng thêm háo hức muốn tham gia vào dòng chảy ấy để thoát khỏi kiếp phận nô lệ, bơ vơ, đói nghèo.

Ngay khi Cách mạng Tháng Tám trên cả nước chưa nổ ra, khí thế cách mạng ở vùng biên viễn xa xôi này đã rất sôi sục. Một số nơi nhân dân đã đứng dậy khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 13/8/1945, Cách mạng Tháng Tám nổ ra, các địa phương trên cả nước nổi dậy khởi nghĩa và lần lượt giành chính quyền cách mạng. Ngày 19/8, Cách mạng Tháng Tám nổ ra và thành công ở Hà Nội. Thế nhưng khi phát xít Nhật rút khỏi Lao Kay, quân Tưởng Giới Thạch tràn vào miền Bắc Việt Nam làm nhiệm vụ giải giáp quân đội Nhật theo Hiệp ước Đồng minh. Theo sau quân Tưởng, bọn phản động Quốc dân Đảng tràn về chiếm đóng Lao Kay. Những đốm lửa cách mạng đã được đốt lên trên vùng hoang vắng trùng điệp núi non này, lòng yêu nước được khơi động, và quần chúng nhân dân anh em đã tề tựu dưới lá cờ Tổ quốc, cùng Vệ quốc đoàn tiến vào giải phóng Lao Kay, thành lập chính quyền Dân chủ nhân dân chậm nhất trong các tỉnh miền Bắc, nhưng đã thành công, mãi cho đến tháng 10/10945 chính quyền cách mạng mới được thiết lập ở nơi đây. Lúc này Sinh đã được làm chân liên lạc cho một đơn vị Vệ quốc đoàn về giải phóng Lao Kay. Cùng với phong trào “diệt giặc đói, diệt giặc dốt”, Sinh được tham gia các lớp học xóa mù chữ. Sinh cặm cụi nhặt nhạnh uống từng con chữ như mảnh đất khô hạn gặp cơn mưa, những tri thức cũng theo đó mà đến khi Sinh có thể đọc được những công văn, giấy tờ, sách báo…

Chính quyền non trẻ thành lập chưa được bao lâu đã gặp phải sự chống phá của bọn phản động Quốc dân đảng và sự âm thầm chống lưng của quan thầy Pháp với những thổ ty, thủ lĩnh người dân tộc ở miền biên ải này. Một sự hỗn loạn bắt đầu nảy nở. Cái mầm hỗn loạn như có từ trong lịch sử. Đất này là nơi đặt chân của hàng chục bộ tộc từ phương Bắc tới trong những cuộc thiên di từ những thế kỷ trước. Đất đai bị cắt xẻ. Mỗi thổ ty, thủ lĩnh một dân tộc, mỗi chúa đất, chủ nô bá chiếm một vùng, hùng cứ một phương. Tranh đoạt, giành giật, lấn át nhau, đã trở thành nét chính yếu của cái đời sống sôi động, luôn luôn bất ổn ở đây.

Pha Long, mảnh đất địa đầu của Mường Khương, Pha Long có nghĩa là rồng hoa, cũng có nghĩa là miền đất trống rồng vua ban. Bởi có giả thuyết cho rằng vua cha ông ta ngày trước đã ban tặng cho các tộc trưởng nơi vùng biên viễn trống đồng để khi có giặc ngoại xâm các tộc trưởng đánh trống báo hiệu. Với sự hiểm trở của núi rừng và hang sâu, tại đây Châu Quáng Lồ- quan châu úy Pha Long, được sự giúp sức của thực dân Pháp đã trở thành tướng phỉ khét tiếng, tụ tập hàng trăm tên phỉ biến vùng đất biên ải Si Ma Cai, Mường Khương thành căn cứ hoạt động. Hang Sừ Ma Tủng thuộc xã Tả Ngải Chồ nơi Châu Quáng Lồ chọn làm đại bản doanh, từ đây chúng tiến đánh ra các vùng xung quanh.

Sinh, một chàng trai mười tám, đôi mươi hừng hực khí thế và sức trẻ theo đoàn quân ngược lên đất Pha Long vừa tiến hành vận động, thuyết phục những con người lầm đường lạc lối, những người H'Mông gan dạ và kiên nghị nhưng bị vây hãm bằng ngu dốt và man dại trong lịch sử, tạo cho họ một mặc cảm kỳ thị chủng tộc nặng nề, một niềm mong ước tự trị tha thiết run rẩy quay trở lại với cách mạng và làm nhiệm vụ tiễu trừ tướng phỉ Châu Quáng Lồ chột mắt với tài xuất quỉ nhập thần tung hoành ngang dọc khắp vùng núi phía Bắc Mường Khương gây ra bao tội ác cho đồng bào và bộ đội ta.

Sinh bị thương trong một lần bị bọn phỉ phục kích, chạy mãi cho đến lúc kiệt sức thì được một gia đình người H’Mông cứu chữa. Chính trong những ngày ăn cùng, ở cùng với những người H’Mông Sinh mới dần hiểu được phần nào những suy nghĩ, tập tục của đồng bào nơi đây. Và Sinh hiểu ra một điều, muốn vận động được đồng bào nơi đây thì phải hiểu họ trước đã, điều mà trước nay Sinh chưa ngộ ra được. Và đó chính là một phần níu chân Sinh ở lại. Phần nữa chính là người con gái xinh đẹp của chủ nhà đã cưu mang, cứu giúp Sinh. Đó chính là Mây, cô gái người H’Mông kém Sinh 2 tuổi xinh xắn như một bông hoa của núi rừng đại ngàn.

Một ngày Sinh cùng Mây đi rừng kiếm cái ăn và kiếm lá thuốc về cho Sinh chữa thương, lúc quay về ngôi nhà cùng bố mẹ Mây đã bị ngọn lửa thiêu rụi. Sau này Sinh mới biết đó là sản phẩm của bọn phỉ Châu Quáng Lồ, chúng đã phát hiện ra dấu vết của Sinh, chúng cũng muốn bắt Mây về cho tướng phỉ. Không có nỗi đau nào đau hơn nữa, nỗi lòng căm hận và muốn tiễu trừ bọn phỉ dâng lên đỉnh điểm, nhưng không thể nóng vội, hồ đồ. Sinh dắt Mây trốn vào những bản người H’Mông xa xôi, với quyết tâm vận động bà con cùng nhau, cùng bộ đội Việt Minh diệt trừ bọn Châu Quáng Lồ để đem lại cuộc sống bình yên ở vùng biên viễn xa xăm này. Và Sinh đã lấy Mây, biến mình thành một người H’Mông thực thụ khi hòa mình vào cuộc sống, vào thiên nhiên nơi đây.

Cuộc tiễu phỉ vô cùng dai dẳng và khốc liệt, cho đến tận đầu năm 1953 được sự giúp đỡ của những người dân nơi đây tướng phỉ một mắt Châu Quáng Lồ mới bị tiêu diệt. Sinh dắt Mây quay trở lại mảnh đất của gia đình Mây dựng lên căn nhà mới và quyết tâm ở lại với vùng đất dữ nơi biên cương này. Với những gì học được trong những tháng ngày theo bộ đội, Sinh cần mẫn dạy chữ, dạy cách làm ăn, khai phá thêm những mảnh đất màu mỡ chưa được ai khai phá, thành lập đội tự vệ bảo vệ bản làng khi mà đám tàn quân của Châu Quáng Lồ vẫn còn lẩn khuất đâu đây thi thoảng lại ra quấy nhiễu cuộc sống của đồng bào. Một cách từ nhiên Sinh được mọi người chấp nhận và tôn kính coi như một vị thủ lĩnh khi mà chế độ thổ ty bị xóa bỏ.

- Sau bao nhiêu năm sống ở mảnh đất này, giờ tao như là một người H’Mông mất rồi, bộ đội Khang nhỉ?- Vừa dứt lời kể già Sinh vừa hỏi Khang.

- Đúng là những ngày đầu gặp già cháu nghĩ già là người H’Mông đấy. Thế rồi sau này già có về lại thăm quê nữa hay không?

- Biết ở đâu mà về, mà còn có ai nữa đâu mà về. Về giờ có còn ai biết mình nữa. Giờ nơi đây chính là quê, là nơi gắn bó cả đời của tao rồi, mai này chết đi tao sẽ ở đây với bà ấy và thằng cả. Già Sinh trầm ngâm rồi nheo nheo mắt nhìn Khang. Mà bộ đội Khang sau khi ở đây chắc rồi cũng phải về xuôi lấy vợ thôi chứ, hay định bám trụ nơi đây đến hết đời như tao?

- Cháu cũng chưa biết được già ạ! Mà cháu đã có ai yêu đâu mà tính chuyện vợ con. Khối anh lên đây công tác xong rồi ở nhà người yêu chia tay nên cháu cũng chưa nghĩ đến.

- Hay mày thích ở lại đây tao gả con Mỷ cho, con cháu út nhà tao đấy, nó đang làm dưới huyện. Nó cũng xinh không kém bà nó đâu, ngày xưa tao mới nhìn thấy bà nội nó tao đã thích rồi, giờ mỗi lần nhìn thấy nó tao lại như nhìn thấy bà ấy.

- Thế nao Mỷ già gọi cháu với nhé! Khang làm điệu bộ trêu già Sinh.

- Mày, không được vớ vẩn đâu đấy. Nhưng thôi, để tao làm mối cho, còn cái duyên đến đâu là việc của chúng mày. Cũng như với mảnh đất này, nếu mày có duyên mày sẽ gắn bó với nó, sẽ thích nó. Người ta cứ bảo đất ở đây dữ, nhưng lành dữ gì cũng do con người cả. Mình biết yêu thương, trân trọng nó, gìn giữ nó, bảo vệ nó thì cớ gì nó dữ. Mỗi mảnh đất biên cương đều như là phên dậu bảo vệ cho đất nước bình yên, ngày xưa mỗi nơi như thế này là một trọng trấn nơi biên thùy. Ngày nay mỗi đồn biên phòng của các cậu cũng là một trọng trấn đấy. Không còn chiến tranh nhưng việc bảo vệ biên cương cũng được lơ là, như những ngày này bảo vệ không cho dịch bệnh lọt qua biên giới cũng là một trọng trách không khác gì đánh giặc khi xưa. Khó khăn cũng phải cố gắng khắc phục, không để những hy sinh của thế hệ trước trở nên vô ích. Cậu về chắc hiểu lịch sử của đồn rồi chứ?

- Vâng ạ, cháu cũng đã tìm hiểu!

- Cái đồn ấy là cái chốt máu trong chiến tranh biên giới đấy, bọn Tàu nó coi nơi đây là những “cửa ải” quan trọng, nếu vượt qua chốt máu này có thể dễ dàng tiến về thị trấn Mường Khương, xuống Bắc Hà và ra cả thị xã Lào Cai lúc bấy giờ. Trên hướng Pha Long, địch dùng 2 Trung đoàn tấn công dọc tuyến biên giới do Đồn Pha Long phụ trách. Mặc dù thông tin liên lạc bị cắt đứt, vũ khí đạn dược thiếu thốn, lương thực thực phẩm cạn dần nhưng cán bộ chiến sĩ Đồn Pha Long vẫn đánh địch đến viên đạn cuối cùng. Có ngày giữa ta và địch giành giật nhau từng mô đất, từng đoạn giao thông hào, từng chiến sĩ, cán bộ của đồn đã trải qua nhiều giây phút hiểm nguy, cận kề cái chết nhưng không ai nao núng. Có lúc Đồn Pha Long bị bao vây, địch đã chiếm hết các chốt của ta, lực lượng thương vong nhiều, nhưng anh em chúng tôi còn lại kiên quyết không rời vị trí chiến đấu, dù còn một người cũng chiến đấu. Cuối cùng địch cũng phải rút khỏi mảnh đất này. Chúng đâu có biết rằng hang Cao Sơn nằm giáp bờ sông Chảy, nơi đây cha ông ta đã dựa vào thế núi, hang sâu dụ nhử quân xâm lược phương Bắc, biến hang thành mồ chôn lũ giặc. Cho đến nay hệ thống hang động Cao Sơn người dân vẫn gọi là “khe diệt Hán”. Cũng chính trong trận chiến năm ấy đứa con trai lớn của ta cũng đã ngã xuống, máu nó cũng đã thấm xuống mảnh đất này với các chiến sỹ của Đồn Pha Long đấy. Cả nhà ta đều tham gia chiến đấu bảo vệ mảnh đất này, nên nó cũng như máu thịt của chúng ta. Giọng già Sinh trầm xuống, chùng trình.

Khang chợt lặng đi, thì ra bấy lâu nay ở đây, giờ có những điều Khang mới biết, mới hiểu rõ hơn về mảnh đất, về con người nơi đây. Bất chợt Khang nhớ đến những dòng chữ trên tấm bia trấn ải dựng trước cổng đồn, được coi như một lời thề biên cương của chiến sĩ biên phòng Pha Long:

“Nguyên Thần được giao sứ mệnh giữ núi non
Núi Nam bốn cõi đã định trong sách trời
Đời đời nhật nguyệt linh thiêng ứng nghiệm
Rồng Phượng bảo vệ an nguy Tổ quốc
Đất Việt Nam yên bình nhất là ở đây”

images.jpg

Khang thầm nhủ, những trang sử hào hùng trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên cương sẽ luôn được viết tiếp bởi những chiến sĩ, cán bộ đang cống hiến thầm lặng để bảo vệ, giữ giới biên cương hôm nay, nơi đây.

Già Sinh chợt ngước mắt lên chiếc ti vi treo trên tường vẫn đang mở, những hình ảnh ôn lại ngày tháng mùa Thu năm ấy đang được chiếu, những dòng người, những lá cờ đỏ sao vàng tung bay, Bác Hồ đọc tuyên ngôn độc lập…

- Vậy là lại một mùa Thu nữa sắp trôi qua, nhanh thật đấy. Mỗi lần xem lại những hình ảnh này lại thấy bồi hồi. Không biết nếu không có cách mạng năm ấy giờ đây ta đã vùi xác nơi nào rồi. Nhìn lại mới thấy một sự đổi thay nhanh chóng trong mấy chục năm qua, cuộc sống của dân nơi đây tuy chưa thể so được với vùng xuôi nhưng cũng đã khấm khá lên nhiều, không còn cái âm u tăm tối như xưa kia nữa…Ta rồi cũng sắp sửa theo bà ấy rồi. Già Sinh cảm thán.

- Già còn khỏe lắm, già còn phải sống để cho bà con nơi đây được nhờ nữa chứ! Khang bảo.

- Tao cũng cố làm được gì cho bà con, cho mảnh đất này thì làm thôi. Mà bộ đội Khang cứ yên chí nhé, tao sẽ cùng bà con nơi đâu chung sức với bộ đội bảo vệ, gìn giữ cho mảnh đất này.

Chiều ở miền biên giới ngả xuống thật nhanh. Ông mặt trời đang dần khuất ở đỉnh núi. Khách và chủ chia tay trong ráng chiều đang dần buông xuống.

Khang đi trên con đường như dải tơ lụa, nằm vắt ngang lưng trời. Có cảm giác như chân muốn chạm đỉnh núi và tay có thể chạm tới từng đám mây trên trời. Dọc đường đầy những bông lau nở trắng hai bên. Thích nhất vẫn là những phiến đá màu đen, sù sì, ngồi im lìm trên những vách núi.

Chợt ngoảnh đầu ngoái lại, Khang thấy bóng dáng một cô gái thon thả trong bộ đồ người H’Mông sặc sỡ đang thong thả theo con đường lên nhà già Sinh. Khang tự hỏi, có phải là Mỷ về thăm già Sinh đấy chăng?

Thật ngẫu nhiên, những ca từ của bài của bài “Chiều biên giới” do Trọng Tấn hát bỗng ngân nga vang lên đâu đó: “Chiều biên giới em ơi/ Có nơi nào xanh hơn/ Như chồi non cỏ biếc/ Như rừng cây của lá như tình yêu đôi ta…”.

unnamed (5).jpg



HẾT
(
Nguyễn Công Đức)
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Từ khóa
bộ đội chè ngon cơn mưa rừng cuộc thi viết văn già sinh người lính trong tim tôi nhà trong bản trấn biên thuỳ
  • Like
Reactions: Vanhoctre
687
1
1

BBT đề xuất

Đang có mặt

Bình luận mới

Top