Dự thi Đòn bánh tét phương Nam- Nguyễn Nam Hương

Dự thi Đòn bánh tét phương Nam- Nguyễn Nam Hương

Đỗ Ngọc Trà
Đỗ Ngọc Trà
  • Thành Viên 24 đến từ Trà Vinh
Bài dự thi Mùa Tết quê tôi - Đòn bánh tét phương Nam - Nguyễn Nam Hương
ĐÒN BÁNH TÉT PHƯƠNG NAM
Thoáng cái đã là 28 Tết, năm nay không có 30, nên từ tờ mờ sáng 28 mọi người bắt đầu tụ họp lại cùng nhau gói bánh tét. Bánh tét quê tôi nức tiếng gần xa bởi sự thơm ngon, hổng biết bạn đã nghe câu hát "Trà Vinh, Trà Cú đón chào mời nhau bánh tét" trong bài hát về miền Tây chưa. Mà có nghe rồi nhưng chưa ăn thử thì cũng khó hình dung ra cái vị thơm ngon đặc biệt của nó. Tết năm nay không nhộn nhịp như mọi năm, nói thẳng ra tại chẳng ai dư dả nhiều để ăn Tết lớn, mà nôm qua năm nay lại gói nhiều bánh tét hơn hẳn mọi năm.
Tản văn Đòn Bánh Tét Phương Nam-Văn học trẻ.jpg

- Đạt, lấy cây nhang ra đốt đi con.
Thằng Đạt cầm ra cây nhang.
- Trời đất cơi! lấy cây nhang bình thường cha mày hay đốt á.
- Dạ bình thường cha con đốt cây này mà!
- Tổ cha mày! cái cây dài hơn á, chứ cây nhang ngắn ngủn vầy nấu bánh sao chín!
Nói vậy hổng phải lấy cây nhang để nấu bánh tét đâu nha, ở quê tôi thời gian nấu bánh tét tính bằng thời gian cháy của một cây nhang. Như lời bà cô nói, phải là nhang loại phổ thông, thời gian cháy tầm 45 phút. Hễ cho bánh vào nồi là đốt cây nhang ghim cạnh cái bếp, khi nào cây nhang cháy tàn thì nồi bánh cũng chín. Bà cùng mấy cô phụ trách công đoạn gói bánh, còn việc canh lửa thì giao cho bọn trẻ con. Nói vậy thôi chứ chả đứa nào ngồi canh được hết 45 phút, được tầm 5 10 phút là bỏ chạy ráo. Để lại cái cái nồi bánh tét cho Táo ổng "phù hộ".
Lũ trẻ hễ gần Tết là nôn lắm, chúng nó háo hức đếm ngược từng ngày. Vì Tết là được ăn ngon, mặc đẹp, được cả tiền lì xì từ người lớn. Còn người lớn thì không. Từ cái độ gió chướng thổi về, lòng người đã buồn man mác. Buồn vì sắp hết một năm, lại qua một năm nữa, năm nay đã kịp làm gì đâu, nợ vẫn còn nợ, cũng chẳng ai dư dả gì được nhiều...mà lại già thêm một tuổi.
- Chà! Cái nồi nấu bánh tét này cũng lâu lắm rồi ha. Con nhớ từ hồi con còn nhỏ xíu tới giờ, bền dữ!- Tôi nói
- Bền sao hông, nhôm này nhôm của Mỹ mà- bà cô nói.
- Dữ! nhôm Mỹ này mua ở đâu? Để nữa có tiền con mua thêm vài cái nồi thứ vậy, chứ cái nồi bữa hổm mẹ mua mấy trăm ngàn mà chưa gì đã sứt cái quai rồi.
Bà cô nghe vậy liền bật cười:
- Mạnh(cha tôi)!, ra coi con gái mày đòi mua nhôm Mỹ kìa.
Mấy cô nghe vậy cũng cười òa lên.
- Tổ cha mày! cái nồi này hồi xưa ông nội mày đi lụm mảnh vỡ của máy bay Mỹ dìa(về) làm. Giờ kiếm nhôm Mỹ đâu ra nữa con.
Tôi nghe xong liền bẽn lẽn cười, cười cho câu nói ngây ngô hồi nảy.
- Mà kể ra bên Châu Âu nó làm đồ xịn xịn không he, cái bình thủy ba cho con hồi đẻ con Hạnh tới giờ còn xài tốt, cũng hơn ba chục năm rồi chứ ít ỏi gì.- cô Hai nói
Bà cô nghe vậy liền trầm ngâm, chắc lại nhớ chuyện xưa.
- Thấy vậy má mày khổ, hồi con gái nuôi chứa Cách Mạng, lính nó kiếm chuyện bắt bớ hoài. Rồi cái sau này cưới anh hai, cũng theo Việt cộng. Mấy đợt nó đi quần, nó đánh gần chết biểu khai ra chỗ giấu Cộng sản, đợt đó đang mang bầu bây chứ đâu. Đánh tưởng không giữ được bây rồi, mà hên đẻ ra vẫn mạnh cùi cụi. Vậy mà khi hòa bình cũng chưa được sướng, cứ làm quần quật, đến lúc có của, chưa được hưởng thì lại đi...
Nói rồi bà cô nhìn ra ngoài sân, thở dài. Ông nội tôi thứ hai, rồi tới bà cô thứ ba, năm nay cũng ngoài bảy mươi rồi mà còn mạnh xân xẩn( ý nói những người khỏe mạnh về thể chất lẫn tinh thần). Ông bà nội tôi mất cũng được mười năm rồi, giờ thế hệ của ông bà chỉ còn mỗi bà cô. Nên nhiều lúc bả hay buồn, buồn vu vơ khi nhớ về chuyện cũ, buồn vì hổng ai tâm sự mấy cái chuyện xa xưa, thời chiến tranh bom đạn. Hồi bà nội còn sống, bà nội kể ngày xưa bà cô gan lắm, không sợ trời, không sợ đất, lại chẳng ngán một thằng lính Mỹ nào. Con gái mới mười lăm mười sáu tuổi mà chạy lên xã xin đi giết giặc, mấy ông cán bộ thấy đứa con gái nhỏ xíu con, nên đâu có cho đi. Vậy là giận, về khóc nói với bà cố người ta cho anh hai đi giết giặt, còn con thì không cho.
- Tính ra tao sống cũng qua mấy chục mùa xuân rồi, mà hổng có cái xuân nào mà vui như năm 75 hết.
Nói rồi ánh mắt bà cô chùn xuống, trên đôi mắt đầy nếp nhăn ấy thoáng hiện lên nỗi buồn quen thuộc.
- Thôi, tao ra canh lửa cho nồi bánh.
Ông nội kể hồi trẻ bà cô đẹp lắm. Thuở đó có cô gái đôi mươi trẻ đẹp nhất nhì vùng, trai tráng ai cũng để ý, mà cô chỉ mê anh chiến sĩ tình báo ở trên cục. Họ hẹn nhau khi nào hòa bình lập lại thì anh về xin cưới cô. Rồi cái ngày hòa bình, ai ai cũng về với gia đình, còn anh không thấy về tìm cô. Cô giận lắm, nghĩ anh quên cô, hay anh về lấy vợ khác rồi. Sau này nghe đồng đội kể lại là anh đã hi sinh, xác cũng không tìm thấy được. Cô buồn lắm, buồn chả thèm lấy chồng nữa-đó là bà cô của tôi. Đến nay mặc dù đã già, nhưng bà cô vẫn còn đẹp, đẹp từ đôi mắt, đến cái sống mũi cao, và đẹp cả cái tinh thần trung can nghĩa đảm như một bậc nam nhi.
- Vậy là Tết này thằng Chung với thằng Phụng không về luôn hả bây?- bà cô hỏi
- Dạ, nghe đâu cấm trại nữa rồi.
- Vậy là bốn năm rồi không được về ăn Tết.
- Bộ đội mà cô ba, với dịch dã vầy cũng khó.
- Tao thấy tội cho vợ con tụi nó thôi, năm nào cũng đón giao thừa lủi thủi một mình. Thôi, tí bánh chín kêu vợ tụi nó đem gửi lên đơn vị cho tụi nó ăn.
- Có chừa phần rồi cô ba, phần này cho thằng Chung, còn phần này cho thằng Phụng, còn phần nữa cho con Hạnh đem vô bệnh viện mời mấy bác sĩ, y tá ăn chung.
- Ừa, năm nay dịch quá, tội nghiệp cho mấy người tuyến đầu chống dịch. Hổm tao nghe con Hạnh nhiễm bệnh mà tao lo quá trời, đi chống dịch mà bị lây dịch nữa.
- Hổm con gặp chế Hạnh, nhìn ốm thấy rõ luôn. Chắc sụt gần năm sáu kí lô là ít á.
- Ốm hả, vậy cho cháu tao thêm hai đòn bánh nữa, ăn cho mau mập lại.- vừa nói bà cô vừa lấy hai đòn bánh đem cất riêng.
Hồi cha tôi và mấy cô còn nhỏ, nhà còn khó khăn, nên phải ngưng học sớm. Bao nhiêu ước mơ và hi vọng đều đặt hết vào đời chúng tôi. Mỗi lần cầm xấp tiền đóng học phí mà đôi tay tôi nặng trịch. Người ta cầm cả chục, cả trăm triệu gọn ơ, có đứa ra ngân hàng còn chẳng cần đem gì, quẹt thẻ cái là xong. Chứ còn học phí của tôi được tính bằng giạ, mấy trăm giạ lúa lận chứ bộ. Ở trên Sài Gòn thấy ít chứ về quê là bao nhiêu mồ hôi công sức của ba má. Nên lúc nào cũng ráng nhắc nhở bản thân ăn học thành nhân, thành tài.
- Ủa Mạnh, nảy đếm được bao nhiêu đòn?
- Một trăm hai mươi mấy á cô ba.
- Vậy tụi mình chừa lại ba mươi mấy đòn được rồi, còn nhiêu đem cho hết đi con! Aaa, ở bến xuồng dưới người ta khổ lắm, tại vì đi mần ở Sài Gòn mà dịch bệnh nên thất nghiệp về á, nợ nần rồi vợ con nheo nhóc, con coi bỏ sẵn mỗi phần hai đòn bánh, ba mươi phần. Còn lại để đem cho mấy chú bộ đội, mấy bác sĩ y tá ở chỗ làm của mấy đứa cháu ăn.
Tản văn Đòn Bánh Tét Phương Nam-Văn học trẻ_144200.jpg

Bà cô tôi là vậy, thương người y hệt bà nội. Thấy ai khổ, ai khó cũng thương, cũng xót. Tết năm nào cũng bày ra gói bánh tét rồi đem cho, năm nào khá thì gói ít. Tại năm đó ai cũng có dư, mình không cần giúp đỡ. Còn năm nào khó khăn thì lại gói nhiều, dù nhà tôi cũng chẳng giàu có gì, nhưng ở đời mình ăn no khi chung quanh ai cũng đói thì nuốt cũng chẳng thấy ngon gì, bà nội tôi hay nói vậy. Tôi chỉ mong nhà tôi năm nào cũng quây quần cùng nhau gói bánh như vầy. Không phải tôi mong người ta còn khổ để mình đem cho, người ta không khổ mình đem biếu cũng được mà. Giàu sang thì ai mà chẳng ham, nhưng giàu mà sống thiếu cái tình thì cũng vứt. Nên tôi mong cái tình luôn còn đọng lại trên mỗi đòn bánh tét quê tôi mỗi độ Tết đến xuân về.
 
730
2
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.
Top