Dự thi Kí ức Tết của người con xa quê - Hạ Vân

Dự thi Kí ức Tết của người con xa quê - Hạ Vân

Hạ Vân
Hạ Vân
  • Thành Viên 31
Chuyến xe khách chiều hai mươi tám tết chật ních người. Xe hai mươi chỗ mà có đến tận gần năm mươi người trên xe. Hàng ghế bốn chỗ được chêm tận sáu người ngồi. Những chỗ trống còn lại thì kẻ đứng người ngồi không theo một hàng lối nào như thường lệ. Người đứng một chân người đứng hai chân, tôi may mắn hơn là được ngồi lên một can rượu tầm mười lít vững chãi. Đông là như vậy nhưng đâu có ai buồn ai khó chịu. Ai ai cũng mong nhanh thật nhanh về quê đón tết. Những nụ cười mãn nguyện vì đã an tâm sẽ về nhà chẳng hề hấn gì chuyện đông đúc này. Đó là những niềm vui của những người con phương xa trở lại quê nhà sau một năm bên ngoài cố gắng, tần tảo lao lực.

Về nhà, bố đang cặm cụi gầy củi cho nồi bánh chưng bố vừa gói xong. Tôi xuýt xoa tiếc rẻ giây phút được ngồi gói bánh với bố như thửa bé thơ. Bố thì mắng yêu : “ Ai bảo về muộn cơ, thôi giờ ngồi trông bếp cho bố, nhưng chủ yếu là nồi rượu này nhé gái rượu của bố”. Nồi rượu cuối năm, bố nấu để làm quà cho mấy bác ở thành phố về. Năm nào cũng vậy nồi rượu và nồi bánh chưng cuối năm thơm lừng một góc bếp nhà tôi. Lúc nào chị em tôi cũng mong được canh nồi bánh chưng xuyên đêm cùng bố mẹ. Thèm cái cảm giác không khí lạnh bên ngoài. Cả nhà xúm xít bên bếp lửa ấm nóng cùng cái gió bấc nhẹ làm má ai cũng đỏ lửng lên. Mùi rượu nếp thơm nồng, cay xè thấm nơi đầu lưỡi. Bố nếm rượu rồi quay sang thì thầm khen mẹ ủ rượu chuẩn vị. Hai bố con tôi ngồi gác bếp, bố tranh thủ kể mấy chuyện trong làng trong xóm cho tôi nghe, hỏi han tình hình học tập của tôi. Mùi gỗ xoan bố dành dụm trong năm thơm lừng. Khói bếp khiến mắt tôi cay cay, mũi sụt sịt bệnh xoang. Mẹ nghe thấy liền trách bố để tôi ngồi hứng khói lại phát bệnh. Nhưng bố con tôi gạt phắt đi, có hề hấn gì với con gái bố đâu. Bếp lửa ấm làm hồng thêm nụ cười trên má bố, má tôi.
Xong nồi bánh chưng cũng là gần cuối ngày. Tôi giúp mẹ tranh thủ đi thủ những khoản nợ của các bác trong làng hẹn trả ngày cuối năm này. Tiệm của mẹ là một tiệm tạp hóa nhỏ thế mà những ngày tết làm mẹ bận nhiều hơn. Trước tôi cũng trách công việc đó, cướp thời gian mẹ dành cho tôi những ngày này, rồi mọi việc phía sau đó đều là của bố và tôi hết. Không còn những niềm vui khi mẹ cùng tôi đi mua sắm quần áo mới, đi sắm Tết. Hay cái thảnh thơi ngồi chờ Giao thừa đến xem một bộ Táo Quân trọn vẹn. Những giờ cuối ngày khách hàng trong làng ai cũng muốn mua thứ gì đó. Vậy nên mọi việc đều phải tự làm. Rồi xa nhà, khi ra học đại học tôi hiểu rằng, mẹ đang cố gắng cho chúng tôi, vì bố con tôi. Tôi không còn trách mẹ nữa, thương mẹ nhiều hơn, hỗ trợ mẹ nhiều hơn, cùng bố chuẩn bị tết, dọn dẹp nhà cửa đón tết. Mẹ xong công việc khi gần đến Giao thừa. Phần của hai bố con tôi một việc quan trọng không kém là đi chợ Hoa mua hoa đón tết. Bố luôn chọn một cây đào phai nhẹ đặt ngoài cửa chính nhà và một cây quất um tùm quả trong nhà để trong phòng khách. Bố nói: “Thế mới đúng tết sum vầy, đầy đủ hoa quả đón tết”.
Giây phút Giao thừa thiêng liêng khi bố đứng đọc bài cúng đêm giao thừa ngoài trời. Giữa bao la đất trời, mùi hương trầm thơm lừng thiêng liêng , bố chấp tay nguyện cầu một năm mới bình an. Tiếng pháo hoa rộn ràng quanh vùng trời, tôi khoác tay mẹ ngắm pháo trên tầng mái. Nhìn xuống các thanh niên làng đang cầm ngọn đuốc rôm rả về xông nhà mình lấy may. Bố xong việc cầm bao lì xì phát cho chị em tôi và thưởng riêng cho mẹ một chiếc bố bảo lấy may. Bao lì xì đỏ thơm nức mùi giấy mới tôi nâng niu hít hà nó. Ở quê tôi theo tục lệ, chúng tôi sẽ ăn bữa đêm Giao thừa ấy, cùng nhau nâng ly chúc mừng nhau. Rồi chị em tôi đi ngủ trong tâm trạng háo hức đến ngày mai thật nhanh, để được mặc quần áo mới, được đi chơi cùng bố mẹ chúc Tết ông bà, được nhận nhiều phong bao lì xì nữa. Cứ thế rả ríc hết đêm ấy, chúng tôi chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay.
Giờ đây, tất cả kí ức của tôi nằm đó. Thiệt thòi của một người “ lấy chồng xa” là không được đón giao thừa cùng bố mẹ nữa. Khi không còn là đứa trẻ được bên bố mẹ nữa, giờ Tết là nỗi lo bố mẹ ngày một già đi, nỗi buồn khi bố mẹ phải đón Giao thừa không có con gái bên cạnh. Những nồi bánh chưng năm xưa cũng vơi dần đi.


Nguồn ảnh: sưu tầm
 

Đính kèm

  • Tết kí ức của người con xa quê- Văn học trẻ.jpg
    Tết kí ức của người con xa quê- Văn học trẻ.jpg
    56.8 KB · Lượt xem: 160
347
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.
Top