Vẻ đẹp của văn hóa dân gian trong "Truyện Kiều" của Đại thi hào Nguyễn Du

Vẻ đẹp của văn hóa dân gian trong "Truyện Kiều" của Đại thi hào Nguyễn Du

Trong sự hình thành và phát triển nền văn học của một dân tộc, văn hóa dân gian đóng vai trò rất quan trọng. Nói cách khác, sáng tác dân gian là một trong những cơ sở, nền tảng của văn học viết, là chặng đầu của nền văn học của dân tộc. Chính đời sống tinh thần của mọi thời đại đã chứng kiến mối quan hệ giữa folklore – văn hóa dân gian và văn học là một quá trình thực tế và liên tục. Sự ảnh hưởng của sáng tác dân gian truyền thống không chỉ bó hẹp ở một ngành hay một lĩnh vực nào đó mà diễn ra trên một phạm vi rộng, bao gồm cả văn học, sân khấu, âm nhạc, vũ đạo, hội họa, kiến trúc, điêu khắc…

Folklore hay còn gọi là văn hóa dân gian, là toàn bộ kho trí thức, trí tuệ, cách nhận thức của dân chúng, là toàn bộ các lĩnh vực sáng tạo văn hóa của quần chúng nhân dân. Văn hóa dân gian tồn tại và phát triển từ lâu đời. Thuở mà con người chưa có chữ viết, văn hóa dân gian được truyền bá chủ yếu bằng phương pháp truyền miệng, bằng các động tác làm mẫu để người khác làm theo…

Việc tìm hiểu mối quan hệ giữa văn hóa dân gian nói chung với văn học viết là một vấn đề được giới nghiên cứu ngữ văn và folklore rất quan tâm. Từ trước tới nay, các nhà nghiên cứu luôn chú ý tới mối quan hệ giữa folklore và văn học dân gian; mối quan hệ giữa folklore và văn học viết và mối quan hệ giữa văn học dân gian và văn học viết.

Trước hết là vấn đề mối quan hệ về nội dung tư tưởng giữa hai loại hình nghệ thuật văn học dân gian và văn học viết. Văn học dân gian là kho trí tuệ quý báu của nhân dân lao động, đem lại cho văn học viết sự lựa chọn đề tài bởi đề tài trong văn học dân gian vô cùng rộng lớn, đủ màu sắc, trên mọi bình diện của đời sống, không bị giới hạn bởi những quan niệm đề tài sang hèn, cao thấp. Các tác giả có thể lấy văn học dân gian làm ngữ liệu cho những tác phẩm của mình. Nội dung của những câu chuyện dân gian dưới ngòi bút của những nhà văn, nhà thơ, nhà tiểu thuyết… bỗng trở nên hấp dẫn đến kỳ lạ. Các tác giả của dòng văn học viết đã lấy chính nội dung của những câu chuyện dân gian làm nội dung chính trong các tác phẩm của mình.

Và "Truyện Kiều" của Nguyễn Du là một ví dụ điển hình cho việc ảnh hưởng của văn học dân gian đối với văn học viết về phương diện nội dung tư tưởng. Một trong những nội dung tư tưởng lớn lao, cao cả nhất của "Truyện Kiều" là tình thương bao la, bát ngát cho những kiếp người đau khổ, đặc biệt là phụ nữ:

“Đau đớn thay phận đàn bà,
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”
(Truyện Kiều)

Vậy thử hỏi, cái tình cảm lớn lao đó, một khi đã không phải trên trời rơi xuống cho Nguyễn Du thì từ đâu đến là chính? Từ cuộc sống và tâm lý trưởng giả hay từ cuộc sống và tâm lý dân gian? Từ nền văn học bác học đã có trước Nguyễn Du hay từ nền văn học dân gian truyền thống? Không ai là không trả lời được rằng Nguyễn Du đã học tập cái tinh thần nhân đạo ấy ở quần chúng nhân dân, thông qua ca dao, dân ca; và học tập qua cách sống, nét văn hóa của quần chúng. Ông từng xác nhận: “Thôn ca sơ học ma tang ngữ” – từ nhỏ học lời người trồng dâu, trồng đay qua những bài hát nơi thôn xóm, đó là một minh chứng cho tinh thần học tập, tiếp thu những giá trị truyền thống đẹp đẽ của văn học dân gian, văn hóa dân gian của Nguyễn Du nói riêng và các tác giả văn học viết nói chung.
Thêm nữa ngôn ngữ văn học dân gian và ngôn ngữ văn học viết đều là ngôn ngữ nghệ thuật, nhưng khác nhau về mức độ gọt giũa của ngôn từ, về sự có mặt hay vắng mặt của dấu ấn cá tính sáng tạo của chủ thể trên ngôn ngữ tác phẩm. Ra đời sau nên ngôn ngữ văn học viết được gọt giũa, trau chuốt mà mang đậm phong cách của từng nghệ sĩ. Văn bản đã hình thành là cố định, có tính duy nhất nên bản thân người sáng tạo thường mất rất nhiều thời gian, công sức để có dấu ấn của mình. Đọc tác phẩm văn học, sức hấp dẫn chính là ở sự mới mẻ. Cùng là một hình ảnh vầng trăng, Nguyễn Du viết:

“Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường”
(Truyện Kiều)

Muộn hơn, Tố Hữu không thể lặp lại và viết:

“Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung”
(Việt Bắc)

Đến Nguyễn Duy:

“Ánh trăng im phăng phắc
Đủ cho ta giật mình”
(Ánh trăng)

Rõ ràng, cùng một hình ảnh nghệ thuật, qua bàn tay của mỗi người nghệ sĩ lại hiện lên với một dáng vẻ khác nhau, mới lạ và chất chứa bao tình cảm. Trong khi đó, người nghệ sĩ dân gian thường không cần gia công nhiều, không mất nhiều thời gian vì trong tay họ lúc nào cũng sẵn có thứ bảo bối truyền nhiều đời, tạm gọi là các công thức truyền thống. Trong ca dao, dân ca, chúng ta cứ ngân nga mãi không bao giờ biết chán những câu:

“Hỡi cô tát nước bên đàng.
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi”

Ngôn từ trong sáng tác dân gian mộc mạc, giản dị, gần với lời ăn tiếng nói hàng ngày. Hơn nữa, ngôn ngữ này không phụ thuộc nhiều vào văn bản như ngôn ngữ của văn học viết mà phụ thuộc vào môi trường diễn xướng, gắn liền với tính tập thể và truyền miệng. Cùng một câu ca dao nhưng qua hình thức đối đáp giao duyên của từng vùng miền đã có sự thay đổi về mặt ngôn từ trên một nội dung sẵn có.

Văn học dân gian có ảnh hưởng, tác động mạnh mẽ, sâu sắc đối với nền văn học viết. Nhưng ngược lại, văn học viết cũng có những tác động trở lại đối với văn học dân gian. Chẳng hạn, các tác giả dân gian đã đưa những chất liệu văn học viết vào ca dao, những nhân vật trong "Truyện Kiều", "Lục Vân Tiên"… là những ví dụ tiêu biểu. "Truyện Kiều" của Nguyễn Du là một ví dụ điển hình cho hiện tượng một tác phẩm văn học bác học đã được dân gian hóa một cách cao độ hiếm có. Kiệt tác này được dân gian hóa bằng nhiều phương diện, nhiều hình thức biểu hiện trong đó có bói Kiều là điều đáng nói nhất.
Cũng cần phải nói thêm rằng sở dĩ có hiện tượng trên là vì những câu thơ mộc mạc, dân dã, thể hiện đời sống của người dân lao động như trên vốn thường hay xuất hiện trong ca dao, dân ca. Đó là những lời thơ gần gũi, quen thuộc với người bình dân. Vì vậy, họ đã coi và biến chúng trở thành lời ăn, tiếng nói hàng ngày của mình. Như vậy, các tác giả dân gian đã sử dụng văn liệu, thi liệu của văn học viết để làm cho đời sống tinh thần của họ ngày càng trở nên phong phú hơn, sinh động hơn. Hơn nữa, các tác giả dân gian cũng học tập được nhiều điều bổ ích từ sáng tác của các nhà văn, nhà thơ chuyên nghiệp. Họ đã khai thác không ít điển cố, điển tích, từ ngữ, hình ảnh… trong văn học viết để đưa vào các bài vè, câu hát… của họ.

Rất nhiều ngôn từ, điển tích của văn chương bác học đã đi vào dân gian:

- “Anh xa xem như bến xa thuyền
Như Thúy Kiều và Kim Trọng biết mấy niên cho tái hồi”

- “Đêm đêm tưởng dải Ngân Hà
Mối sầu tinh đẩu đã ba năm tròn
Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn
Tào khê nước chảy vẫn còn trơ trơ”

Các từ Thúy Kiều, Kim Trọng, tinh đẩu, tào khê được các tác giả dân gian lấy từ nguồn văn học bác học.

Tìm hiểu mối quan hệ qua lại giữa "Truyện Kiều" của Nguyễn Du với thơ ca dân gian có thể coi như một trường hợp tiêu biểu đầy hứng thú cho vấn đề này. Theo một số thống kê chưa đầy đủ thì có khoảng hai trăm trường hợp dân ca, ca dao và "Truyện Kiều" chịu ảnh hưởng lẫn nhau. Có đến hàng trăm câu Kiều lấy ý, lấy hình ảnh, motip trong ca dao dân ca và ngược lại cũng có số lượng tương đương những câu ca dao dân ca là những câu thơ Kiều hoặc được giữ nguyên hay đã cải biên ít nhiều. Ví dụ như :

"Nghĩ xa thôi lại nghĩ gần
Làm thân con nhện mấy lần vương tơ.
Chắc đâu trong đục mà chờ
Hoa thơm mất tuyết biết nương nhờ vào đâu…"
(Ca dao )

"Nàng rằng đã quyết một bề
Nhện này vương lấy tơ kia mấy lần,
Đục trong thân vẫn là thân
Yếu thơ vâng chịu trước sân lôi đình"
( Truyện Kiều )

"Vầng trăng ai xẻ làm đôi,
Đường trần ai vẽ ngược xuôi hỡi chàng…"
(Ca dao )

"Vầng trăng ai xẻ làm đôi,
Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường".
(Truyện Kiều)

Với một số câu vừa dẫn hay cả quá trình tìm hiểu thật khó để có thể xác định rõ từ ca dao đã ảnh hưởng đến câu thơ trong "Truyện Kiều" hay ngược lại. Hay nói một cách khác đó chính là mối quan hệ giữa thơ ca dân gian với thơ ca bác học đặc trong mối quan hệ hai chiều. Theo lẽ thông thường ta luôn nghĩ thơ ca dân gian cho nhiều hơn nhận, mà về bản chất nó cũng dễ thấy, dễ nhận diện hơn. Tuy nhiên trong thực tiễn lịch sử văn học với các hiện tượng văn học mà cụ thể ở đây là ca dao dân ca với "Truyện Kiều" của Nguyễn Du thì việc ca dao dân ca ảnh hưởng từ văn học bác học cũng không phải là không có, thậm chí còn rất mạnh mẽ. Điều này sẽ còn phải khai thác, chứng minh làm rõ hơn nữa trong tương lai.


TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Văn học Việt Nam thế kỉ X đến thế kỉ XIX – Những vấn đề lý luận và lịch sử _ Nxb Đại học quốc gia Hà Nội ( Trần Ngọc Vương chủ biên)

Sưu tầm
 
Từ khóa
nguyen du truyen kieu văn học việt nam
2K
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top