Thông Báo Ý kiến của Ban giám khảo về các tác phẩm dự thi tuần 2

Thông Báo  Ý kiến của Ban giám khảo về các tác phẩm dự thi tuần 2

Thy Việt
Thy Việt
Ý KIẾN CỦA BGK VỀ CÁC TÁC PHẨM DỰ THI TUẦN 2

5826

Ý kiến của Ban giám khảo về các tác phẩm dự thi tuần 2

1/ Chùm thơ tháng 5 – Hoa Phù Sa

Chùm thơ dự thi gồm 2 bài “tháng năm về” và “về quê” của tác giả Hoa Phù Sa là 2 bài thơ giàu hình ảnh, trong trẻo và dễ thương. Qua hai bài thơ tôi thấy quê hương và gia đình của bạn thật gần gũi, thân thương. Hình ảnh trong hai câu thơ dưới đây khiến tôi rất thích:

“Mẹ tôi ngả vại tương bần
Mùi thơm mốc gạo lan dần vào tim”

Tuy nhiên điểm trừ của 2 tác phẩm là kết cấu giống nhau lại sử dụng thể thơ giống nhau. Nếu như không có cái tên và cách đánh dấu 1và 2 thì tôi nghĩ rằng đây là 1 bài thơ dài mà thôi. Điểm trừ thứ 2 thuộc về khổ thơ sau:

“Mẹ về với chiếc áo nâu
Mồ hôi ướt cả tiếng ầu tiếng ơ
Mặt trời chuyển bóng về trưa
Nắng lên bỏng rát cơn mưa cuối chiều”

Trong khổ thơ này tôi thấy bạn dùng hình ảnh thơ quá nhanh, quá đột ngột “đang mặt trời chuyển bóng về trưa” và nắng lên... độc giả chưa kịp thưởng thức cái nắng đẹp nhưng bỏng rát thì ào một phát bạn cho “cơn mưa cuối chiều” vào. Có vẻ như bạn chỉ chú ý đến vần của thơ mà quên đi tính logic của hình ảnh. Có một vài lỗi chính tả bạn cần lưu ý. Ví dụ như “ngủ chõng” chứ không phải là “ngủ trõng”. Mong bạn có những tác phẩm hay cộng tác cùng Văn học trẻ trong những tuần tiếp theo của cuộc thi “Nhà” nhé.

2/ Con về tìm lại tuổi thơ – Vũ Thúy

Tác phẩm “Con về tìm lại tuổi thơ” của tác giả Vũ Thúy là bài thơ viết về kỷ niệm tuổi thơ của chính tác giả, nhưng đâu đó tôi lại bắt gặp thấy hình ảnh của mình. Trong bài bạn sử dụng nhiều hình ảnh thơ gây được xúc động và thân thương quá đỗi. Tuy nhiên, bạn lại mắc lỗi chính tả rất đáng tiếc là viết hoa những từ không cần thiết (ví dụ chữ “cậu” là danh từ chung), đồng thời có những lỗi lặp từ rất đáng tiếc (ví dụ ở khổ 3 lặp 2 từ “tuổi thơ” trong khi bạn hoàn toàn có thể lựa chọn một từ khác thay thế mà nhịp thơ và ý nghĩa vẫn không đổi. Bạn nghĩ sao nếu tôi thay câu đầu khổ 3 là “cả chốn quê nghèo rất yên bình tĩnh lặng”. Chỉ là ví dụ thôi nhé! Bạn có thể giữ nguyên bản gốc và bảo toàn ý của mình). Bài thơ này bạn gieo vần cũng thiếu độ kết dính và chưa giúp bài thơ vụt lên tỏa sáng. Rất mong chờ bạn ở những tác phẩm tiếp theo.

3/ Thiên đường nuôi dưỡng tâm hồn – Thiện Đức

Bài thơ “Thiên đường nuôi dưỡng tâm hồn” của tác giả Thiện Đức là một tác phẩm tràn đầy cảm xúc viết về những thèm khát tưởng chừng như giản đơn mà ai cũng có như: một gia đình bé nhỏ, một người luôn sẻ chia, hỏi han mình mỗi sớm hay thèm được trở về cười hồn nhiên như một đứa trẻ thơ... Nó khiến tôi nghĩ tới những người cô đơn, không nơi nương tựa, lấy vỉa hè làm nhà, mái hiên làm giường ngủ, đau xót biết bao. Ý thơ bạn viết cũng khá là hay nhưng cần thêm một vài chi tiết nữa khiến bài thơ trở nên ý nghĩa hơn. Ở khổ 1 của bài thơ bạn nên chú ý thay từ “vặn đau” thành “quặn đau” nhé. Tôi rất thích khổ cuối, nó như một thông điệp nhắn gửi tới mọi người:

Vui mỗi ngày
Để đời luôn rực sáng
Sống yêu thương
Cho tròn vẹn tâm hồn”.


Xin được mượn lời nhắn gửi này để chúc bạn một đời an yên. Trân quý!

4/ Tết xa nhà – Thục Trang

Tác phẩm “Tết xa nhà” của Thục Trang là một bài thơ tràn đầy xúc động, làm rung cảm trái tim người đọc. Tôi nghĩ rằng nếu bài thơ được biết đến vào dịp tết đến xuân về thì bài thơ của bạn sẽ làm không ít người con xa quê phải bật khóc. Cả bài thơ là một nỗi nhớ tha thiết đan xen những kỷ niệm ngọt ngào của bạn bên người thân và gia đình. Sự quan tâm yêu thương của ba mẹ dành cho bạn thật xúc động, đáng quý biết bao “công việc chưa thành thì để đấy ba nuôi”. Đúng như bạn nói gia đình là “ Nơi quay về, nơi rộng cửa đón con.” Tuy nhiên, đôi chỗ chắc cảm xúc dâng trào khiến bạn để những dấu “chấm” không đúng ngay trong cùng một câu, đây là lỗi khá đáng tiếc trong bài thơ của bạn. Hi vọng bạn lưu ý hơn ở những tác phẩm sau này. Mong rằng xuân năm nay bạn sẽ được vui vầy sum họp bên gia đình để đón một cái Tết yêu thương.

5/ Ngày trở về nhà – Dâu Tây

Tác phẩm “ Ngày trở về nhà” của tác giả Dâu Tây là một bài thơ xúc động. Bài thơ của bạn làm cho tôi khóc từ đầu đến cuối, nó đã thật sự chạm được vào tâm khảm của tôi. Ở đó toát lên tình cảm gia đình, sự hi sinh của hai đấng sinh thành rộng hơn nữa là tình người, tình quê hương yêu dấu. Mỗi câu, mỗi chữ bạn viết làm trái tim tôi se sắt, đến khi bạn kết thúc bài thơ thì tôi thở phào nhẹ nhõm vì sự bình an khi trở về quê hương của chàng trai – nhân vật chính của bài thơ.

Đọc khổ cuối của tác phẩm khiến lòng tôi dâng lên một nỗi nhớ nhung bồi hồi khó tả:

“Đứa hái mướp nấu rau đay mùng tơi, đứa làm cả muối xổi
Bữa cơm nhà thơm mùi khói rạ
Chiều quê!”


Bất giác tôi thấy thèm bữa cơm nhà bên ba mẹ khi xưa. Mong dịch bệnh qua nhanh để trả lại bình an cho đất nước. Mong người người, nhà nhà luôn được an vui. Và chúng ta lại được trở về bên gia đình như những ngày thơ dại. Cảm ơn bạn vì đã mang lại những xúc cảm, dẫu nghẹn ngào nhưng đẹp đến vô cùng.

6/ Nhớ cố hương đầy dạ cố hương – Liêu Hạ

Tác phẩm” nhớ cố hương đầy dạ cố hương” của tác giả Liêu Hạ với ý thơ rất đỗi dạt dào cảm xúc, và những hiểu biết về các biểu tượng, từ ngữ của tác giả cũng rất rộng khiến cho độc giả đọc tác phẩm của bạn sẽ cảm thấy rất nhiều điều bí ẩn cần tìm hiểu, rất "học thức". Tuy nhiên đã nói là thơ, dẫu là thơ "tự do biến thể" cũng phải đáp ứng đủ những ràng buộc như sau:

Ngoài Lục bát hoặc song thất lục bát, thì đa số thơ tự do cũng phải liền lạc đan xen vào nhau,thường gieo 4,5,6,7, 8,9,10 chữ /câu và 4 câu /khổ. Cho dù biến thể thế nào thì có 2 cách áp dụng luật và vần như sau:
  • Theo luật BT và gieo vần như thất ngôn bát cú và luôn chuẩn 5 chữ cuối câu. Về khổ 4 câu (tứ tuyệt) có thể sử dụng tùy ý hoán câu như: "câu 1,2,3,4; 3,4,5,6; 5,6,7,8; 1,2,5,6; 1,2,7,8; 3,4,7,8".
  • Chữ cuối câu 1 trùng vần với chữ thứ 4 hoặc 5 câu hai.
  • Chữ cuối câu hai trùng vần chữ cuối câu ba.
- Chữ cuối câu ba trùng vần với chữ thứ 5 hoặc 6 câu tư. Vvv...vvv . Bài thơ của bạn gieo vần lạ khó đọc sẽ khiến độc giả khó tiếp cận. Mong bạn cố gắng hơn nữa.

7/ Thư gửi mẹ - Việt Phạm

Tác phẩm “Thư gửi mẹ” là một bài thơ tràn đầy cảm xúc và nỗi xót xa mà bạn tác giả Việt Phạm dành cho mẹ của bạn ấy. Bài thơ kể về nỗi vất vả của mẹ bạn khi chèo chống nuôi con một mình. Thông qua bài thơ tác giả cũng nhớ về những kỷ niệm cũ của gia đình khi bố mẹ bạn chưa ly hôn. Cái hay của bạn là những hình ảnh thơ rất giàu tính nghệ thuật được đan cài vào thơ. Ví dụ như” tóc mẹ màu nắng và da mẹ màu đất”, hình ảnh rất đời thường nhưng cũng rất đẹp. Tuy rằng bạn có mắc một vài lỗi về vần luật nhưng cái hay về nội dung và cảm xúc bài thơ đã làm mờ những lỗi nhỏ đó rồi.

8/ Người mẹ điên - Mưa

Tác phẩm “Người mẹ điên” là một câu chuyện xúc động kể về người mẹ với tình yêu thiết tha dành cho người chồng quá cố. Vì quá thương chồng nên nhân vật người mẹ đã hóa điên, buộc lòng phải cho người con đi làm con nuôi. Câu chuyện rất nhân văn và thấm đẫm tình người, vì dù mẹ có bị điên nhưng người con vẫn yêu kính mẹ. Chỉ tiếc là thể thơ mà bạn sử dụng chưa được mượt mà về vần điệu, điều này gây khó khăn cho độc giả khi tiếp cận với bài thơ. Mong bạn cố gắng lần sau.


9/ Nhớ - Nguyễn Hải Liên

Bài thơ “ Nhớ” của tác giả Nguyễn Hải Liên sử dụng thể thơ ngũ ngôn để viết về nỗi nhớ ông ngoại của tác giả. Đây là một bài thơ rất giàu hình ảnh và khắc khoải nỗi nhớ. Tôi rất thích 2 câu thơ giàu hình ảnh là:

“Cửa phòng đọc mở hé
Ghế bụi nhớ người xa”

Cảm ơn tác giả vì một bài thơ hay.

10/ Lời hồi đáp của tuổi thơ – An Yên

Bài viết “Lời hồi đáp của tuổi thơ” là một bài viết kể về những kỷ niệm tuổi ấu thơ rất dung dị của tác giả An Yên, nhưng thật khó để xếp bài viết của bạn vào thể loại nào vì nếu là thơ thì nó không tuân theo quy luật âm vần nếu là văn nó lại rất chơi vơi lưng chừng. Nhưng tôi đánh giá cao cảm xúc mà bạn viết trong bài. Xin cảm ơn bạn đã gửi bài dự thi.

11/ Nhớ cái khói của quê nhà – Bảo Ngọc

Bài viết “nhớ cái khói của quê nhà” là một bài tản văn ngắn nhưng đủ sức gây đồng cảm ở bạn đọc. Những ai sinh ra và lớn lên ở quê sẽ không lạ gì mùi khói của rơm rạ, của bếp lửa nhưng để viết thành một bài viết cô đọng cảm xúc như Bảo Ngọc thì chưa hẳn ai cũng làm được. Trong tác phẩm của bạn có rất nhiều đoạn hay như: “Giờ đây thì khác rồi, đô thị mọc đè lên nhau, nhà nhà thay bếp củi hoài niệm ấy thành bếp ga, mấy ai còn giữ cái kiềng bếp đen xì. Nhưng giữa những dòng khói bụi xe cộ, ngọn lửa riu nhỏ bên bếp ga,ta vẫn chỉ nhớ thương làn khói quê nhà. Ứớc được quay trở về những buổi chiều tà ngàn ngạt khói thơm, thơm mùi tình nghĩa và ấm cúng.” ; “Dần dần thì sẽ chẳng còn nông thôn,khói dần trở thành khách lạ đối với nhiều người,chẳng có gì đáng bất ngờ khi bếp củi không còn xuất hiện trong ngôi nhà của người dân nữa”. Là người từng cùng khói bếp lớn lên, tôi đồng cảm với những đoạn văn này rất nhiều, quả thật mỗi khi thấy khói bếp nhà ai quẩn quanh lại gợi nhớ tuổi thơ khốn khó mà tình nghĩa. Nhưng cũng vì vậy nên tôi phản bác câu: Người ở quê ai cũng mê khói,có lẽ vì nó ẩn sâu những ý nghĩa đẹp lắm, tôi nhớ khói bếp thật, nhưng chắc hẳn người quê quen thuộc với nó chứ không phải vì mê, khói cay lắm, đôi mắt mẹ tôi ướt nhẹp, mờ dại ra sau một lần đun rơm nấu cám lợn, mũi tôi cũng tắc lại, cả ngày đó không thể hít thở không khí mát lành bởi cái mùi khói khó tan đi tắc lại trong mũi.

Và trong bài vẫn còn một số lỗi trình bày như đôi khi bạn chấm phẩy xong thì viết chữ liền nhau mà ko hề có dấu cách, khiến cho người đọc có cảm giác rối mắt, dùng từ “dúi” chưa chuẩn, hành động tráo khoai từ tay nọ qua tay kia cho bớt nóng thì không phải là dúi. Cảm ơn bạn đã gửi bài dự thi, và tác phẩm này cũng thực sự làm tôi nhớ tới rất nhiều kỉ niệm đẹp.

12/ Đồng quê – Tiểu Mai

Tác phẩm “Đồng quê” của Tiểu Mai là một bài tản văn hay với những hình ảnh miêu tả đắt giá và sinh động như “nơi ánh trăng phết mật lên những đống rơm”. Những kỷ niệm tuổi thơ được đan xen hài hòa và rất đẹp. Cái khoảnh khắc chân quấn rơm có lẽ là thứ mà “dân quê” chẳng ai không nhớ. Bạn nhắc nhớ tới nhiều kỉ niệm đẹp, gây đồng cảm cao, gợi nhớ kí ức của bạn đọc, đó là thành công của bạn. Nhưng bài viết của bạn vẫn mắc một số lỗi cần khắc phục như sự nhầm lẫn giữa “văn nói” và “văn viết”. Những từ như “đáng yêu kinh khủng” là ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày, bạn không nên cho vào văn viết thì tác phẩm của bạn sẽ tròn trịa hơn. Đôi lời nhận xét mong bạn khắc phục và sáng tác hay hơn trong tác phẩm tiếp theo.

Bài 13: Bình yên nào bằng nhà mình – Nguyễn Vân

Tác phẩm “Bình yên nào bằng nhà mình” của tác giả Nguyễn Vân là một bài tản văn rất ý nghĩa. Bởi bạn đã lồng ghép nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ vào tình cảm thương nhớ quê hương. Đọc tác phẩm của bạn, tôi còn thấy một niềm tin, tình yêu bạn dành cho thành phố mang tên Bác. Trong dịch bệnh khó khăn mọi người vẫn đoàn kết, chia sẻ, và bảo bọc lẫn nhau. Cầu mong cho Việt Nam mình chiến thắng Covid. Chúc bình an cho Sài Gòn nói chung và cá nhân bạn nói riêng.

Tuy nhiên trong tác phẩm của bạn còn vấp phải một số lỗi rất đáng tiếc: lỗi lặp từ “Bắt đầu những chuỗi ngày đến trường đi học, về phải tranh thủ đi làm thêm đến đêm muộn. Vừa về tới phòng cảm giác chỉ muốn nằm ngủ luôn nhưng mà còn một đống deadline, bài tập, thuyết trình còn đang chờ hoàn thành.” Giá như ở đoạn này bạn bỏ bớt chữ “ về” và chữ “còn” đi thì câu văn suôn mượt hơn mà vẫn không thay đổi về ngữ nghĩa.

Bài 14: Ngày yêu thương trải lòng cùng người đặc biệt - Trần Thị Thái Hòa

“Ngày yêu thương trải lòng cùng người đặc biệt’ của tác giả Trần Thị Thái Hòa là một tản văn, kèm theo bài thơ vô cùng xúc động. Cảm giác nhớ thương và xót xa của người chị gái dành cho đứa em trai “xấu số thiệt phận” hẳn là đã lấy được nước mắt của rất nhiều bạn đọc. Xin được chia sẻ với đau thương mất mát mà chị và gia đình đã trải qua. Về mặt cảm xúc thì như vậy nhưng về mặt nghệ thuật thì Thái Hòa đã mắc một số lỗi chính tả rất đáng tiếc, có lẽ là do lỗi đánh máy, như tựa đề của tản văn là “trải lòng” không phải “trãi lòng”. Đồng thời việc lặp quá nhiều từ “luôn” trong một câu ở phần mở đầu khiến đoạn văn bớt đi nhiều phần tinh tế.

Đối với bài thơ tác giả gieo vần cũng chưa được nhịp nhàng uyển chuyển. Ví dụ câu cuối khổ 1 “Tết này em sẽ mua quà cho ba” không vần với câu đầu khổ 2 “Và rồi chị đợi mỏi mòn.”

Một số nhận xét xin được chia sẻ cùng tác giả, mong tác giả khắc phục và viết ngày càng hay hơn.


Bài 15: Mưa chênh vênh - Trần Thị Thái Hòa

Tác phẩm “ Mưa chênh vênh” của Trần Thị Thái Hòa là một bài tản văn về mưa với nỗi nhớ buồn và xúc động. Tuy nhiên các câu văn thường rất dài, thay vì dùng dấu chấm thì bạn lại dùng dấu phẩy khiến người đọc có cảm giác hụt hơi. Về điểm này tác giả nên khắc phục để tản văn được tiếp cận dễ dàng hơn với độc giả.

Bài 16: Nơi nào bình yên nhất nơi đó là nhà - Đinh Thị Hảo

Tác phẩm “ nơi nào bình yên nhất nơi đó là nhà” của tác giả Đinh Thị Hảo là một bài tản văn hay và thực tế viết về cuộc sống của những người con xa quê vì một lý do gì đó mà chưa thể “an cư” ở quê người. Những triết lý mà tác gủa Đinh Thị Hảo đưa ra thật đúng và chính xác. Nơi nào bình yên nhất nơi đó là nhà.

17/ Gia đình là hạnh phúc của con – Trúc Xanh

Tác phẩm “Gia đình là hạnh phúc của con” – tác giả Trúc Xanh là một bức thư xúc động bạn viết cho bố mẹ để kể về những kỷ niệm đã xa của gia đình bạn. Đọc thư bạn, tôi mừng cho bạn vì bạn được sống trong một gia đình tràn đầy yêu thương. Rất nhiều kỷ niệm được liệt kê, nhưng do kể dài quá, nhiều quá khiến tác phẩm bớt đi phần cô đọng, độc giả cũng khó nhận biết được đâu là điểm nhấn ấn tượng của bài. Lỗi lặp ý và lặp từ trong cùng một đoạn văn cũng làm cho tác phẩm trở nên loãng hơn.

Cảm ơn bạn đã gửi bài dự thi, mong bạn sáng tác ngày càng vững tay bút. Thân quý!

Bài 18: Bầu trời năm ấy từng rất xanh – Gió Tự do

Trái với bài “Ước gì Tết này con được về nhà” (bạn đó đăng mục tản văn mà có nhiều chi tiết tự sự), thì bài này đăng mục truyện ngắn lại hẳn nên là một tản văn. Bài viết mở đầu là cảm nhận về bầu trời xanh thực sự êm, trữ tình, gợi nhớ ra những khoảng trời trong trí óc mỗi người. Tôi nghĩ chắc hẳn ai cũng một lần ngắm bầu trời mà suy nghĩ vẩn vơ, có thể là những thứ sao siêu, có thể là ước nguyện, có thể đơn giản là ngắm vẻ đẹp của nó để rồi khắc sâu vào trong trí óc mà thôi.

Bài viết này có kết cấu 2 phần: phần 1 tả cảnh, phần 2 là về những tâm tư bản thân. Phần 2 này tác giả cũng viết rất tốt: những rối tinh trong suy nghĩ, công việc loạn lên trong đầu được dẹp yên khi nhìn lên bầu trời. Viết hay quá nhưng bị cụt tại đoạn này, nếu tác giả viết thêm về tác động của quang cảnh bầu trời ấy gột rửa tâm hồn bạn thế nào, gợi ra hồi ức từ sâu thẳm trong tim ra sao thì sẽ tuyệt lắm. Bởi người viết văn là người phải khai thác, phóng đại những cảm xúc trước thay đổi rất nhỏ để tỏ bày tình cảm mà.

Bài 19: Thơ gửi mẹ - Trà Lê

Tác phẩm “Thơ gửi mẹ” là những dòng tâm sự rất chân thành của người con với tình cảm yêu thương nồng nàn, chan chứa, cùng những ước mơ, trăn trở về cuộc sống mà tác giả Trà Lê viết dành cho mẹ của mình. Nhưng Trà Lê ơi! Bài thơ của bạn mắc lỗi không suôn vần, các câu thơ không có sự kết nối khiến cho độc giả khó tiếp nhận tác phẩm. Ngoài ra là lỗi lặp từ ví dụ như trong bài bạn sử dụng quá nhiều từ đam mê. Thơ là tiếng lòng tha thiết được viết lên thành vần điệu, bài thơ của bạn chưa có được vần điệu đủ lắng sâu vào tim độc giả. Bạn có thể tham khảo cách viết của người đi trước để ý thơ được mượt mà hơn. Tôi tin rằng với đam mê và yêu thích mà bạn dành cho thơ, bạn sẽ thành công.

Bài 20: Nhà? – T. Thảo

Tác phẩm “Nhà?” của T. Thảo là một tác phẩm tản văn chứa một thông điệp xót xa cho những ngôi nhà mà không phải là nhà. Lời tâm sự của một đứa con sống trong cảnh bạo lực mới chát đắng làm sao. Nhưng có lẽ vì bạn chỉ tưởng tượng thông qua những bức ảnh nên tác phẩm của bạn đôi khi mắc lỗi cường điệu thái quá. Ngoài ra, bạn còn mắc lỗi viết thiếu từ và đánh máy: “Có một đêm tôi sờ vào đôi cánh của mẹ. Đôi cánh đầy những vết dao, những mảnh vỡ, máu chảy nhiều và nó cũng bắt đầu hoài tử”. “Đôi cánh tay” chứ không phải “đôi cánh” và “hoại tử” chứ không phải “ hoài tử” ạ.

Có những đoạn bạn lặp ý một cách không cần thiết ví dụ như trong một đoạn văn ngắn bạn lặp lại hai lần câu hỏi “Liệu tôi có nên nói với cô ấy đây là một giấc mơ không?” Theo tôi thì chỉ cần một câu thôi là đã đủ ý rồi.

Thông điệp mà bạn đưa ra ở phần cuối tản văn là một thông điệp rất hay mà ai cũng cần suy nghĩ và vun đắp “Hãy luôn yêu quý, gìn giữ gia đình của mình, hãy tạo nên một gia đình hạnh phúc, đúng nghĩa là “Nơi bình yên để trở về”. Cảm ơn bạn vì một thông điệp ý nghĩa.

21/ Chuyện đêm khuya – Hoa Phù sa

Hoa phù sa tỏ ra là một tác giả toàn năng khi chuyển sang viết truyện ngắn. Tác phẩm viết dưới dạng kết cấu giấc mơ, hoặc cũng có thể là theo mô típ “trùng sinh” quay lại thời điểm trước khi xảy ra mọi chuyện để bắt đầu lại từ lúc chưa xảy ra “hành động lầm lỗi”. Để cho không chỉ nhân vật nữ hối hận mà còn có cả Tuấn – người tình, cũng hối hận, là một điểm khá mới, vì truyện này thực tế có mô típ không mới, nhưng đa phần đã viết ở góc nhìn một chiều của phía nữ, Hoa phù sa đã khai thác cả sự hối hận của nhân vật người tình, để cả hai biết sự sám hối của những việc phản bội gia đình, chạy theo thú vui nhất thời. Có thể chia tác phẩm này thành 3 phần:
Phần đầu: đầu mối của việc phản bội, ngoại tình, báo trước tình huống

Phần giữa: Quá trình bỏ nhà tới nơi khác sống cùng nhau của đôi tình nhân đều đã có gia đình riêng, sau đó là khó khăn gặp phải, rồi xa cách tình yêu, hối hận, nghĩ lại điểm tốt của gia đình mình đã vứt bỏ.

Phần cuối: Bừng tỉnh, làm lại cuộc sống, yêu thương toàn ý cho gia đình.

Việc tỉnh ngộ này xuất hiện ở cả 2 nhân vật, và dường như họ đã cùng trải qua chứ không đơn giản là chỉ 1 người gặp được “kì ngộ”, tuy nhiên phần 3 này, tác giả viết chưa được “mượt” làm cho tác phẩm bị ngây ngô ở phần kết. Đều là những người đã có gia đình, đã va trải xã hội nhưng có những hành động giống những cô cậu bé ở tuổi học trò: bỏ nhà đi quên mang hộ khẩu, không tìm được việc làm dẫn tới thiếu tiền, cãi vã. Xây dựng tính cách gắn với tình cảnh không hợp lí, không có sự trừng phạt nào dành cho các nhân vật, chỉ là sự nhận ra đơn giản do có so sánh hơn – kém. Nếu người tình không bê tha, liệu 2 người có suy nghĩ lại? Hà lấy chồng 5 năm nhưng có đến 4 năm ngoại tình tinh thần. Tác giả có phần nương tay cho “đứa con” của mình quá. Phần giữa nếu là dành cho một đôi yêu nhau trốn mẹ cha đi thì có sự hợp lí hơn. 1 lỗi chính tả: mặc nhiệm

22/ Nếu là nhà xin hãy thực sự là nhà – Tình

Tác phẩm mang chất báo chí, phóng sự khá đậm nét, nhất là ở phần đầu giống phóng sự, phần cuối nếu thông điệp. Đề tài này tuy cũng không mới nhưng vẫn là một vấn nạn ở nước ta và nhiều nơi trên thế giới – bạo hành gia đình. Từ sự đồng cảm về tình người, rồi nghĩ về chính mình, tác giả đã đem tới 2 hoàn cảnh đáng thương của bạo lực gia đình: cả từ đòn roi da thịt đến lạnh lẽo tình người, từ đó tác giả đưa ra thông điệp về “nhà”.

Đau thương bên lề đường – bài báo nhận được giải thưởng và lời khen ngợi trong bài, tôi thấy khá giống bức ảnh nghệ thuật cuả nghệ sĩ Phùng trong Chiếc thuyền ngoài xa, đều là cảnh được nghệ sĩ tận mắt chứng kiến, đều thành một kiệt tác song lại ẩn chứa một câu chuyện day dứt phía sau.

Chất báo khá lấn chất văn học, ở chỗ: tác phẩm văn học thường họ sẽ kể câu chuyện và để người đọc tự nhận ra các giá trị đằng sau đó, những thông điệp cần được mổ xẻ, và nếu độc giả không nhận ra được thì các nhà phê bình văn học sẽ làm điều ấy. Còn đưa ra thông điệp kiểu hô hào sẽ giúp độc giả tiếp nhận thông tin nhanh chóng nhưng đồng thời cũng làm họ “lười”.

lỗi chính tả, đánh máy: gọn gang, hủ tiền, tất bậc, lãng tránh..

23/ Khoảng trời của trẻ con - Minh Nguyên

Mới mẻ trong lối viết của Nguyên, tự bứt phá lên lối viết nhẹ nhàng đằm thắm thường gặp. Nguyên vẫn thế mạnh với những câu chuyện ngắn nhưng viết rất chắc tay. Một cậu bé đáng thương, một người phụ nữ đáng trách, một người bị cuộc đời cùng cực làm cho cáu gắt, rồi lại đổ sự đau khổ lên đầu người khác. Cái kết làm cho tôi tiếc: giá như Nguyên viết thêm về tín hiệu hơn nữa. Hoặc chính tôi đang muốn ánh sáng tươi đẹp bởi sự xuất hiện của người cha, soi rọi lên 2 mẹ con họ nên tôi mong mỏi 1 dấu hiệu rõ rệt hơn. Nhưng có lẽ cái kết mở đó mới chính là cuộc đời.

24/ Mùa đông không lạnh - Công Đức

Sự xuất hiện trở lại của Công Đức đã khiến tôi rất chờ mong, nhưng bài viết này tôi chưa thực sự thích. Những đứa trẻ còn yêu thương nhau có lẽ là 1 lí do hàn gắn chính đáng để cha mẹ nhìn vào đó mà nghĩ lại. Tuy nhiên, sự nuối tiếc của 2 phía cha mẹ không có dấu hiệu rõ ràng, nên khi họ dắt tay ra quán cà phê và hàn gắn, tôi cảm thấy khá ép buộc. Mà hiển nhiên, chúng ta nên cho nhân vật có sự chuyển biến tâm lí trước đó một cách hợp lí, không thể giống như tai nạn xe, xảy ra mà không hề báo trước. Bài viết giống một sự chắp nối các đoạn truyện khác nhau vào với cùng tuyến nhân vật và hoàn cảnh mà thôi.

1 lỗi chính tả: giành ->> dành

25/ Nơi nào có mẹ, nơi đó là nhà – Kim Tuyến

Bài viết này tình cảm dạt dào, đủ đầy cảm xúc của tuổi mới lớn, với những quan sát về thế giới kĩ lưỡng, tinh tế. Lối viết cũng khá ổn, cuốn hút với bạn đọc. Tuy nhiên, cũng có thể do tuổi còn trẻ, nhiều ví von còn khá ngây thơ và dùng từ còn sai vài chỗ.

Vì khi mẹ có bầu đã trồng cây vú sữa nên bạn miêu tả như một người bạn đồng hành, cùng lắm là anh chị em thân thiết, hơn là nói về cây vú sữa 5,6 năm tuổi “như một người cha”, khá là …kì.

Bẻn lẻn? – Bẽn lẽn

“dành dụm thanh xuân để vun vén gia đình” ->>Dành dụm là động từ chỉ cất giữ đi để sau dùng, nhưng thanh xuân là thứ mà không thể cất đi để về sau sử dụng nữa nên dùng từ không hợp lí.

26/Gió theo mây bay về cuối trời - Trần Hàn

Tôi rất tiếc cho bài tản văn này. Phần trước khi vào tới nhàm bạn viết về cảm xúc, con đường như thước phim hiển hiện rõ trong mắt bạn đọc, nhưng phần cuối là viết về người anh, nhưng không rõ ràng, viết không có nhiều liên kết nhiều với đoạn trước, làm mất đi tính tiếp nối của mạch cảm xúc.

Phần đầu Trần Hàn viết vô cùng cuốn hút, lời văn trôi chảy giàu hình tượng, mượt mà, khiến bất cứ ai đọc lên cũng có thể tưởng tượng đầy đủ khung hình bạn vẽ ra từ câu chữ. Và phần cuối, giá như có thêm nhiều điểm nhớ về quá khứ để bạn đọc thấy rõ được mục đích chuyến đi về hoặc để cho bạn đọc thấy nơi này đã từng thân thiết gắn bó đến nhường nào thì tác phẩm vô cùng trọn vẹn.

27/ Khi mở mắt, tôi thấy mình đã về nhà - Quang Huy

Tác giả Quang Huy đã có những mới mẻ riêng trong lối viết. Thủ pháp dùng giấc mơ để nhớ về quá khứ, kỉ niệm, hồi ức mà không cần theo trình tự thời gian là cái tuy không mới, nhưng cũng khá lạ trong cuộc thi này, nhưng hơi tiếc vì bạn đã dùng thủ pháp này mà không tận dụng đặc trưng của nó, bạn lại kể theo trình tự. Khi ở trong mơ hoặc hồi ức thì con người ta thường nhớ tới những gì ấn tượng nhất, sâu sắc nhất, chúng ta có thể tận dụng chuyển cảnh liên tục mà không sợ mất tính logic, nhưng thay vào đó, chi tiết chọn lựa phải thật ấn tượng. Phần viết đầu khá “đẹp”, mượt mà.

Có một lỗi dùng từ: “chiếc ti vi nhá nhem bụi” – từ nhá nhem này thường dùng với ý chỉ trời lờ mờ tối.

Tác giả có thể phản biện những kí ức trên là điều đặc biệt với nhân vật, tuy nhiên lối viết không tập trung, nhấn mạnh vào một điểm khiến nó giống dòng hồi ức hơn. Và, đối tượng sử dụng giấc mơ mà không muốn tỉnh, thường bởi vì đã mất đi, ở đây chưa đề cập đến mà chỉ muốn nhấn mạnh thứ đẹp đẽ không muốn đánh mất, làm giảm giá trị tích cực con người nên có (tỉnh dậy, gọi điện cho người thân hoặc ít những điều nên làm, thay vì trốn tránh hiện thực).

28/ Hũ mắm tép của dì tôi – Kì Phong

Dì cười nói “Dì chẳng biết. Bà ngoại hồi đó chỉ dì cách làm mắm, quên nói đến công dụng của cơm nguội. Nhưng lại nhắc là, cơm nguội phải để qua một đêm rồi ủ chung với mắm mới ngon” => Đây là câu tôi thích nhất, bởi nó cũng có thể là sự khôn khéo của tác giả, né tránh tới một vấn đề mà mình cũng không chắc chắn, cũng có thể là sự sắp đặt để món mắm tép được khoe khéo cái sự truyền nghề lâu đời của nó, trở nên đặc biệt ở sự tiếp nối truyền thống.

Đây là một bài viết rất kĩ càng về một món truyền thống của người Việt, vừa hấp dẫn ở thức đồ, vừa truyền lưu một nét đẹp xứ Huế mà vẫn đủ đầy cảm xúc, không bị sa vào dạng văn thuyết minh.

Điểm duy nhất khiến bài viết chưa đạt giải, vì thiếu mất đi vài dòng của tác giả để tỏ rõ điều gì đã khiến nhân vật trữ tình nhớ mãi về hũ mắm tép như vậy? Tác giả mới viết về hũ mắm như một đặc sản, như một điểm mốc, một thứ để nhớ về nhưng thiếu mất cảm nhận của bản thân để cho bạn đọc thấy bạn không quên được nó.

29/ Nhà ba gian – Ngôn

Bài thơ " Nhà ba gian" của tác giả Hạ Tĩnh Ngôn là bài thơ ăm ắp kỷ niệm và những hình ảnh rộn rã tươi vui của tuổi ấu thơ mà tôi khá là thích. Hẳn rằng bạn phải là người trải qua một tuổi thơ ấm êm bên ngôi nhà ba gian ấy mới có thể viết lên những lời thơ ngọt ngào đến vậy. Với 15 khổ thơ viết theo thể ngũ ngôn tự do, cứ chậm chậm, êm ru như lời thầm thì kể chuyện về ngày xưa yêu dấu, khiến người đọc như được hòa vào miền kí ức cùng tác giả để hoài niệm, để nhớ, để thương.

Tuy nhiên do bài viết khá là dài nên có đôi phần hạn chế về số câu trong một khổ, khiến bài thơ đôi chỗ bị lạc nhịp vì cách gieo vần. Mong bạn khắc phục lỗi này để bài thơ được trọn vẹn hơn nhé. Cảm ơn bạn đã dự thi, Văn học trẻ rất mong được đón nhận những tác phẩm tiếp theo từ bạn

30/ Ước gì sang năm, mình sẽ được ăn tết ở nhà – Tron

Thông điệp cuối có lẽ là phần hay nhất của bài viết này. Thực ra bài viết này đã bắt đầu có nhân vật và cốt truyện riêng, có đối thoại, nhưng do bạn không đi sâu vào kịch tính mà chỉ gợi chuyện để làm nổi bật hoàn cảnh khốn khó của gia đình, thành ra bạn vẫn để ở tản văn được. Bài viết khá tốt, nhưng lối kể chưa thực sự ấn tượng, 1 là làm nổi hẳn kịch tính của biến cố gia đình, 2 là viết rõ những xúc cảm chi tiết hơn của diễn biến tâm lí khi đứng trước những biến cố ấy thì sẽ gây đồng cảm mạnh hơn từ bạn đọc, tác phẩm sẽ cuốn hút hơn nhiều.

31/ Bỏ lại mộng tưởng giang hồ - Đinh Thành Trung

Tác giả Thành Trung sử dụng câu chữ khá chuyên nghiệp. Khi nhìn thấy tên bạn, tôi cũng chờ mong nhiều, vì bạn thường có những cốt truyện tuy không mới nhưng khai thác được những chi tiết khá lạ, dẫn dắt tốt. Tuy nhiên lần này cũng khiến tôi hơi thất vọng chút. Cốt truyện lần này cũng vẫn ổn, thông điệp đưa ra không có gì phải bàn – khá tốt, nhưng lối viết lại không lôi cuốn lắm.

32/ Đánh là yêu ghét cũng là yêu – DynRM

Vào vai chú chó để kể lại chuyện gia đình cô chủ là một cách sáng tạo, mới mẻ của tác giả. Tuy nhiên, do viết “còn non”, đưa những tình tiết chưa hợp lí khiến sự nhập vai này khiên cưỡng. Chó thì nên viết suy nghĩ của chúng đơn giản chút, và do chúng là động vật, không có nhiều sâu sắc, nên khi bạn đưa chúng vào với những suy nghĩ người quá (ví dụ như “mẹ ngăn tôi lại”, rồi suy nghĩ của chú chó về cuộc đời, về lục đục trong gia đình), tác giả cần tinh tế hơn trong việc chọn điểm nhìn để viết.

Đánh giá bình luận của bạn đọc thông thái:

Văn học trẻ không nhất thiết yêu cầu 1 topic của độc giả chỉ bình một tác phẩm, nếu các bạn không thể viết quá dài cho một bài bình luận thì các bạn có thể làm một bài nhận xét tác phẩm tuần hoặc chùm tác phẩm nổi bật trong suy nghĩ của bạn.

Những bài bình luận của các tác giả chúng tôi thường ngắm tới một trong 2 tiêu chí (và cả hai càng tốt):

1/Độ chuyên nghiệp, am hiểu của người bình luận để bình cả về hay lẫn dở của bài, đôi khi không dở nhưng sẽ có lỗi hoặc hạn chế nào đó cần cải thiện để bài tốt hơn.

2/ Bạn đọc nhiệt tình

Giống như bạn Nga Nga, Vũ Thúy, Hoa phù sa, Cỏ phong sương và Thiện Đức là những bạn đọc “có tâm” mà mỗi tác giả mong ước có được, bởi các bạn rất chịu khó góp ý, khen ngợi hoặc động viên các tác giả khác.

Trong tuần này, hai bài bình luận (của Tài Khôn và Trúc Linh) mới dừng ở mức độ bạn đọc không chuyên cảm nhận, đưa ra những nhận xét tích cực mà bạn đọc cảm nhận được khi đọc bài viết. Dù tôi vẫn chưa thực sự ưng ý nhiều nhưng rõ ràng cũng đã đúng định hướng của BTC về giải thưởng này. Mong các bạn bình luận sôi nổi hơn để cùng góp vui với Văn học trẻ và các tác giả dự thi.

Thiện Đức là một thành viên mới nhưng đã có nhiều chia sẻ, nhiều tâm tư với Văn học trẻ. Bạn đã rất tích cực bình luận đầy thiện ý, kết bạn, giao lưu với VHT và các tác giả khác, chú trọng tới quá trình đạt được kiến thức để hoàn thiện bản thân. Đây cũng là mục tiêu mà VHT hướng tới.

Các bạn đang xem bài:
Ý kiến của Ban giám khảo về các tác phẩm dự thi tuần 2 cuộc thi viết chủ đề nhà
 
Sửa lần cuối:
Từ khóa Từ khóa
tuần 2 cuộc thi viết chủ đề nhà ý kiến của ban giám khảo
926
4
3
Trả lời
Cảm ơn BGK đã góp ý bài cảm nhận của mình. Mình cũng không phải dân chuyên nên trong khi viết còn có nhiều thiếu sót, chỉ biết viết và chia sẻ ý kiến về tác phẩm mà mình yêu thích, những mong gửi tới tác giả của bài viết đó để động viên cũng như cổ vũ tinh thần. Hi vọng được học hỏi nhiều hơn từ admin văn thơ dễ thương, cute, siêu cấp đáng yêu và các bạn đi trước ạ.
 
  • Love
Reactions: Thiện Đức

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.