Baivanhay Hình ảnh người phụ nữ trong các truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, Vợ nhặt, Chiếc thuyền ngoài xa

Baivanhay  Hình ảnh người phụ nữ trong các truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, Vợ nhặt, Chiếc thuyền ngoài xa

Triều Anh
Triều AnhTriều Anh đã được xác minh
  • Thành viên BQT
  • Người yêu của văn chương ❤️ đến từ Sóc Trăng
Một bài văn hay dùng làm tư liệu cho các học sinh ôn thi học sinh giỏi, ôn thi học kì 2, ôn thi tốt nghiệp. Cùng Triều Anh tham khảo bài văn nghị luận về hình ảnh người phụ nữ trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, Vợ nhặt, Chiếc thuyền ngoài xa.

Viết bài văn nghị luận trình bày cảm nhận của anh/chị về hình ảnh người phụ nữ trong văn học Việt Nam qua tác phẩm Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài), Vợ nhặt (Kim Lân), Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu).

I. Dàn ý

1. Mở bài


Giới thiệu hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam qua các tác phẩm Vợ chồng A Phủ, Vợ nhặt, Chiếc thuyền ngoài xa.

2. Thân bài

- Hình ảnh nhân vật Mị trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài.
- Hình ảnh nhân vật thị và nhân vật bà cụ tứ trong truyện ngắn Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân.
- Hình ảnh nhân vật người đàn bà hàng chài trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của nhà văn Nguyễn Minh Châu.
- Điểm giống nhau của những người phụ nữ trong các truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, Vợ nhặt, Chiếc thuyền ngoài xa.

3. Kết bài

Khẳng định về hình ảnh người phụ nữ trong truyện ngắn của Tô Hoài, Kim Lân, Nguyễn Minh Châu.

II. Bài làm của học sinh (st)

Có người đã từng nói rằng: “Tất cả mọi sự bí ẩn của thế gới này đều không thể sánh nổi với bí ẩn của người phụ nữ”. Quả thực, một nửa dân số trên thế giới là phụ nữ, họ đã trở thành một phần quan trọng và đã đi sâu vào từng trang giấy tạo thành những vần thơ mang một vẻ đẹp khác lạ. Trải qua nhiều thế kỉ, người phụ nữ dần trở nên có tiếng nói và được tôn vinh hơn. Nếu ở xã hội cũ, người phụ nữ luôn bị xem thường bởi những hủ tục hà khắc thì giờ đây, ở thời điểm hiện đại, ta dường như dễ bắt gặp được hình ảnh người phụ nữ được xã hội trân quý và tôn trọng hơn rất nhiều. Văn học là những gì xuất phát từ thực tế, lấy cảm hứng từ người thật việc thật và được cảm nhận qua “đôi mắt thơ” của tác giả, từ đó xây dựng nên những tác phẩm vừa mang giá trị nhân đạo, vừa ẩn chứa giá trị hiện thực. Khi nhắc đến những tác phẩm viết về đề tài người phụ nữ thì nền văn học Việt Nam vô cùng đa dạng, và có một số tác phẩm đã in sâu vào trong tư tưởng của người đọc, mà chỉ cần nhắc đến tên nhận vật thôi, ta cũng đủ biết họ là ai và xuất hiện trong những tác phẩm nào. Các nhân vật như Mị (Vợ chồng A Phủ - Tồ Hoài), Thị (Vợ nhặt – Kim Lân), và người đàn bà hàng chài (Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu) là những nhân vật bước ra từ tác phẩm văn chương nhưng có khả năng thể hiện được rõ hoàn cảnh, nỗi vất vả, và số phận người phụ phải trải qua trong xã hội.

Nhân vật Mị được tác giả Tô Hoài xây dựng dựa trên chuyện thật, việc thật và được viết thành tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”. Đọc từng câu từng chữ mà nhà văn thể hiện, ta có thể thấy được nỗi vất vả mà Mị phải trải qua. Một cô gái xinh đẹp, tài giỏi nhưng phải làm dâu cho nhà Thống lí Pá Tra để trả món nợ mà cha mẹ Mị đã vay nhà Thống lí. Chính gia đình nhà Thống lí và những hũ tục hà khắc ngày xưa là cái còng vô hình, giam hãm cuộc đời và tuổi xuân của Mị trong quyền lực của cường quyền và thần quyền: “Có đến hàng mấy tháng, đêm nào Mị cũng khóc”, đã có nhiều lần Mị đi đến quyết định ăn lá ngón tự tử nhưng rồi tấm lòng hiếu thảo dâng trào, thương cha, thương cho hoàn cảnh nghèo khổ của gia đình, Mị đành phải sống, sống như kiếp làm trâu, làm ngựa.

Mị sống trong danh phận làm dâu nhà Thống lí, nhưng đã bao giờ Mị thật sự hạnh phúc không ? Chưa, chưa bao giờ Mị sống đúng với danh phận và kiếp làm vợ của A Sử. Mị đau khổ, tuyệt vọng, nhiều đêm Mị khóc, những giọt nước mắt ấy như những tủi thân mà Mị phải chịu. Lần lần, qua mấy năm, Mị sống trong nỗi khổ, lâu dần cũng thành quen “bây giờ thì Mị tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa”, nhưng mà con trâu, con ngựa chỉ biết ăn cỏ và đi làm thôi, còn Mị sống trong cái nhà này chưa bao giờ được nghỉ ngơi, vùi vào việc làm cả đêm cả ngày. Và dẫu cho tết đến xuân về, khi trai gái trong làng được đi chơi xuân, nhưng Mị thì không, A Sử chẳng bao giờ cho Mị đi chơi tết, nhưng trong lòng Mị rất muốn được đi. “Mị trẻ lắm”. Và khi những tiếng sáo mời bạn đi chơi vang lên, Mị như nhớ về quá khứ vui vẻ, hồn nhiên của mình, Mị còn trẻ, Mị cũng muốn đi chơi: “Trong đầu Mị đang rập rờn tiếng sáo. Mị muốn đi chơi, Mị cũng sắp đi chơi, Mị quấn lại tóc, Mị với tay lấy cái váy hoa ở phía trong vách”. Chính những tiếng sáo gọi bạn trong đêm tình mùa xuân ấy đã làm thay đổi tâm trạng của Mị, làm sống lại nỗi khát vọng tình yêu tự do và thanh xuân của Mị.

Nhưng chẳng điều gì là trọn vẹn cả, khi A Sử quay về, người đàn ông ấy như dập tắt những ánh sáng cuộc đời Mị, khiến Mị một lần nữa tin rằng cuộc đời của mình mãi u tối như chính căn phòng mà Mị đang ở. Chi tiết căn phòng tối là một chi tiết nhỏ nhưng qua đó ra thể thấy được rằng hình ảnh căn phòng tối đen ấy như cuộc đời của Mị vậy, mãi sẽ chẳng thắp sáng lên tia hi vọng. Một màu đen bao trùm lên cái buồng Mị nằm, kín mít, chỉ có chiếc cửa sổ nhỏ bằng cái bàn tay. Căn phòng tối, chật hẹp dường như đối lập hoàn toàn so với không gian rộng lớn, mênh mông của núi rừng bên ngoài. Nhìn vào căn phòng, chẳng ai nghĩ đó là nơi dành cho con dâu nhà Thống lí, thậm chí trông nó còn tệ hơn căn phòng của người ở. Nơi ấy như nhà tù, trói chặt cuộc sống của Mị vào kiếp làm người ở, cùng với đó là nỗi đau thân phận người phụ nữ chìm trong nỗi bế tắc cùng cực. Có thể thấy, từ sâu thẳm trong tiềm thức của Mị vẫn còn mong muốn sống một cuộc sống tự do, chỉ khi nghe tiếng sáo, Mị mới thật sự được sống lại chính mình, nhưng nỗi khát vọng mãnh liệt và hiện thực phũ phàng chính bi kịch ấy đã khiến cho sức sống của Mị càng thêm dâng trào, và dữ dội. Cuộc trỗi dậy tự phát của Mị trong đêm tình mùa xuân là tiền đề để tạo nên những đợt sóng ngầm ào ạt, mãnh liệt hơn.

Trong đêm mùa đông rét buốt của vùng núi Tây Bắc, Mị thức dậy để thổi lửa hơ tay. Những gì xảy ra xung quanh Mị đều biết nhưng không quan tâm, Mị biết rằng A Phủ đã phạm lỗi và đang bị trói đứng, nhưng Mị vẫn thản nhiên như không. Nhưng nhờ có ngọn lửa đêm ấy bùng sáng lên, Mị đã vô tình lé mắt thấy một dòng nước mắt đang lăn dài xuống hai hõm má của A Phủ. Chính giọt nước ấy, khung cảnh trói đứng ấy, đã làm cho Mị nhớ đến bản thân của nhiều năm trước cũng bị trói như thế. Nhiều lần khóc, nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ, nhưng không lau được. Chính khoảnh khắc ấy, Mị đã xót xa cho A Phủ và đồng cảm với chính số phận của bản thân, Mị quyết định cắt dây trói để giải thoát cho A Phủ, như giải thoát cho chính mình, và cùng A Phủ rời khỏi sự giam cầm độc ác của gia đình ông Thống lí. Chính lần trỗi dậy này cho ta thấy hành động tự giác của Mị, tự giải cứu và tìm ra con đường sống cho chính mình. Mị đã vô cùng mạnh mẽ khi chạy theo A Phủ, có những hành động phản kháng lại bóng ma thần quyền và cường quyền , từ đó tự tìm kiếm được niềm tự do, hạnh phúc.

Qua tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”, người đọc có lẽ phần nào biết được rằng cuộc sống của phụ nữ vùng núi xưa phải trải qua muôn vàn những thử thách, bị dồn vào những khuôn khổ của cuộc sống, và họ không thể nào có được hạnh phúc giản đơn như họ mong muốn.

Và khi nạn đói năm 1945 diễn ra, ta một lần nữa chứng kiến được hoàn cảnh sống khắc nghiệt của con người, đặc biệt là cuộc sống của người phụ nữ lúc bấy giờ. Và tác phẩm “ Vợ nhặt” của Kim Lân như tái hiện lại tình thế lúc bấy giờ, sự đói khổ đã làm mờ đi lí trí. Thị trong tác phẩm là người phụ nữ đói nghèo, là “vợ nhặt” đúng nghĩa của Tràng. Khi nghe qua cái danh phận làm ta đủ cảm thấy sự rẻ rúng, tầm thường. nếu từ “vợ” có ý nghĩa cao cả, là một niềm hạnh phúc, tự hào, thì từ “nhặt” lại là hành động nhặt lại thứ gì đó bỏ đi. Chính cách dùng từ độc đáo này của tác giả, làm cho người đọc thấy rằng, con người đang chìm trong hoàn cảnh khốn khổ của những năm 1945. Từ những lời bông đùa, những lời trêu nghẹo đầu môi của Tràng, nào ngờ Thị lại theo Tràng về làm dâu. Thoạt nhìn, ta thấy đây là tình huống éo le, một câu chuyện độc đáo, bất ngờ, nhưng chính đây là mở đầu cho chuỗi những sự kiện diễn ra sau đó, mà khi đọc ta sẽ thầy rằng tác giả đã thể hiện được giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc vô cùng.

Thị - một nhân vật điển hình cho con người trong nạn đói, cái khổ cái nghèo toát lên con người Thị qua quần áo, ngoại hình, “ khuôn mặt lưỡi cày xám xịt, áo quần rách như tổ đỉa, cái nón cà tàng che nửa khuôn mặt, cái ngực gầy tẹp lép nhô lên”. Chính cái nghèo ấy đã làm thay đổi một con người từ vẻ đẹp bên ngoài lẫn đến tính cách bên trong, và vì thế mà khi nghe Tràng nói câu nói bông đùa “đằng ấy có về với tớ…cùng về”, thì Thị tức khắc đồng ý đi theo Tràng. Có lẽ, từ sâu trong tâm hồn của thị là mong muốn có một gia đình, một chỗ dựa và trên hết là bữa cơm không cần quá xa hoa nhưng hãy trọn vẹn, vì thế mà Thị chọn theo Tràng để tìm thấy hạnh phúc trong số phận bạc bẽo của mình.

Sau khi về làm vợ Tràng, thị dường như trở thành một con người hoàn toàn khác so với những gì mà Tràng được chứng kiến trước đó. Dường như khi có một gia đình, thị mới thực sự sống đúng với phẩm chất và con người của Thị. Thị khép nép, ngoan hiền và ý tứ hơn trước kia rất nhiều. Chính nạn đói đã làm cho con người vứt bỏ thể diện, để có thể kiếm được miếng ăn, con người chấp nhận đánh rơi liêm sĩ để được tồn tại. Nhưng thực tế, sâu trong thâm tâm, con người vẫn tồn tại những phẩm chất, một phần lương thiện, một phần đáng thương không gì có thể đánh mất. Cũng như thị vậy, vốn tính cách của nàng là một người phụ nữ khuôn phép, đúng mực nhưng hoàn cảnh cơ cực đã làm cho Thị mất dần đi những dáng vẻ ấy, biến Thị thành một con người bị hoàn cảnh chi phối.

Bên cạnh một nàng Thị vì cuộc sống nghèo khổ mà chấp nhận theo Tràng về làm vợ, thì trong tác phẩm “ Vợ nhặt”, Kim Lân đã xây dựng thành công nhân vật bà cụ Tứ - mẹ anh Tràng. Bà cụ mang một vẻ đẹp lương thiện, tấm lòng bao dung, đùm bọc người nghèo khổ với khát khao được hạnh phúcCũng như bao người dân lúc bấy giờ, cuộc sống của bà cụ Tứ cũng vất vả và đói khổ, nhưng trên hết bà cũng vẫn là một người mẹ hết mực thương yêu và lo lắng cho con cái. Cụ biết rằng cuộc sống đói khổ này khó khăn hơn những gì ta tưởng nên khi Thị theo Tràng ra mắt bà cụ, thì cụ đã hiểu rồi, cụ hiểu rằng chúng nó đã nên duyên vợ chồng, nhưng cụ thì vô cùng đau xót, “biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không”. Bà vừa thương con mình, vừa lo cho tương lai của nó, rồi bà lão nhìn thị và nghĩ: “người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được…”. Đây vừa là nỗi lòng và tâm sự của người mẹ nhưng không tài nào có thể nói ra được. Bà nhìn đứa con dâu mới của bà, lòng đầy thương xót, bà cũng hiểu cho nỗi khổ tâm của Thị. Và bà chỉ mong vợ chồng chúng nó hạnh phúc: “vợ chồng chúng mày bảo ban nhau làm ăn. Rồi ra may mà ông giời cho khá… biết thế nào hở con, ai giàu ba họ, ai khó ba đời ?”. Sau tất cả, tình yêu thương của bà vẫn đong đầy, bà vẫn đọng viên và mong con cái của bà có thể vượt qua cái nghèo, sống cuộc sống tốt hơn bà.

Bà cụ Tứ trong câu chuyện là một người mẹ dạt dào tình yêu thương, thậm chí là người “ vợ nhặt” mà con trai dắt về bà cũng dành một phần tình cảm. Bà lạc quan và tin tưởng rằng tương lai phía trước luôn tốt đẹp và rực sáng hơn bây giờ. Trong tác phẩm “Vợ nhặt” của Kim Lân, ta thấy được hình ảnh của hai người phụ nữ cực khổ. Một bên là Thị - người con gái nghèo, luôn cố gắng tìm kiếm con đường hạnh phúc, một bên là bà cụ Tứ - với một trái tim hết lòng yêu thương con cái, và tấm lòng tương trợ những người dân nghèo trong cảnh nạn đói cơ cực. Cả hai nhân vật đều là những nạn nhân của nạn đói, nhưng họ vẫn sống, vẫn mạnh mẽ vượt qua những năm tháng khó khăn cực khổ, và luôn hướng đến những điều tích cực trong tương lai. Nhân vật thị và bà cụ đã đem đến những góc nhìn mới cho người đọc về số phận người phụ nữ trong xã hội cũ.

Và khi đến với tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu, ta lại một lần nữa bắt gặp hình ảnh người phụ nữ vất vả, chịu thương chịu khó vì gia định, một lòng muốn giữ lửa cho hạnh phúc vợ chồng. Chiếc thuyền khi ở đằng xa mang một vẻ đẹp đơn giản nhưng hoàn mĩ, chiếc thuyền như hòa vào dòng nước tạo nên một bức tranh về thiên nhiên xinh đẹp. Nhưng đó cũng chỉ là hình ảnh ta bắt gặp khi ở đằng xa thôi, khi đến gần, câu chuyện ấy càng thay đổi.

Mở đầu cho tác phẩm là hình ảnh nhân vật Phùng cầm chiếc máy ảnh của mình và anh đang tìm kiếm một khung cảnh độc nhất, đẹp nhất và anh háo hức muốn có một bộ lịch nghệ thuật về thuyền và biển thật ưng ý. Mà đối với phùng - nhà nghệ sĩ có đôi mắt "nhà nghề" nhìn thấy trước mắt là một bức tranh mực tàu của một danh hoạ thời cổ và anh nghĩ " có lẽ suốt cuộc đời cầm máy ảnh chưa bao giờ tôi thấy được một cảnh "đắt" trời cho như vậy". Trước mắt anh là cảnh một con thuyền với “mũi thuyền in một nét mơ hồ loè nhoè vào bầu sương mù màu trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng do ánh mặt trời chiếu vào. Và bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng trên chiếc mui khum khum, đang hướng mặt vào bờ. Tất cả khung cảnh ấy nhìn qua qua những cái mắt lưới và tấm lưới nằm giữa hai chiếc gọng vó hiện ra dưới một hình thù y hệt cánh một con dơi". Và người nghệ sĩ không bao giờ được thoả mãn, luôn lấy nghệ thuật là điểm sáng để theo đuổi, chính vì thế mà nghệ sĩ nhiếp ảnh đã không muốn bỏ sót bất cứ hình ảnh đắt giá nào. Phùng đã bấm "liên thanh" một hồi hết một phần tư cuộn phim, thu vào chiếc Pra-ti-ca. Cái khoảnh khắc ấy đối với anh là vô cùng hạnh phúc, và anh nhận ra những niềm vui và hạnh phúc ấy đến từ cái tuyệt đỉnh của ngoại cảnh vừa mang lại.

Nhưng hiện thực không phải những gì sẵn có và dễ tìm kiếm, mà nó còn chứa đựng những góc khuất, những bí ẩn chưa ai có thể khám phá. Từ xa, chiếc thuyền có lẽ được hoà vào với thiên nhiên, mang vẻ đẹp lãng mạn, nhưng khi chiếc thuyền đâm thẳng vào trước chỗ anh Phùng đang đứng. Bước xuống từ con thuyền là một người đàn ông và một người đàn bà. Người đàn bà mang vẻ ngoài thô kệch, xấu xí, mặt chất chứa đầy sự mệt mỏi bước ra khỏi con thuyền, theo sau là người chồng bạo lực, vũ phu, liên tiếp dùng thắt lưng đánh chị. Nhưng điều bất ngờ là chị không hề có một hành động phản kháng hay chống cự, dường như chị đã quá quen với cảnh tượng như vậy. Xót xa vô cùng, khi chứng kiến một người chồng đánh vợ, nhưng càng đau khổ hơn là người vợ hầu như chấp nhận những tổn thương ấy chỉ vì một lòng muốn giữ gìn tổ ấm nhỏ bé của mình. Bởi vì chị nghĩ rằng "... đám đàn bà làng chài ở thuyền chúng tôi cần phải có người đàn ông để chèo chống khi phong ba, để cùng làm ăn nuôi nấng đặng một sắp con nhà nào cũng trên dưới chục đứa... Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình ". Cái quan trọng trong cuộc đời là hạnh phúc, nên vợ nên chồng, cùng nhau xây dựng tổ ấm và nuôi nấng những đứa con. Và chị nghĩ đến cảnh một mình gồng gánh nuôi con, lo sợ sẽ không chu toàn được tất cả, chị cần một người đàn ông để có thể tin tưởng và dựa dẫm, vả lại "trên thuyền cũng có lúc vợ chồng, con cái vui vẻ, hoà thuận", chính những suy nghĩ như vậy, nên chị cố gắng sống trong cảnh đánh đập và không thề kêu than dẫu một lời.

Có thể thấy, trong cuộc sống luôn tồn tại những sự thật phũ phàng, bên cạnh mặt sáng tích cực, những điều mà con người luôn muốn phơi bày, thì đâu đó vẫn có những góc khuất của xã hội, những điều bí ẩn mà chưa ai khám phá được. Cùng một con thuyền nhưng ở mỗi thời điểm và góc độ sẽ nhìn thấy những diễn biến khác nhau. Nếu từ xa, ta thấy con thuyền tạo nên một bức tranh sống động, lãng mạn mà nhà nhiếp ảnh không hề muốn bỏ lỡ, thì khi thuyền đến gần, những câu chuyện trên con thuyền ấy được phơi bay, làm cho người đọc có những cảm xúc khác biệt. Và thông qua tác phẩm "chiếc thuyền ngoài xa" của Nguyễn Minh Châu ta thấy được giá trị hiện thực mà nhà văn đã thể hiện, tác giả đã phơi bày cuộc sống khó khăn của người lao động cực khổ, miêu tả chân thực những nỗi khổ mà người đàn bà hàng chài phải trải qua. Người phụ nữ chấp nhận người chồng vũ phu, bạo lực và chính cái đói cái khổ đã khiến cho người phụ nữ hết sức cam chịu vượt qua nghịch cảnh của số phận, ánh lên tấm lòng nhân hậu, vị tha, cam chịu, chấp nhận đau thương để nuôi nấng con cái của mình.

Nhìn lại ba tác phẩm trên, các nhân vật như Mị, Thị, bà cụ Tứ, người đàn bà hàng chài, tuy có hoàn cảnh sống khác nhau, có những nội tâm riêng nhưng chung quy các nhân vật đều có điểm chung là khổ, cực, và phải chịu đựng những nỗi khắc nghiệt của cuộc sống. Ở tác phẩm Vợ chồng A Phủ, trải qua khoảng thời gian dài bị giam cầm trong cường quyền và thần quyền, thì Mị cũng đã tự tay giải thoát cho bản thân, rời khỏi Hồng Ngài và đến với Cách mạng, tìm được con đường tự do và hạnh phúc của mình. Còn đối với các nhân vật như Thị và cụ Tứ cũng tìm ra cho mình những nhận thức mới, hướng sức sống mãnh liệt của mình đến với lá cờ đỏ của Tổ quốc đang bay phấp phới, và trao một niềm tin mãnh liệt đến tương lai, mong chờ điều tốt đẹp sẽ đến với cuộc sống. Tác phẩm "Chiếc thuyền ngoài xa" của Nguyễn Minh Châu đã đi sâu vào đời tư nhân vật, tìm tòi và phát hiện ra vẻ đẹp của của lao động nghèo bình thường, và hình ảnh người đàn bà hàng chài đã gửi gắm một thông điệp cao cả đến với người đọc về phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ và tấm lòng bao dung, vị tha chấp nhận mọi sự tủi thân để giữ lấy hạnh phúc gia đình.

Và dẫu ở thời kỉ nào hay nơi nào thì người phụ nữ đều mang trong mình những tâm sự và nỗi khổ tâm, nỗi buồn thầm kín mà không ai có thể chạm đến song tất cả đều ánh lên vẻ đẹp của một tâm hồn cam chịu, vị tha, hướng đến hạnh phúc cuộc đời. Các tác phẩm như "Vợ nhặt", "Vợ chồng A Phủ", "Chiếc thuyền ngoài xa"..., đã phơi bày hiện thực xã hội với những tư tưởng tình cảm đầy ắp tính nhân văn, hướng con người đến với đấu tranh thân phận, tìm ra lối thoát cho chính mình.​
..............................................
Chúc các em học tốt!
 
Từ khóa Từ khóa
bà cụ tứ chiec thuyen ngoai xa kim lân người đàn bàn hàng chài nguyen minh chau nhân vật mị nhân vật thị tô hoài vợ chồng a phủ vo nhat
865
0
0

Địa phương TOP

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.