Chia Sẻ Tranh cãi về thơ - và những tác phẩm giống như thơ

Chia Sẻ Tranh cãi về thơ - và những tác phẩm giống như thơ

Phong Cầm
Phong Cầm
  • Thạc sĩ lang thang ^^ 32 đến từ Nam Định
Mới gần đây, tôi có đọc một bài phỏng vấn với nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm mang tên “Phân biệt thơ và những tác phẩm giống như thơ”, tôi có tóm tắt ý chính của nhà thơ trong bài bên dưới. Khi mục phỏng vấn đó đăng lên, đã xảy ra rất nhiều tranh cãi đến nổ lửa. Chúng ta cùng xem bài viết và tranh cãi của độc giả yêu thơ do Văn học trẻ tổng hợp nhé:

PHÂN BIỆT THƠ VÀ NHỮNG TÁC PHẨM “GIỐNG NHƯ THƠ”​

Nguyễn Vũ Tiềm​

Trong thời kỳ “bùng nổ” của thi ca, người người làm thơ, nhà nhà làm thơ… đã không ít ý kiến luận bàn. Tuy nhiên, người làm “thơ” không hiểu thơ đã đành, nhưng ngay cả những người phê bình (đặc biệt người phê bình là công chúng nói theo hiệu ứng đám đông) cũng không hiểu thơ là gì. Và như vậy vô hình chung chúng ta cứ ào ào phê phán sự bội thực của thơ ngày nay; song nếu xem trên thực tế, thì liệu có bao nhiêu tác phẩm là thơ đúng với khái niệm mà nó hàm chứa?

Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm, trong cuốn “Nghìn câu thơ tài hoa Việt Nam” xuất bản năm 2000 và sau đó tái bản nhiều lần, ông có nêu tiêu chí của thơ là: -Xúc cảm khác thường -Suy nghĩ khác thường -Cách nói khác thường. Gọi tắt là X-S-C. Ông đã có những nhận định về thơ và tình hình sáng tác thơ ở hiện tại như sau:

Nhiều tập thơ (nhất là ở các địa phương) được in ra nhìn chung là có sao viết vậy, hình ảnh câu chữ rất “bình thường”, nếu một bài thơ mà “có sao viết vậy” thì là ca vè chứ không phải thơ, nó chỉ giống như thơ mà thôi. Tôi gọi ca vè là chỉ chung những bài “giống như thơ” nhưng gần với ca dao, hò vè hơn là thơ. Nhưng thế nào là thơ? Hầu như mỗi người làm thơ đều có tiêu chí riêng, định nghĩa riêng, tìm câu trả lời chung là rất khó. Vì thế, xin nêu ví dụ phân biệt thơ và ca vè.

Hai câu thơ quen thuộc và rất hay của nhà thơ Chế Lan Viên:

"Mỗi gié lúa đều muốn thêm nhiều hạt
Gỗ trăm cây đều muốn hóa nên trầm"


Gié lúa và cây gỗ là thứ vô tri, nó đâu biết mơ ước đến những điều cao siêu ấy, mà chính là cảm xúc, ý tưởng của nhà thơ về chúng mà thôi. Ở hai câu này nhà thơ dùng thủ pháp nghệ thuật nhân cách hóa.

Nếu làm ca vè chỉ cần viết:

"Lúa vàng hạt mẩy đồng ta
Trầm hương gỗ quý, bao la trên rừng"


Ca vè thường thể hiện trực tiếp sự vật, tả chân, phù hợp với đề tài người thật việc thật. Nhà thơ Trương Nam Hương có hai câu thơ về uống rượu với bạn:

"Nâng ly bạn dốc trời xanh cạn
Quơ đũa khà say gắp tiếng chim".


Nếu là ca vè chỉ cần viết như bữa rượu bình thường:

"Nâng ly bạn dốc vài hơi cạn
Quơ đũa khà say gắp thịt bò" (hoặc thịt gà…).


“Dốc vài hơi cạn” thì ai cũng uống như thế cả. Nhưng “dốc trời xanh cạn” thì chỉ có nhà thơ mới có kiểu uống như thế. “Gắp thịt gà” thì ai cũng gắp được, nhưng “gắp tiếng chim” thì chỉ có nhà thơ mơi gắp được mà thôi. “Gắp thịt gà” thì ăn được, nhưng không thơ; “gắp tiếng chim” không ăn được, nhưng lại rất thơ. Trong thơ thường kết hợp thực và ảo. Nếu chỉ toàn thực cả rất dễ thành ca vè.

Trong bài “Rừng U Minh cháy”, nhà thơ Tuyết Nga viết:

"Tro của tiếng chim, của lá của hoa
Bay lả tả trong chiều cùng xác nắng".


Nếu là ca vè chỉ cần viết:

"Lửa thiêu rừng lá rừng hoa
Tro tàn lả tả loang ra nắng chiều".


Người bình thường chỉ nhìn thấy tro của lá hoa, cây cành, nhưng nhà thơ còn nhìn thấy cả “tro của tiếng chim”. Người bình thường chỉ nhìn thấy xác của xúc vật, nhưng nhà thơ còn nhìn thấy cả “xác nắng” nữa. Thực ra tro và xác ấy chỉ là ảo chứ không thực nhưng nhờ đó mà câu thơ có hồn, có chiều sâu cảm xúc, suy tư.

Từ những ví dụ trên, rút ra mấy điểm:

Ca vè: Thể hiện trực tiếp sự vật (có sao viết vậy). Thơ: Thể hiện cảm xúc, suy tưởng của nhà thơ về sự vật ấy.

Ca vè: nói những điều bình thường, diễn tiến hợp lý, những điều hiển nhiên nhiều người đều biết và nghĩ giống nhau. Thơ: Nói những điều khác thường, những điều mọi người không nghĩ tới, hoặc chưa nghĩ tới. Có thể có những chi tiết tưởng như phi lý (phi lý hình thức, nhưng hợp lý nội dung).

Ca vè cũng cần thiết trong đời sống, đối tượng người tham gia và thưởng thức rất đông. Viết ca vè khá dễ dàng, nhiều trường hợp người không biết chữ cũng có thể sáng tác ca vè bằng thể văn vần lục bát rất thành thạo. Ca vè “có thế nào viết thế” cứ y như thật mà viết ra, có vần, có nhịp, gọn gàng là được. Họ hàng gần với ca vè là tấu, diễn ca, gọi chung là văn vần. Thơ có yêu cầu khắt khe về nghệ thuật, không thể viết trực tiếp mà thường là thông qua các “gián cách thẩm mỹ” đó là những hình ảnh, hình tượng, biểu tượng, mượn cớ này để nói cái kia cốt gây ấn tượng và tạo nên sự ám ảnh khôn nguôi.

Ca vè phần lớn là nghĩa đen. Thơ thường là nghĩa bóng.

Tuy nhiên “ranh giới” thường không mấy khi rành mạch bởi tính chất dao động của hình ảnh, hình tượng, ngôn từ vần nhịp, nhiều khi chúng lồng ghép trong nhau. Trong thơ có một phần nhỏ ca vè; trong ca vè có một chút ít thơ…

* Người quen viết ca vè mà chuyển sang làm thơ có khó khăn lắm không?

Người làm ca vè, tấu, diễn ca chuyển sang làm thơ có nhiều thuận lợi, nhưng khó khăn không nhỏ. Do thói quen dễ dãi của ca vè, tấu, diễn ca giờ chuyển sang làm thơ, cần đọc, nghiên cứu, lao động nghệ thuật nhiều mới có thể thành công. Nhưng quan trọng nhất là sự thay đổi này: từ tư duy lôgíc chuyển sang tư duy hình tượng. (Tư duy lôgíc: nhìn sự vật vận động tự nhiên như nó vốn có. Tư duy hình tượng: nhìn sự vật vận động theo tâm tưởng của nhà thơ, không giống như tự nhiên). Thay đổi thói quen này rất khó, là thử thách lớn nhất với người làm thơ. Ở đây nó tạo nên dấu ấn riêng của mỗi người, không ai giống ai.

Người làm thơ đòi hỏi có năng khiếu thẩm mỹ, quan trọng nhất là cảm xúc phải mãnh liệt, trí tưởng tượng bay bổng, đắm say, đặc biệt là suy tưởng phải có chiều sâu và tầm khái quát cao, cuối cùng là sự khổ luyện suốt đời không mệt mỏi… Vì thế những người thành công về thơ không nhiều. Người đã thành công rồi cũng trồi sụt, lúc này thơ, lúc khác ca vè hay cùng một bài, khúc này thơ, khúc khác ca vè là chuyện thường chứ không chỉ ở cơ sở, câu lạc bộ mà thôi.

Một bài thơ thường phải sửa chữa nhiều lần. Nhà thơ Nga Joseph Brodsky (giải Nobel Văn học 1987) nói rằng hầu hết các bài thơ, ông phải sửa tới 100 lần.

*Nói về phong trào sáng tác hiện nay, Nguyễn Vũ Tiềm cũng cho hay:

Đây là hình thức sinh hoạt văn hóa lành mạnh rất đáng khuyến khích. Nhiều nơi chọn tên gọi rất đúng là “Câu lạc bộ những người yêu thơ ca” gọi tắt là “Câu lạc bộ thơ ca” gồm những người yêu thơ ca, những người vừa làm thơ vừa làm ca vè . Vv… Nhưng tôi thấy không nên lãng phí trong việc in ấn tràn lan thiếu chọn lọc. Có vị mỗi năm in một tập “giống như thơ” nhưng “cứ gọi là thơ” có vị in mật độ nhiều hơn, giấy tốt, đắt tiền mà giá trị chả có là bao. Khiến người ta có cảm giác như người “làm thơ” nhiều hơn người đọc thơ; người in thơ nhiều hơn người mua thơ.

Hiện nay những tờ báo khó tính chỉ đăng thơ chứ không đăng ca vè, tấu, diễn ca (loại này cũng có một số báo đăng, nhưng ít). Thế cho nên các tác giả phải xin giấy phép rồi tự bỏ tiền ra in, tặng bạn bè. Một số người tổ chức tập hợp nhiều tác giả rồi đầu tư in, bán. Người góp bài trong đó mua là chính. Có rất nhiều nhầm lẫn gọi ca vè, tấu, diễn ca là thơ, các nhà xuất bản cấp giấy phép cũng không nói gì, mặc nhiên công nhận, một số báo, tạp chí cũng vậy, gây nên sự ngộ nhận (nhiều khi tranh cãi gay gắt) rất phiền phức và không kém phần tai hại.

[Thiên Hương - Báo Giáo dục & Thời đại]

Trên đây là nội dung bài viết của Nguyễn Vũ Tiềm trên báo Giáo dục và thời đại, và, có rất nhiều ý kiến xoay quanh phát biểu này, đương nhiên đồng tình nhiều, khen ngợi nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm nhiều như:

~-:)Tài khoản Truong Nhat Vuong

Kính phục ông Nguyễn Vũ Tiềm... đọc bài của ông cho tôi sáng mắt sáng lòng và hình dung chân dung đích thực của thơ. Ông viết, trả lời bình dị, dễ hiểu, kiến thức uyên thâm mà ko thấy ông lên gân kể cả, dạy dỗ bao giờ. Thật tuyệt!

Nhưng chê, phản đối cũng không ít. Chúng ta cùng xem vài quan điểm phản bác của những người yêu thơ – làm thơ:

~-:)Tài khoản Ly Nguyen Tuan:

Thế cái bài "Mẹ tôi chửi kẻ trộm" là loại gì!

~-:)Tài khoản Hoa Mai:

Bài viết rất bổ ích nếu ai đọc kỹ. Nhưng mọi lí thuyết đều màu xám. Hãy cứ thuận theo tự nhiên. Thơ hay vè cũng phục vụ cho đời sống một tầng lớp nào đấy của xã hội. Xin mọi người bớt chém gió, bớt cái tôi của mình khi cào bàn phím (Hoa Mai)

~-:)Tài khoản Phan Minh Thoại:

Mỗi người làm thơ là một khái niệm về thơ. Bao nhiêu người, thì bấy nhiêu khái niệm. Cảm xúc tâm hồn và niềm đam mê sáng tạo. Bình phẩm thơ, rất khó.

~-:)Tài khoản Mai Văn Hoan:

Không thể đồng nhất hai khái niệm Thơ và Thơ hay. Thơ thuộc nhóm: thơ, ca, hò, vè vì chung đặc điểm là có vần, có nhịp nhưng mỗi thể loại có đặc điểm riêng. Không thể xem thơ dở là vè. Thơ dở không thể sánh với vè hay. Mai Văn Hoan nghĩ: đồng nhất Thơ và Thơ hay và hạ thấp vè có lẽ chưa thật ổn lắm, anh NVT ạ!
Nói năng khác thường , xuy nghĩ khác thường , cảm xúc khác thường thì là thơ hả ? Vậy thì chỉ có trẻ con còn đang tập nói , và người tâm thần mới làm được thơ nhỉ .
Có lẽ Nguyễn Du , Nguyễn khuyến , Đoàn Thị Điểm , Bà Huyện Thanh Quan , Hồ Xuân Hương , .... đều là những người không biết làm thơ . Lời lẽ của họ mọc mặc dung dị không có tí gì " khác biệt " mà !

~-:)Nguyen xuan Dung:
Này nhé :
Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh mướt một mầu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai .


Đó , lần gì có ngôn từ khác thường ý nghĩ , cảm xúc khác thường gì nhỉ ? Vậy ra mấy vị này làm vè. Mà cái gọi là 2000 câu thơ hay nhất VN thì còn do ai quyết định là nó hay nhất? Có phải tất cả những người yêu thơ đã cùng nhau tuyển chọn không nhỉ , hay là vài người cho mình cái quyền bình chọn ? Có lẽ họ cũng là có " ý nghĩ khác biệt " rồi ...

~-:)Tài khoản Xuanchinh Duong:

Nếu ý kiến như trên của ông thì xin hỏi câu trích sau đây là thơ hay là ca vè ( loại có sao viết vậy như ông nói ):

Xe không kính không phải vì xe không có kính
Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi
Ung dung buồng lái ta ngồi
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng...
(Trích bài thơ Tiểu đội xe không kính của nhà thơ Phạm tiến Duật )

~-:)Tài khoản hanh Lehong:

Bài thơ "có sao viết vậy" sau đây, có là thơ không các vị?

CHẠY THÓC
(Bình An)

Sáng nay trời nắng, mây xanh
Mẹ em phơi thóc ở quanh sân nhà
Tưới rau, chăm sóc đàn gà
Trở về trời bỗng đậm đà mây đen.
Vội vàng mẹ kéo thóc lên
Kéo xong trời sáng, nắng bên hiên rồi.
Nắng vàng rải khắp nơi nơi
Mẹ trông rồi bảo: “Lại phơi ra nào!”
Đến chợ chưa kịp câu chào,
Bất ngờ, trời đổ mưa rào… chạy mau!
Mẹ về chẳng thấy thóc đâu
Thì ra hàng xóm cùng nhau kéo vào.


~-:)Tài khoản Nguyễn Anh Phương:

Mọi người nhớ cho là ca dao hò vè có cách gọi chung là thơ ca dân gian... Trong tác phẩm thơ, có tả thực, có suy tưởng, có hợp lý, có phi lý...Cả bài chỉ 1 từ hoặc 1,2 câu "nổi gió" đạt được như điều ông Nguyễn Vũ Tiềm nói nhưng vẫn được coi là bài hay. Vì thế những người yêu thơ và làm thơ đừng quá hoang mang hay mặc cảm về những sáng tác bị coi là " giống như thơ" của mình. Cứ viết bằng cảm xúc chân thành ắt sẽ truyền cảm tới người đọc. Đó chính là chất trữ tình cần có của thơ.

~-:)Tài khoản Hữu Sơn Trần:

Nếu thơ có hàm ý sâu lắng, thì điều này ai cũng chấp nhận. Nhưng bảo thấy đâu viết đó và thơ có vần là ca vè. Thì Ngài đang xóa mọi quy ước xưa nay. Bội ước tiền nhân, vô cùng cường điệu... Xin lỗi nhà thơ, buộc người yêu thơ phải thốt lên những lời cay đắng như vậy...Bởi vì thấy đâu viết đó chưa hẳn đã là thơ dở. Các triều đại trước và sau, đều lấy sự ứng đáp nhanh về lĩnh vực thơ, văn giỏi làm tiền đề của việc tuyển chọn nhân tài...

Ngài đang dẫn hậu thế đến bờ vực thẳm đó... Không lý đại thi hào Ng Du, danh nhân văn hóa thế giới Hồ Chí Minh, Nguyễn Trãi, bà Huyên Thanh Quan, Tố Hữu, Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương, Nguyên Sa và hàng ngàn nhà thơ danh tiếng hiện hữu...tất cả đều là ca vè sao? Thơ văn lẫn lộn khg phân biệt đc, khiến người đọc bấy lâu khá bực mình. Những cũng chẳng ai nói gì vẫn trọng quan điểm và sở thích của nhau. Nay đọc bài viết này, người yêu thơ rất buồn.

Còn nếu Ngài được vinh danh đứng ở tầm cao, mà lợi dụng cương vị xã hội của mình để phán xét, thay đổi những ước lệ xưa nay. Thì người yêu thơ tin rằng Ngài sẽ thất bại lớn. Chúc Ngài và gđ an vui mỗi ngày.

~-:)Tài khoản Nguyễn Đình Vinh Thơ:

Một bài viết ngớ ngẩn của một kẻ tưởng mình là nhà thơ lớn, nếu thơ mà thành được ca dao thì nó đã đạt tới một tầm cao đi vào lòng công chúng, cái kiểu phán thơ dạng này thì có lẽ truyện kiều của đại thi hào Nguyễn Du cũng chỉ là văn vần “Thuý kiều là chị em là thuý vân“ hay Nguyễn Bính viết “em là con gái bên khung cửi/ dệt lụa quanh năm với mẹ già” hay cụ tố hữu “hoan hô chiến sĩ điện biên/ chiến sĩ anh hùng đầu nung lửa sắt” và đến cụ Hồ “ tiến lên chiến sĩ đồng bào/ Bắc nam xum họp Xuân nào vui hơn” và đi ngược lên trên thì bình Ngô đại cáo của Đại thi hào Nguyễn Trãi cũng chỉ là văn vần “Việc nhân nghĩa cốt ở an dân/ quân điếu phạt trước lo trừ bạo” rồi đến hịch chư tì tướng của đức thánh Trần Hưng Đạo cũng sẽ chẳng phải là thơ“ ta thường nghe kỷ tín đem mình chết thay cứu thoát cho cái đế..” hay bài Nam quốc sơn hà “Sông núi nước nam vua nam ở/ rành rành định phận ở sách trời …” còn rất nhiều nữa không thể móc hết ra được nếu cứ theo cách diễn giải này thì từ xưa đến giờ Việt Nam không có thơ, thơ là tiếng lòng được chắt lọc từ mạch nguồn cảm xúc, thơ là đỉnh cao của nghệ thuật từ những gì tinh tuý nhất nên dù là những câu 6/8 vần điệu của mấy bác nông dân cho đến các bậc danh nhân thì không thể phán xét nó là cái này hay cái kia.

~-:) Tôi đồng ý với Nguyễn Vũ Tiềm là cần phải có lời để chỉnh đốn lại những tác phẩm thơ ca viết theo phong trào không hiểu đọc lên là gì khi vần nhịp cũng không có, không trải chuốt, còn muốn vin vào cớ không được bó buộc ngôn từ để dùng từ ngữ không đúng, dùng từ vô tội vạ, tự gán cho từ ngữ những nghĩa mới.

Nhưng có vẻ bài phát biểu của nhà thơ đã làm “phật ý” rất nhiều nhà thơ khác, và có khi là…cả những nhà phê bình (phê bình là công chúng) khi ông đã nói với ý: thơ là thơ hay, thơ không hay thì gọi là vè. Theo tôi, thơ hay là gì, còn phải do công chúng tiếp nhận đánh giá, anh cứ viết những bài thơ chứa ẩn ý cao xa quá mà người đọc cũng chẳng thể hiểu thì tác phẩm nghệ thuật đó cứ dứt khoát để trưng trong viện bảo tàng mà thôi.

Còn các bạn thấy sao về nhận định của Nguyễn Vũ Tiềm?
~-:)

Phong Cầm tổng hợp
 
Từ khóa
nguyễn vũ tiềm thơ và những tác phẩm giống thơ
642
2
2

VPP Sơn Ca

Thành Viên Mới
14/9/21
13
10
3,000
34
Xu
0
Việc tranh luận hay tranh cãi như vậy là một tín hiệu tốt cho nền văn học nước nhà. Cũng giống như một thời người ta không phân biệt được đâu là âm nhạc, đâu là tạp âm. Trong điện ảnh cũng vậy, ngày xưa có thời người ta không phân biệt được đâu là một tác phẩm điện ảnh, đâu là một trò hề...Tất cả những đấu tranh, bàn cãi như vậy sẽ làm cho nền văn học phát triển.

Nên văn học VN đã đạt được rất nhiều thành tựu trong quá khứ nhưng hiện nay đang chững lại và có dấu hiệu đi xuống. Một phần cũng do sức ảnh hưởng quá lớn từ các lĩnh vực khác, đặc biệt là sự thay đổi do công nghệ tạo ra. Hi vọng văn học Việt Nam sẽ trở lại và phát triển lên một tầm cao mới.

Vậy khi nào Văn học Việt Nam mới trở lại? Theo tôi, khi các nhà văn, nhà thơ trở thành những ngôi sao, những người của công chúng. Rất cần những Xuân Diệu, những Huy Cận, những Xuân Quỳnh...4.0. Theo tôi, đó mới là những ngôi sao thực sự...
 
  • Like
Reactions: Phong Cầm

Phong Cầm

Thạc sĩ lang thang ^^
17/5/21
890
910
363,000
32
Nam Định
forum.vanhoctre.com
Xu
7,469,529
THÔNG BÁO GỠ BÀI CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN VŨ TIỀM

Sau khi bài phỏng vấn của nhà báo Thiên Hương với nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm đăng trên báo Giáo dục & Thời đại số 251 về thơ: "PHÂN BIỆT THƠ VÀ NHỮNG TÁC PHẨM “GIỐNG NHƯ THƠ”. Sau khi đăng, bài đã nhận được rất nhiều quan điểm khác nhau. Đây có thể coi là một sự kiện nhỏ nhỏ thu hút ý kiến trao đổi của bạn đọc yêu thơ, nhất là trong thời điểm nỗi lo lắng trước khủng hoảng dịch covid đang gia tăng. Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm đã đề nghị gỡ bài phỏng vấn này ở các nơi với lí do:

1. Trong bài phỏng vấn, nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm muốn phân biệt rõ một bên là sự gia công sáng tạo của nhà thơ để tạo nên những câu thơ hay, hàm súc...; với một bên là lối viết mang tính tự nhiên mà nhà thơ khi đó gọi là ca vè. Về sau nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm đã chỉnh sửa lại từ "ca vè" và thay bằng từ "văn vần" khi đăng lại trên Facebook cá nhân. Sau này khi báo Văn nghệ đăng lại cũng đã dùng đúng theo ý đã sửa (ảnh dưới). Tuy nhiên khi trang Nhà Văn trích đăng thì vẫn giữ nguyên nội dung của báo Giáo dục & Thời đại, nên đã dẫn tới nhiều tranh luận trái chiều.

2. Do có những tranh luận thiếu thiện chí, thậm chí đưa minh chứng thơ Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến ra để soi chiếu nhiều câu và quy chụp khá ác ý để phản biện... Mặt khác có một số gương mặt thành viên khá quen thuộc không chỉ comment cá nhân mà còn vào hùa với những tranh luận tiêu cực kia để cùng bài xích... Điều này cũng tạo nên phần nào phản cảm. Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm do tuổi cao, sức yếu lại ở môi trường mạng xã hội, không muốn tranh luận lại, vì khi phỏng vấn thì nhà thơ cũng chỉ trao đổi những quan điểm nhất thời, chứ không giống như một công trình nghiên cứu, và cũng không có ý đồ dạy bảo ai về việc làm thơ cả.

Những hiệu chỉnh hậu văn bản trước khi đăng lên báo và trước đó, chỉ khác nhau một thuật ngữ là ca vè và văn vần đã dẫn tới sai lệch về ý nghĩa của cả một bài viết. Nếu như ý của ông Nguyễn Vũ Tiềm là "văn vần" thì quả thực những phát biểu của nhà thơ rất đáng lưu ý, chuẩn xác về tình hình sáng tác thơ hiện tại.
 

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.
Top