Dự thi Nghỉ Hè Bêu Nắng- Thanh Nga

Dự thi Nghỉ Hè Bêu Nắng- Thanh Nga

Thanh Nga
Thanh Nga
  • Thành Viên 37
Mùa hè, khi những tia nắng đung đưa trên đỉnh ngọn tre đón gió, chúng tôi cất chiếc cặp sách vào góc bàn. Đợi ba tháng sau, khi tiếng sấm trên không thôi ồn ã, khi mùa hè đi qua, chúng tôi mới dùng lại chiếc cặp sách cho năm học mới. Còn thời gian nghỉ hè, chúng tôi sẽ vô tư mà tận hưởng mọi dư vị của tuổi thơ ngọt ngào, đó là những ngày nghỉ hè đi bêu nắng.

Mười hai giờ chính ngọ, mặt trời chiếu những tia sáng nhất của một ngày lên đỉnh mái ngói phủ rêu xanh thách thức với cái nắng oi nồng. Nhà tôi đã ăn cơm xong, mẹ tôi rửa bát, úp lên chiếc chạn để cạnh bờ giếng. Cả nhà trải chiếu xuống đất mềm ngủ cho mát, hơi mát từ đất như xoa dịu cái bỏng rát đang còn vương trên da, trên thịt những giọt mồ hôi mặn chát.

Mẹ bảo tôi ngủ đi, ngủ cùng mẹ cho say giấc nồng. Chiều nay mẹ tôi con lên đồng tát nước cho kịp lúa trổ đòng đòng căng hạt lúa non. Lúa có nước, hạt sẽ mẩy hơn, cái mấy bung cho hạt lúa chắc, thêm chút vốn liếng cho chum thóc đầy, cho cơm thêm dẻo, canh thêm ngọt. Gọi là lúa chiêm vì những cây mạ được gieo mầm từ vụ khô, đầu mùa lúa không có nước, lại gặp thời tiết rét mạnh, đến cuối vụ sang hè thời tiết nắng nóng. Lúa trưởng thành từ bao mùa nóng lạnh mà cho ra thứ hạt vàng trĩu bông. Vụ chiêm xuân ra đời từ đó, mẹ tôi cũng vất vả theo từng giai đoạn cây lúa sinh sôi và trường thành.

Nhưng tôi còn nhỏ, tôi chưa hiểu được nỗi vất vả của mẹ. Tôi chỉ góp nhặt niềm vui từ tuổi thơ, từ sự bao dung của mẹ. Tôi thường trốn giấc ngủ trưa mẹ dặn mà đi bêu nắng cùng đám bạn quê. Bọn chúng cũng như tôi, những trưa hè thao thức không ngủ. Hẹn nhau ra lũy tre đầu ngõ, chẳng phải để hóng gió mát, mà để thực hiện công cuộc hành quân bêu nắng, phơi da thịt.

Chúng tôi tìm đến bờ rào, dậu thưa. Nơi chú chuồn chuồn neo đậu sau một hồi sải cánh mỏng bay lượn khắp mặt ao. Chuồn chuồn ngô to hơn các loại chuồn chuồn khác, thân ngô màu đen pha chút màu vàng điểm như mảnh áo hoa. Một con đậu trên rào, tôi khum tay từ xa rón rén bước từng bước nhẹ nhàng. Vì tập trung cao độ nên tôi chẳng để ý đến nắng thiêu đốt trên đỉnh đầu, mồ hôi vã ra từ trán chảy ròng ròng xuống má. “Mày chết này!”. Đó là từ ngữ thể hiện chiến thắng tôi dành cho chú chuồn chuồn thất bại, nó cố vỗ đôi cánh thật mạnh để bay nhưng không thể. Tôi đã nắm chặt chiếc đuôi mất rồi. Bất giác, chú chuồn cắn vào tay tôi, nhưng tôi mặc kệ, vết cắn đó chẳng làm tôi đau. Tôi đang ngủ quên trên chiến thắng nên vết cắn ấy chỉ như gãi ngứa thôi mà. Cái Tình cũng kịp bắt được một con chuồn chuồn ớt màu đỏ chót. Chuồn chuồn ớt không nhiều, nhưng màu đỏ của nó thì nổi bật giữa trưa hè. Cả một nhóm bạn khoảng mười đứa đủ trai lẫn gái, đứa nào cũng cầm trên tay con chuồn chuồn đi ra phía đằng ao đình.

Vài thân chuối tước vỏ nõn nà của cái Uyên thả từ hôm trước để tập bơi. Những đứa nào hôm trước chưa biết bơi bọn tôi cho chuồn chuồn cắn rốn. Tôi cắn răng chịu cơn đau thấu trời, con chuồn chuồn ngô vẫn thù tôi hay sao mà cắn đau tê tái. Nó xè xè đôi cánh chỉ chực bay. Một vết đau để lại nơi phía rốn, tôi tung con chuồn chuồn lên cao. Đôi cánh yếu ớt của nó vỗ vỗ méo xệch vào không trung như bị thương rồi bay đi mất. Ngày hôm đó tôi biết bơi thật! Tôi vui như mẹ về chợ, reo hò lên ầm ĩ: “Tao biết bơi rồi chúng mày ơi!”. Vài đứa nhìn tôi ngưỡng mộ vì chúng nó đạp chân, lặn lên hụp xuống cũng chẳng thể nào làm cho cơ thể mình nổi lên được. Tôi không biết mình khua tay múa chân thế nào, người tôi cứ nổi lên, hai tay tôi như mái chèo rẽ nước, cơ thể tôi di chuyển dưới ao. Hóa ra chuồn chuồn cắn rốn thật đau nên tôi đã biết bơi từ đó.

Buổi chiều về mẹ mắng tôi ham chơi. Mắng rồi mẹ sờ lên trán tôi xem bêu nắng cả ngày có bị ốm không? Tôi chẳng ốm đau gì, chỉ có làn da đen nhẻm như cột nhà cháy. Miệng cười khùng khục vô tư chạy sang hàng xóm chơi với cái Tình, cái Tính. Tôi hẹn chúng nó ngày hôm sau lại tiếp tục trốn nhà đi bêu nắng.

Chán bắt chuồn chuồn tập bơi, chúng tôi đi lấy bèo tây tước thành hình cô gái. Cả bọn đóng vai một gia đình rồi tự hội thoại với nhau. Cũng có mở đầu, cao trào, kết thúc. Cuộc hội thoại trong trò chơi đồ hàng đó, những “cô bèo” hóa thân làm nhân vật cho bọn tôi. Đôi khi là tiếng thủ thỉ của mẹ tôi: “Na, con ở nhà ngủ đi, trưa nắng lắm!”, đôi khi là tiếng mẹ cái Tình mắng nó “Tình! Mang cái “dạ” về đây!”. Đôi khi là niềm rưng rức reo vui của cái Tính khi mẹ nó đi chợ, mua cho nó mấy quả thị vàng ươm, thơm ngát làm quà “A! Mẹ đi chợ về rồi!”. Thế mà cũng hết cả buổi trưa nắng nóng không ngủ trốn nhà đi chơi. Nghe gió mát bụi tre rì rào phe phẩy, các mẹ, các dì đi làm đồng buổi chiều khi mặt trời chiếu ánh nắng hình xiên cho bóng râm đổ qua hàng cây bạch đàn trên đồng. Bóng râm cho mẹ bớt vất vả bên gầu sòng tát nước cho vụa lúa chiêm.

Bọn tôi chẳng bao giờ hết trò chơi. Chán trò này bọn tôi bày trò khác. Trò chơi ô ăn quan với những viên sỏi đất cát lấm lem. Thế mà cũng có định luật phân ra dân và quan rất đời. Dân là những viên sỏi nhỏ chỉ có giá trị bằng năm quân một ô. Quan là một viên sỏi to hơn nhưng một quan có giá trị bằng mười. Ai cũng lăm le làm sao giải dân cho khéo, cho ăn quan bằng được. Hết quan rồi những “nhà giàu” lại bị để ý. Bao toan tính làm mồ hôi bọn tôi rơi trong mùa hè ấy. Quan và dân cũng là sỏi đá, vậy mà cũng cãi nhau, bon chen rồi không chơi nữa. Không chơi rồi dân và quan như nhau, nằm ngơ ngác trên vạch ô hằn trên đất. Bọn tôi dỗi nhau một lúc rồi lại tự làm hòa chơi lại.


Những buổi bêu nắng, tôi chẳng ốm, mẹ cũng chẳng mắng mà vẫn bao dung tôi. Khi tôi đói có cơm nguội mẹ phần, khi tôi mệt có gối êm để ngủ. Tôi chỉ là một cô bé đen nhẻm nhưng vô tư với tình yêu thương vô bờ bến. Thế giới của tôi, chẳng có ranh giới nào cho những niềm vui, bởi chúng là vô tận. Nồi buồn và áp lực với tôi ngày đó là một điều gì đó thật xa xỉ, tôi chẳng màng nghĩ tới. Chỉ có những ngày bêu nắng giữa trưa hè không ngủ. Nếu thời gian nhiệm màu cho tôi trở lại tuổi thơ, tôi nguyện vẫn cháy hết mình cho trưa hè đầy nắng, nghe rưng rức gió mát và khúc khích tiếng cười.

bêu nắng ngày hè.jpg
 
  • Like
Reactions: Phong Cầm
607
1
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.
Top